CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tòa án nhân dân tối cao công bố 04 án lệ mới

19/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 42/QĐ-CA về việc công bố án lệ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/3/2021. Các Tòa án có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử từ ngày 15/4/2021.

Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao công bố 04 án lệ mới đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua. Cụ thể gồm:

Án lệ số 40/2021/AL về việc công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế

- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 37/2019/DS-GĐT ngày 28/6/2019 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế tài sản” tại tỉnh Thanh Hóa giữa nguyên đơn là ông Lê Văn C1, Lê Văn C2, bà Lê Thị M với bị đơn là ông Lê Văn D1, bà Nguyễn Thị T2; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân thị xã B và bà Lại Thị H.

- Tình huống án lệ: Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế, không có thỏa thuận bằng văn bản; các bên đã sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, đã đăng ký, kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nhận chuyển đổi.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế; các bên có quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã chuyển đổi.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

+ Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993 (tương ứng với khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013);

+ Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với khoản 2 Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Án lệ số 41/2021/AL về chấm dứt hôn nhân thực tế

- Nguồn án lệ: Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2010/DSPT ngày 29/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng về vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và chia tài sản chung” tại tỉnh Kon Tum giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Trọng P1 với bị đơn là anh Trần Trọng P2 và anh Trần Trọng P3; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.

- Tình huống án lệ: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn nhưng sau đó họ không còn chung sống với nhau và trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, có người chung sống với nhau như vợ chồng với người khác. Quan hệ hôn nhân đầu tiên và quan hệ hôn nhân thứ hai đều là hôn nhân thực tế.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hôn nhân thực tế đầu tiên đã chấm dứt.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

+ Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015);

+ Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

+ Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài

- Nguồn án lệ: Bản án sơ thẩm số 54/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S với bị đơn là Công ty TNHH Khu du lịch V.

- Tình huống án lệ: Trong hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khởi kiện ra Tòa án Việt Nam.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người tiêu dùng không lựa chọn trọng tài và có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

+ Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010;

+ Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

+ Khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

+ Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán

- Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là Ngân hàng A với bị đơn là bà Nguyễn Thị L; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Kim H, ông Dương Quốc K.

- Tình huống án lệ: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được công chứng, bên mua đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhưng mới thanh toán được một phần tiền mua nhà đất; các bên chưa thực hiện việc giao nhận nhà. Bên mua thế chấp nhà đất cho Ngân hàng, có đăng ký thế chấp theo đúng quy định của pháp luật; bên bán biết và đồng ý để bên mua thế chấp nhà đất nhưng sau đó lại có yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật, không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

+ Các điều 168, 323, 342, 425, 438, 689 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với các điều 161, 298, 318, 423, 440, 502 Bộ luật Dân sự năm 2015); các điều 439, 692 Bộ luật Dân sự năm 2005;

+ Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

NTH (giới thiệu)
Tìm kiếm