Sáng 17/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thường kỳ tháng 10/2023, phiên họp thứ 27, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đến nay công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày khai mạc vào 23/10 tới.
Trong phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu kết nội dung thảo luận và bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương và hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình của phiên họp thường kỳ tháng 10, phiên họp thứ 27. Cho đến nay, tất cả các công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày khai mạc, dự kiến vào ngày 23/10, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với từng nội dung của phiên họp đã được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành kết luận, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan sớm ban hành thông báo kết luận các nội dung của phiên họp để làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện, hoàn tất các hồ sơ thủ tục, các nội dung trình Quốc hội.
Về nội dung và chương trình của Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với dự kiến nội dung và chương trình như dự kiến của Tổng Thư ký Quốc hội được đã tổng hợp trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm đối với nội dung giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đưa vào trong dự thảo nghị quyết giám sát để trình Quốc hội xem xét chủ trương thực hiện thí điểm việc khoán gọn kinh phí thực hiện chương trình theo địa bàn cấp huyện ở một số địa bàn để có cơ sở cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Ngoài ra, những kiến nghị chính sách khác, Chính phủ phải thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội xem xét để quyết định vào kỳ họp sau.
Về chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất giữ thời gian của phiên chất vấn và trả lời chất vấn là 2,5 ngày. Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp lần này, nội dung chất vấn không theo nhóm lĩnh vực phụ trách của từng Bộ trưởng, trưởng ngành mà chất vấn chung về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong dự kiến các nội dung trọng tâm của chất vấn và trả lời chất vấn trong phiếu xin ý kiến cần phải viết cụ thể hơn về mặt nội hàm nội dung. Đồng thời, cần phải có các báo cáo chi tiết liên quan đến từng lĩnh vực của các bộ, ngành.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ kế thừa kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ họp trước đây, dự kiến giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6 cũng sẽ bố trí phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập trung cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình này, các bộ, các ngành, Chính phủ, các cơ quan hữu quan phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, đồng thời sắp xếp thời gian tham dự phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị tốt nhất các nội dung.
Về nội dung của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu chấp hành nghiêm kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về nội dung chương trình kỳ họp, đến nay sẽ không bổ sung thêm nội dung nào, trừ những trường hợp đột xuất về đối ngoại, đối nội, những vấn đề cấp thiết đã có ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội làm việc với các cơ quan, tổ chức hữu quan để rà soát lại tất cả các công tác chuẩn bị, đảm bảo kỳ họp được tiến hành một cách thuận lợi nhất, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp nhất./.