Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành văn bản số 153, ngày 16/3/2012 gửi Sở Thông tin và truyền thông tỉnh có biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực viễn thông...
VKSND tỉnh Hưng Yên kiến nghị Sở Thông tin và truyền thông phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động của các đơn vị Viễn thông trên địa bàn
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành văn bản số 153, ngày 16/3/2012 gửi Sở Thông tin và truyền thông tỉnh có biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực viễn thông.
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xuất hiện loại tội phạm công nghệ cao, với thủ đoạn là sử dụng các thành tựu khoa học, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lợi dụng vào sự quản lý thiếu chặt chẽ của các ngành, cơ quan, đơn vị để phạm tội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Điển hình là vụ: Long Minh Tâm (sinh năm 1981), ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và Hoàng Kim Lê sinh năm 1966 ở thị xã Cao Bằng cùng một số đối tượng khác bàn nhau đến các Trung tâm viễn thông dùng giấy tờ giả đăng ký sử dụng sim điện thoại di động trả sau và dùng các sim điện thoại này để nhắn tin quảng cáo thuê để trốn được tiền cước và thu được lợi nhuận cao. Hoàng Kim Lê cùng với Hoàng Văn Vượng (sinh năm 1987) ở Phú Bình, Thái Nguyên và Bùi Văn Minh (sinh năm 1989) ở Hậu Lộc, Thanh Hoá mua giấy Chứng minh nhân dân thất lạc ở các nhà nghỉ nhằm mục đích làm giả Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và giấy giới thiệu của các công ty theo tên người ở chứng minh thư. Ngày 14/01/2011, Vượng đến Trung tâm Viễn thông huyện Mỹ Hào hỏi thủ tục đăng ký thuê bao điện thoại di động cho Công ty và được chị Trịnh Thanh Bình, là nhân viên giao dịch hướng dẫn thủ tục gồm: Giấy giới thiệu, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và đưa cho Vượng 02 bản hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã được bên cung cấp dịch vụ ký, đóng dấu sẵn để về khai và xin dấu của doanh nghiệp. Minh đã sử dụng máy tính và máy in mầu, in mẫu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy giới thiệu và 02 bản hợp đồng mang tên Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt Cường có trụ sở tại Tân Lập,Yên Mỹ, Hưng Yên (Tên công ty do Minh tự nghĩ ra). Sau đó Vượng tự viết giấy giới thiệu mang tên Đỗ Việt Thành cán bộ của công ty và tự ký chữ ký của Giám đốc công ty vào các giấy tờ đó, mang đến Trung tâm Viễn thông huyện Mỹ Hào đăng ký thuê bao được 16 sim điện thoại di động trả sau.
Sáng 15/01/2011, Vượng lại đến Trung tâm giao dịch tại Bưu điện tỉnh Hưng Yên hỏi thủ tục đăng ký sử dụng thuê bao di động trả sau và được chị Nguyễn Thị Kim Oanh, nhân viên của Bưu điện tỉnh hướng dẫn làm thủ tục tương tự như tại Trung tâm viễn thông Mỹ Hào. Minh sử dụng thông tin trong Chứng minh nhân dân mang tên Đinh Thị Huyền, in ra Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả mang tên Công ty Thu Huyền có địa chỉ tại 36, Vũ Trọng Phụng, phường Hiến Nam, Tp. Hưng Yên và một số giấy tờ khác. Vượng viết giấy giới thiệu mang tên Nguyễn Việt Thanh, nhân viên công ty và tự ký chữ ký giám đốc là Đinh Thị Huyền. Chiều 15/01/2011, Vượng sử dụng số giấy tờ giả nêu trên đến Trung tâm giao dịch tại Bưu điện tỉnh Hưng Yên đăng ký thuê được 19 sim điện thoại di động trả sau. Cũng với thủ đoạn nêu trên vào các ngày 17 và 18/01/2012, Vượng, Minh đã dùng giấy tờ giả để thuê 20 sim điện thoại di động trả sau của Trung tâm viễn thông tỉnh Thái Nguyên. Tổng số Lê, Minh, Vượng đã thuê được là 55 sim điện thoại và đưa lại cho Tâm.
