CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023

11/01/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023.

Nghị quyết nêu rõ: Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2023, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 07 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 02 dự thảo luật: (1) Đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (2) Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ; (3) Đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (4) Đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (5) Đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (6) Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; (7) Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị; (8) Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (9) Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chính phủ đánh giá cao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc vai trò của cơ quan thẩm định, thẩm tra, có ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; các Thành viên Chính phủ có nhiều ý kiến tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao.

Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chính phủ cơ bản thống nhất 05 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu:

- Tiếp tục tổng kết Luật và các quy định có liên quan về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đầu tư, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, lực lượng có liên quan,...; bảo đảm không chồng chéo, phát sinh bộ máy, biên chế; làm rõ phạm vi cứu nạn, cứu hộ trong Luật này.

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa; phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, đồng thời có quy định về xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, chuyển đổi số; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với lĩnh vực xã hội hóa.

- Rà soát, nghiên cứu, quy định về hoạt động thẩm định trong Luật này đồng bộ với hoạt động thẩm định trong lĩnh vực xây dựng bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, quy định tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư trong phòng cháy, chữa cháy; rà soát, nghiên cứu quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy bảo đảm khả thi, trong đó cho phép áp dụng quy chuẩn nước ngoài cho phù hợp.

- Tiếp tục rà soát, phân loại các nhóm công trình, cơ sở đang tồn tại mà có khó khăn, vướng mắc, vi phạm, thiếu sót sau kiểm tra để có quy định chuyển tiếp trong Luật và giao cơ quan có thẩm quyền ban hành giải pháp tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.

Về Đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện pháp luật về dẫn độ; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài; bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dẫn độ.

Chính phủ cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm việc rà soát, chỉnh lý tên gọi của các chính sách để thể hiện rõ nội hàm, mục tiêu, nội dung của Chính sách. Tiếp tục rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các quy định pháp luật khác liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong hoạt động dẫn độ.

Về Đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Chính phủ cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục tổng kết Luật và các quy định có liên quan về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Rà soát, chỉnh lý tên gọi của các chính sách để thể hiện rõ nội hàm, mục tiêu, nội dung của các chính sách.

- Tiếp tục rà soát Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các quy định pháp luật khác liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan có liên quan trong hoạt động chuyển giao người chấp hành án phạt tù.

Về Đề nghị xây dựng Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Chính phủ cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc thêm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; tổng kết các quy định pháp luật liên quan, xác định các vấn đề bất cập, hạn chế, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong thực hiện các nhiệm vụ; cần bảo đảm tính thống nhất về lực lượng, về chỉ đạo, chỉ huy trong quá trình Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Không quy định trong Luật nội dung thành lập “Ban Chỉ đạo quốc gia về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Cụ thể hóa nội dung chính sách “Quy định cụ thể rút lực lượng Việt Nam triển khai tại địa bàn về nước trong trường hợp khẩn cấp” bảo đảm tăng cường phân cấp, phân quyền, điều hành linh hoạt, kịp thời và phù hợp về thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Về Đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Pháp lệnh nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng, tạo cơ sở pháp lý cho thực hiện công tác này đạt hiệu quả tốt nhất.

Đồng thời, cơ bản thống nhất 04 chính sách của Đề nghị xây dựng Pháp lệnh, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu sau:

- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của sự cần thiết xây dựng Pháp lệnh. Tổng kết các quy định pháp luật có liên quan, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; người làm công tác thực tiễn; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả, sửa đổi, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập trên thực tiễn; đánh giá tác động chính sách một cách kỹ lưỡng, bảo đảm chính sách được đưa ra là khả thi, hiệu quả và phát huy được giá trị Khu Di tích.

- Nghiên cứu tổ chức, quản lý bảo vệ Khu Di tích Lăng theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn đầu mối quản lý, tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan...

Về Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Chính phủ cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Rà soát, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Mặt khác, tiếp tục rà soát Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các quy định pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan có liên quan trong hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.

