Cách đây 76 năm (2/9/1945-2/9/2021), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là văn bản có giá trị lịch sử, không chỉ là lời tuyên bố đanh thép của một dân tộc vừa giành lại nền độc lập của mình, mà còn là cơ sở để dân tộc ấy xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân” đầu tiên ở châu Á.
“Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Vang vọng mãi là những lời bất hủ của bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945!
Đã 76 năm trôi qua kể từ ngày 2/9 năm ấy. Có biết bao biến động, biết bao thử thách khôn cùng mà dân tộc ta đã phải vượt qua để hiện thực hóa những tư tưởng vĩ đại chứa đựng trong bản Tuyên ngôn độc lập. Một trong những tư tưởng vĩ đại đó chính là tư tưởng pháp quyền. Và tư tưởng pháp quyền này được thể hiện cô đọng nhất, sáng tỏ nhất trong những lời mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập. Cụ thể, các quyền của con người là do Tạo hóa ban cho. Trong các quyền này, cơ bản nhất là quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhà nước sinh ra để bảo vệ các quyền nói trên được gọi là Nhà nước pháp quyền.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền là một quá trình khó khăn cả về phương diện nhận thức lẫn phương diện thực hành trong cuộc sống. Một nhà nước quá mạnh có thể xâm hại các quyền của người dân, nhưng một nhà nước quá yếu lại không bảo vệ được các quyền đó. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay, quả thực chúng ta cần có một nhà nước mạnh, một nhà nước có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ một trong những quyền cơ bản nhất của người dân. Đó là quyền được sống.
Hình ảnh xông xáo, quyết đoán của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc chỉ đạo và kiểm tra hoạt động phòng chống dịch là sự phản ánh trên thực tế của một nhà nước pháp quyền mạnh. Tuy nhiên, trong đời sống bình thường, nhà nước bị pháp luật điều chỉnh chặt chẽ mọi hành vi của mình. Sự kiểm soát của pháp luật đối với quyền lực của nhà nước chính là phần cấu thành quan trọng thứ hai của tư tưởng pháp quyền.
Chính tư tưởng pháp quyền đã biến cuộc Cánh mạng tháng Tám 1945 của chúng ta thành cuộc cách mạng vì tự do, dân chủ. Những cố gắng to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền hôm nay là một sự tiếp nối tự nhiên của cuộc cách mạng vĩ đại nói trên.
Trước hết, các quyền tự do của người dân đang được bảo đảm ngày một nhiều hơn. Nhà nước pháp quyền không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta.
Đáng ghi nhận là những cố gắng rất lớn để xây dựng những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... cần được bảo đảm ngày một nhiều hơn; quan hệ hợp đồng được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, Nhà nước còn phải cố gắng nhiều hơn để cắt giảm chi phí làm ăn cho người dân; đồng thời trả lại cho xã hội những chức năng mà xã hội có thể đảm nhận tốt hơn. Xã hội hóa là một bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng ta thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, để xây dựng một bộ máy nhà nước gọn nhất có thể, chúng ta còn cần phải làm cho bộ máy hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Về dân chủ, Nhà nước pháp quyền là một nhà nước biết làm cho người dân trở nên thực sự có quyền lực. Mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách là rất quan trọng. Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục vụ nhân dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia đầy đủ của người dân, chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn.
Nhà nước pháp quyền là một nhà nước tuân thủ pháp luật. Pháp luật trước hết ràng buộc Nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, các cán bộ Nhà nước đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc áp dụng các chế tài của pháp luật theo hướng nặng với dân, mà nhẹ với quan là không đáp ứng được các chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền thúc đẩy phát triển bằng việc tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và kiểm soát nghiêm ngặt những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả và xã hội kém năng động.
Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những quan chức này.
Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các phiên chất vấn, giải trình trước Quốc hội và hoạt động tranh luận ở Quốc hội là những công cụ hết sức quan trọng ở đây. Chúng làm cho chính sách và hành động của các cơ quan Nhà nước trở nên rõ ràng, minh bạch. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cung cấp cho các quan chức Nhà nước những diễn đàn hết sức quan trọng và hiệu quả để giải trình không chỉ với các vị đại biểu, mà còn với đông đảo nhân dân.
Biết sử dụng các diễn đàn này để giải trình, để làm cho các quyết định và chính sách trở nên minh bạch là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các chính khách và lãnh đạo các cấp. Ngoài ra, giải trình trực tiếp với nhân dân cũng rất quan trọng. Các cuộc họp báo, các chương trình giao lưu trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử là những cố gắng cụ thể theo hướng này.
Những tư tưởng vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và của Bản tuyên ngôn độc lập đã, đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta đi về phía trước.