Sáng 26/11, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Nhiều chỉ đạo quan trọng của Viện trưởng VKSND tối cao
Trình bày báo cáo, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, năm 2024, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao quán triệt, chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; ban hành các nghị quyết chuyên đề, nhiều kế hoạch và văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2024 với 2 nhiệm vụ đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu VKSND các cấp tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2023, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024.
Ngành Kiểm sát nhân dân đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản của ngành Kiểm sát nhân dân đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể:
Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%). Ban hành 120.523 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.877 cuộc tại Cơ quan điều tra; yêu cầu khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%)...
Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%)...
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 103.365 vụ/198.262 bị cáo. Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện vi phạm và ban hành 697 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 83,2% (vượt 13,2%); ban hành 95 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 82,5% (vượt 7,5%).
Công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt 92,4% (vượt 22,4%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (vượt 10%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89,2% (tăng 4,5% và vượt 29,2%).
Cùng với đó, VKSND tối cao cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, thi hành án dân sự, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu hoàn thiện thể chế phát triển VKSND; xây dựng 4 Đề án theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các ủy ban của Quốc hội góp ý, chỉnh lý các dự án luật; nghiên cứu, góp ý hồ sơ xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự…
Ngoài ra, VKSND tối cao cũng chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao; tham dự Hội nghị VKSND các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 3; Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Mạng lưới toàn cầu các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng.
Một số kiến nghị của VKSND tối cao
Để bảo đảm điều kiện, cơ chế cho Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao trong thời gian tới, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến kiến nghị Quốc hội một số nội dung:
Thứ nhất: Đề nghị Quốc hội quan tâm đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị có chủ trương luân chuyển, biệt phái, đào tạo cán bộ cấp Chiến lược cho ngành Kiểm sát nhân dân và chỉ đạo việc thực hiện cơ cấu Viện trưởng VKSND các cấp tham gia cấp ủy địa phương, theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị.
Thứ hai: Hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh so với trước đây với nhiều tội phạm mới có tính chất phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; cùng với đó yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao nên Ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (Kiểm sát viên các cấp) là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với VKSND tối cao báo cáo bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để kịp thời khắc phục khó khăn cấp thiết về trụ sở làm việc; xây dựng định mức chi thường xuyên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo hướng tăng vốn đầu tư công, tăng định mức chi thường xuyên (thuộc Nhóm riêng) và tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống trụ sở làm việc để giải quyết những khó khăn, bảo đảm nguồn kinh phí chi hoạt động đặc thù của VKSND.
Thứ ba: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực; công tác giám định và định giá tài sản còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh giải quyết các vụ án hình sự. Từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.
Thứ tư: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành trong hệ thống chính trị quan tâm, phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao trong quá trình nghiên cứu, xây dựng 4 đề án nhằm đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sơ kết thực tiễn thi hành quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
Thứ năm: Đề nghị Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện liên thông dữ liệu án hình sự giữa Công an, Viện kiểm sát, Toà án (có thể xem xét thực hiện thí điểm tại một số địa phương trước khi triển khai chính thức) và cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và thuê dịch vụ phần mềm, đường truyền để thực hiện có hiệu quả.