Cùng với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, thời gian quan, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội (Viện phúc thẩm 1) đã kiểm sát chặt chẽ các bản án sơ thẩm, qua đó phát hiện những sai sót trong tố tụng để kiến nghị yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời ban hành văn bản thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành...
Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội kiến nghị yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục vi phạm
Cùng với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, thời gian quan, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội (Viện phúc thẩm 1) đã kiểm sát chặt chẽ các bản án sơ thẩm, qua đó phát hiện những sai sót trong tố tụng để kiến nghị yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng chấn chỉnh, khắc phục. Đồng thời ban hành văn bản thông báo rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.
Từ đầu năm đến nay, Viện phúc thẩm 1 đã ban hành 02 kiến nghị gửi Cơ quan điều tra công an tỉnh Cao Bằng và Cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội yêu cầu khắc phục vi phạm trong quá trình điều tra vụ án. Cụ thể như sau:
- Vụ thứ nhất: Bùi Mạnh Cường cùng các bị cáo Phạm Văn Tiến, Phạm Văn Đạt, Lê Tiến Mạnh có hành vi mua bán trái phép nhiều lần thuốc nổ và kíp nổ với số lượng lớn, trong đó một lần phạm tội quả tang bị thu giữ 11 gói kíp nổ, tổng cộng 275 kíp nổ; hai bao tải dứa màu trắng, vỏ bao có chữ: thuốc nổ ANFO, cân trọng lượng cả bì là 47,5 kg. Cơ quan điều tra không xác định được nguồn gốc xuất xứ của số thuốc nổ và kíp nổ trên. Hành vi của các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội mua bán trái phép vật liệu nổ, xử phạt Cường 9 năm tù, Tiến 6 năm tù, Đạt 4 năm tù, Mạnh 3 năm tù.
- Vụ thứ hai: Hoàng Văn Lợi bị bắt quả tang về hành vi mua bán trái phép vật liệu nổ, tang vật thu giữ 90 kíp nổ (loại kíp nổ số 80) và 10 thỏi thuốc nổ công nghiệp có trọng lượng 2 kg. Tiến hành khám xét chỗ ở của Lợi, Cơ quan điều tra thu giữ thêm 5 chiếc kíp nổ. Quá trình điều tra, Lợi khai số thuốc nổ và kíp nổ mua của Tiến (không rõ địa chỉ quê quán) với giá 1.500.000 đồng với mục đích sử dụng vào việc đánh cá và bán kiếm lời. Tổng số vật liệu nổ mà bị cáo mua bán trái phép gồm: 2 kg thuốc nổ và 95 kíp nổ không xác định được nguồn gốc, xuất xứ. Bị cáo bị cấp sơ thẩm xét xử 9 tháng tù về tội mua bán trái phép vật liệu nổ.
Cả hai vụ án, các bị cáo đều bị bắt quả tang, tang vật được thu giữ kịp thời. Cơ quan điều tra đã xác định trọng lượng của thuốc nổ làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và bàn giao tang vật cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định để xác định: Có phải thuốc nổ, kíp nổ thật không, là loại gì, kí hiệu, sức công phá, niên hạn sử dụng là thực hiện chưa đầy đủ quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự. Điểm b khoản 2 điều luật này quy định: "Vật chứng là tiền, vàng bạc, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại ngân hàng hoặc cơ quan chuyên trách khác".
Việc giám định vật liệu nổ là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động điều tra đối với các tội danh quy định tại Điều 232 Bộ luật hình sự, bởi đó là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự và là cơ sở để đánh giá tính chất hành vi, hậu quả xảy ra khi xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo. Để xảy ra sai sót trên, trách nhiệm thuộc về Cơ quan điều tra và Điều tra viên được phân công điều tra vụ án đã chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ cần thiết dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử bị cáo thiếu tài liệu giám định quan trọng, ảnh hưởng đến tính đúng đắn, khách quan trong giải quyết vụ án.
Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục vi phạm nêu trên, Viện phúc thẩm 1 đã ban hành văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra công an tỉnh Cao Bằng chỉ đạo sửa chữa khắc phục, chấm dứt vi phạm tương tự xảy ra.
Ngày 10/4/2013, Viện phúc thẩm 1 ra văn bản số 02/KG-VKSTC-VPT1 kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra vụ án Nguyễn Hồng Minh phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" bị Tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại. Đây là vụ án có nhiều sai sót trong hoạt động điều tra, cụ thể như sau:
- Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm: Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 3/2010, Nguyễn Hồng Minh chiếm đoạt của 17 bị hại với tổng số tiền là 15.766.600.000 đồng bằng các hành vi sau:
Làm giả bộ hồ sơ nhà đất để chứng minh mình là chủ sở hữu của lô biệt thự tại khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Sau đó bán biệt thự cho ông Vũ Ngọc Khanh và ông Trương Tuấn Nghĩa chiếm đoạt 5.116.600.000 đồng, bán cho ông Nguyễn Thanh Tùng chiếm đoạt 2.600.000.000 đồng.
Tự nhận là giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị, có khả năng mua được đất ở các dự án Vân Canh, Văn Quán... bằng thủ đoạn nhận mua hộ đất, bị cáo chiếm đoạt của 14 người bị hại số tiền 8.050.000.000 đồng.
