Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu.
Theo đó, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Nghị định số 115/2024/NĐ-CP ngày 16/9/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, Luật Đất đai về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Bổ sung hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện khoản 5 Điều 3 của Luật Đấu thầu
Trong đó, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP bổ sung thêm Điều 2a vào sau Điều 2 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện khoản 5 Điều 3 của Luật Đấu thầu như sau:
Trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài có quy định về đấu thầu khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu, Chính phủ quyết định việc áp dụng quy định về đấu thầu theo trình tự, thủ tục như sau:
1. Trước khi đàm phán, cơ quan chủ quản dự án gửi cơ quan chủ trì đàm phán văn bản đề xuất việc áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu. Nội dung của văn bản đề xuất gồm:
a) Các quy định của nhà tài trợ hoặc tổ chức quốc tế có nội dung khác hoặc chưa quy định tại Luật Đấu thầu;
b) Sự cần thiết và đánh giá tác động của việc áp dụng các nội dung quy định tại điểm a khoản này.
2. Cơ quan chủ trì đàm phán lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về đề xuất áp dụng các nội dung khác hoặc chưa được quy định tại Luật Đấu thầu cùng với nội dung của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài. Các cơ quan được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan chủ trì đàm phán trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến và tài liệu liên quan.
3. Trước khi ký điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài, cơ quan chủ trì đàm phán trình Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng theo quy định của nhà tài trợ hoặc của tổ chức quốc tế mà Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Sửa đổi quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt
Nghị định số 17/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024.
Theo quy định mới, đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP:
a) Căn cứ hồ sơ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do cơ quan, đơn vị đề xuất, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan, đơn vị khác thẩm định;
b) Hồ sơ gồm: Tờ trình, dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các văn bản, tài liệu liên quan. Tờ trình về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt bao gồm những nội dung: Thông tin cơ bản về dự án, dự toán mua sắm, gói thầu (tên dự án, dự toán mua sắm, gói thầu; nguồn vốn, tổng mức đầu tư của dự án, giá trị dự toán mua sắm, giá gói thầu; thời gian dự kiến thực hiện; các nội dung cần thiết khác); đối với gói thầu quy định tại khoản 1 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và lý do nếu áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu thì không thể thực hiện được theo chỉ đạo tại Nghị quyết, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; đối với gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và điều kiện phải bảo đảm về một hoặc một số yếu tố liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lý do không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu; đối với gói thầu quy định tại điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP, giải trình về sự cần thiết và điều kiện đặc thù đối với một hoặc một số nội dung về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng, lý do không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Luật Đấu thầu; dự thảo phương án lựa chọn nhà thầu gồm những nội dung chủ yếu sau: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu và các nội dung liên quan khác để đáp ứng các điều kiện đặc thù của gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp thực hiện khả thi, hiệu quả. Dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm nội dung theo quy định tại điểm đ khoản này;
c) Trong quá trình thẩm định, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ lấy ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó (nếu cần thiết) đối với gói thầu quy định tại khoản 1 và điểm s khoản 3 Điều 82 của Nghị định này; lấy ý kiến của một hoặc các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao theo từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý về sự cần thiết và điều kiện phải bảo đảm về một hoặc một số yếu tố liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ và ý kiến của các cơ quan liên quan khác (nếu cần thiết) đối với gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP;
d) Căn cứ ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm c khoản này, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định lập báo cáo thẩm định, gồm các nội dung sau: đánh giá về sự cần thiết, lý do áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; ý kiến về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và dự thảo quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp kiến nghị chấp thuận; kiến nghị Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận hoặc không chấp thuận việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;
đ) Căn cứ hồ sơ đề nghị, báo cáo thẩm định, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Quyết định của Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung: chấp thuận việc áp dụng và phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm; trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu; các yêu cầu khác trong quá trình triển khai thực hiện gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm (nếu có).
Ngoài ra, Nghị định số 17/2025/NĐ-CP cũng quy định mới đối với gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP; gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP; gói thầu thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 82 của Nghị định 24/2024/NĐ-CP.