Về Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển đô thị; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong quản lý phát triển đô thị.

Về 05 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo đề xuất của Bộ Xây dựng tại Tờ trình số 56/TTr-BXD ngày 15/12/2023, Chính phủ cơ bản thống nhất việc ban hành các chính sách nhằm quản lý phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị; quản lý phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, không gian ngầm đô thị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị, bảo đảm đô thị phát triển bền vững theo các mô hình đô thị hiện đại, phù hợp với quy hoạch đô thị, phát huy tối đa giá trị của đô thị trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng..., góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Để tiếp tục hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị và hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo các yêu cầu: Tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật về quản lý phát triển đô thị; làm rõ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn để đề xuất các chính sách phù hợp, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị. Rà soát để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung chính sách và các giải pháp thực hiện trong Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm hướng tiếp cận tổng thể, toàn diện về quản lý sự phát triển đô thị, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, dự án Luật Đường bộ, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, các Luật, dự án Luật khác có liên quan.

Nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi, nội dung, giải pháp thực hiện chính sách, Đề cương chi tiết Luật, bảo đảm sự thống nhất về đường lối, định hướng của Chính phủ khi xây dựng Luật này. Nội dung và giải pháp thực hiện chính sách phải thể hiện rõ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; đổi mới cách thức quản lý, kiểm tra, giám sát để hạn chế tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Thuyết minh rõ nội dung cụ thể của từng chính sách, ý nghĩa về xã hội, kinh tế, pháp luật khi ban hành các chính sách và có minh chứng cụ thể về sự cần thiết xây dựng Luật này theo từng nội dung chính sách, như: phân loại đô thị, đánh giá đô thị, mô hình đô thị; yêu cầu tuân thủ khi xây dựng đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị, mối liên kết giữa các đô thị để hình thành hệ thống đô thị xanh, hiện đại và bền vững.

Đánh giá tác động chính sách một cách khoa học, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tiếp thu, vận dụng cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận cao đối với Đề nghị xây dựng Luật này; tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn để hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại Tờ trình số 166/TTr-NHNN ngày 21/12/2023. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo văn bản ý kiến của Chính phủ đối với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với các yêu cầu sau:

- Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động của tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của các tổ chức tín dụng, phục vụ sự phát triển của đất nước.

- Các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý cần được phân tích sâu, thuyết phục, nêu rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của sự cần thiết ban hành các quy định tại dự thảo Luật, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, lợi dụng chính sách của Nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; bảo đảm an ninh tiền tệ, lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức liên quan.

- Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ.

- Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của Ban kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại 03 Kỳ họp quốc hội. Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, 5 và 6 (năm 2022, 2023). Chính phủ đã tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và thiết kế các quy định cụ thể về các vấn đề.

(1) Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (điểm b khoản 1 Điều 201) và quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (điểm h khoản 3 Điều 201) hoàn thiện theo hướng cho phép sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện về nội dung này.

(2) Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các phương pháp xác định giá đất; trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành, bảo đảm rõ ràng, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

(3) Về việc sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại (Điều 122 và 127): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, chỉnh lý quy định này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại” và phù hợp với thực tiễn.

(4) Về Quỹ phát triển đất (Điều 115): Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện các quy định về Tổ chức phát triển quỹ đất và Quỹ phát triển đất tại dự thảo Luật nhằm tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thể chế đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, “tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

(5) Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công liên quan đến quy định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định về các trường hợp tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước”.

Về điều khoản chuyển tiếp, cần rà soát kỹ lưỡng những trường hợp phát sinh trong thực tiễn để có cơ chế xử lý, tránh khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm chặt chẽ, không để sơ hở, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Về hiệu lực thi hành luật, thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 01/01/2025 để đồng bộ với hiệu lực của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề xuất về hiệu lực sớm hơn đối với quy định về hoạt động lấn biển và quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp.

TH
Tìm kiếm