Tài liệu điều tra thể hiện vợ bị cáo là Phạm Thị Hà cũng tham gia cùng chồng trong hầu hết các giao dịch mua bán nhà ở, cụ thể: Hà trực tiếp nhận của ông Vũ Ngọc Khanh 1.950.000.000 đồng vào ngày 10/3/2010 và 2.500.000.000 đồng vào ngày 06/4/2010; nhận của ông Nguyễn Thanh Tùng 2.600.000.000 đồng vào ngày 27/3/2010 là các khoản tiền bán biệt thự. Tại phiên tòa phúc thẩm, một số bị hại còn xuất trình "Giấy biên nhận đặt cọc" có chữ ký của Hà. Hà còn tham gia ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền, ký biên bản bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là khu biệt thự Việt Hưng (không có thật) cho ông Vũ Ngọc Khanh, ông Trương Tuấn Nghĩa, ông Vũ Thanh Tùng. Số tiền nhận được, có khoản Hà giao ngay cho chồng, có khoản cùng chồng đi mua đất (nhận từ ông Khanh 2,5 tỷ vào ngày 06/4/2010, thì ngay hôm sau Hà đã cùng chồng mua đất của ông Kiên ở Ngọc Thụy, tài sản đứng tên Hà). Bị cáo Minh bằng nhiều lời khai tại các bút lục số 331, 345, 325, 357... cũng khẳng định Hà là người trực tiếp nhận tiền từ bị hại. Như vậy, Hà đã thực hiện một loạt các giao dịch sau đó sử dụng tiền của bị hại mua đất đứng tên mình. Đặc biệt, sau khi Minh đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, Hà còn yêu cầu công chứng viên lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất 50,3m2 tại Ngọc Thụy đứng tên Hà cho người mua Trần Minh Trâm, đưa hồ sơ mua bán cho công chứng viên để vào trại tạm giam lấy chữ ký của bị cáo Minh, hoàn tất thủ tục mua bán, tẩu tán trót lọt tài sản do người khác phạm tội mà có. Hành vi của Hà có dấu hiệu của tội phạm, Viện kiểm sát và Tòa án đã nhiều lần yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ hành vi của Hà song Cơ quan điều tra không đấu tranh triệt để, kiên quyết làm rõ ý thức chủ quan của Hà mà xuôi chiều theo các lời khai của Hà: ..."Thấy chồng bảo ký vào các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, biên bản bàn giao tài sản... thì ký, tôi không đọc nên không biết nội dung (bút lục 391, 392)" để từ đó kết luận: "Hà không biết việc Minh dùng hồ sơ giả để thế chấp lấy tiền, không có cơ sở xử lý đối với Phạm Thị Hà (bút lục số 524 - kết luận điều tra)" là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm do đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, khách quan và toàn diện theo Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự "Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án".
- Không áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với người phạm tội: Bị cáo Nguyễn Hồng Minh bị bắt khẩn cấp ngày 07/5/2010, bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngày 14/5/2010. Tại bản tường trình ngày 06/5/2010 (trước khi bị bắt) bị cáo khai: "Số tiền lừa đảo tôi đã mua đất Ngọc Thụy". Các lời khai sau này tại các bút lục số 312, 316, 317, 326... bị cáo liên tục thừa nhận tiền lừa đảo bị cáo đã mua đất. Lời khai của Hà tại các bút lục số 391, 392 ngày 06/5/2010: "Tôi có 3 mảnh đất, 01 mảnh 50m2 ở Ngọc Thụy, 2 mảnh nữa cũng ở đấy, 01 nhà chung cư 218 Nơ 6B khu bán đảo Linh Đàm diện tích 86m2, nếu cơ quan công an yêu cầu tôi sẽ bán để trả lại tiền cho bị hại". Ngày 22/6/2010, bị hại Khanh và Nghĩa đã có đơn yêu cầu Cơ quan điều tra kê biên mảnh đất ở Ngọc Thụy. Để đảm bảo cho việc thi hành án, cần thiết phải kê biên tài sản của bị cáo theo Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự (việc kê biên áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc bị phạt tiền cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật). Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã không kê biên tài sản mà còn trích xuất can phạm tạo điều kiện cho công chứng viên Đào Nguyên Khải, thuộc Văn phòng công chứng Đào và đồng nghiệp vào trại tạm giam cho bị cáo ký vào bên chuyển nhượng hợp đồng công chứng số 10980 với nội dung: Chuyền nhượng quyền sử dụng đất 50,3m2 cho người mua Trần Minh Trâm vào ngày 2-3/8/2010 (sau khi bị cáo bị bắt hơn 2 tháng).
Những sai sót trong hoạt động điều tra nêu trên đã dẫn đến hậu quả cấp phúc thẩm phải hủy án để điều tra lại theo thủ tục chung. Trách nhiệm để xảy ra sai sót trên thuộc về Điều tra viên được giao nhiệm vụ điều tra vụ án chưa đánh giá đầy đủ chứng cứ và áp dụng đầy đủ các biện pháp mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định để giải quyết vụ án khách quan, triệt để.
Từ những sai sót trong hoạt động điều tra nêu trên, Viện thực hành quyền công tố và Kiếm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội cần có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, đảm bảo hoạt động điều tra tuân thủ pháp luật.
Cao Thắng