Tâm đã sử dụng 55 sim thuê bao di động lấy được từ Viễn thông Hưng Yên và Thái Nguyên nhắn tin thuê cho Nguyễn Đình Chiến giám đốc công ty Protech Wincores ở Đống Đa, Hà Nội và Lê Thành Tuân Trưởng phòng kỹ thuật công ty IMP ở Cầu Giấy, Hà Nội với giá từ 8 đến 26 đồng/ 01 tin nhắn. Với thủ đoạn: Tâm dùng 05 máy vi tính để bàn và 50 điện thoại di động hiệu Nokia do Trung Quốc sản xuất, mỗi điện thoại cài 1 sim, mỗi máy vi tính cài 10 điện thoại và USB 3G kết nối mạng Internet, sử dụng phần mềm SMS NOW lấy từ mạng Internet để nhắn tin quảng cáo( Tin rác) thuê cho Tuân và Chiến. Các khách hàng nhắn tin phản hồi vào các đầu số nêu trên thì tài khoản của họ sẽ bị trừ 15.000 đồng/01tin nhắn. Với phần mềm chuyên dụng có kích hoạt dịch vụ 3G nên tốc độ nhắn tin rất nhanh, 01 sim trong khoảng 01 giờ có thể nhắn được 1.000 tin. Do đó từ tháng 01 đến tháng 2/2011 Tâm đã nhắn cho Tuân 4.031.057 tin và Chiến 9.601.511 tin. Tổng số Tâm đã nhắn 13.632.568 lượt tin, gây thiệt hại tiền cước viễn thông là 3.702. 239.711 đồng. Trong đó Viễn thông Thái Nguyên là 1.041.041.453 đồng, Viễn thông Hưng Yên là 2.659.129.957 đồng. Theo hợp đồng Chiến, Tuân đã trả cho Tâm 240 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, Tâm được hưởng là 202 triệu đồng, Lê được hưởng là 15.800.000 đồng, Vượng, Tâm mỗi người được hưởng là 3.000.000 đồng.
Ngày 08/2/2012, Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã xử phạt các bị cáo Long Minh Tâm 10 năm tù, Hoàng Kim Lê 04 năm tù và Hoàng Kim Vượng 03 năm tù, liên đới bồi thường thiệt hại cho Viễn thông Hưng Yên và Thái nguyên. Đối với Bùi Văn Minh đã bỏ trốn khỏi địa phương, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã khi nào bắt được xẽ xử lý.
Qua kiểm tra việc cung cấp dịch vụ sử dụng điện thoại di động trả sau của Viễn thông Hưng Yên thấy rằng: Nhân viên làm thủ tục cung cấp dịch vụ viễn thông đã không tiến hành kiểm tra giấy tờ của người đến đăng ký như: Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp tại địa chỉ của khách hàng để làm cơ sở thanh toán cước dịch vụ; việc kiểm tra cẩu thả nên không phát hiện được hồ sơ đăng ký là giả; Viễn thông Hưng Yên đã không tiến hành khảo sát tại địa chỉ của đơn vị đăng ký sử dụng dịch vụ để đảm bảo cho việc thanh toán cước, nên khi kẻ phạm tội sử dụng địa chỉ giả thì không thu hồi được tiền cước; lãnh đạo các đơn vị viễn thông Hưng Yên, Thái Nguyên thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý, ký khống vào các Hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông để nhân viên giao dịch tự cung cấp cho khách hàng, tạo sơ hở để kẻ phạm tội lợi dụng; chưa xây dựng Quy chế quy định cụ thể về "Quy trình cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin"; việc theo dõi phát sinh cước, thông tin cảnh báo của viễn thông Hưng Yên chưa chặt chẽ, thiếu quy định cụ thể, cán bộ được phân công theo dõi chưa làm hết trách nhiệm... Mặc dù trong thời gian ngắn tiền cước của 35 sim điện thoại di động rất lớn, lên tới 2.659.129.957 đồng khi chưa thu được tiền cước nhưng Trung tâm chăm sóc khách hàng của Viễn thông Hưng Yên không phát hiện, cảnh báo để tạm ngừng cung cấp dịch vụ. Như vậy việc quản lý thiếu chặt chẽ của Viễn thông Hưng Yên là một trong những nguyên nhân để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Để phòng ngừa vi phạm của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin nói chung trên địa bàn tỉnh, phòng ngừa các vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên kiến nghị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Hưng Yên yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng; xây dựng Quy chế về "Quy trình cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin"; Tăng cường công tác cảnh báo để kịp thời phát hiện các vi phạm và có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả; yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh có biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu cao trách nhiệm trong công việc được giao cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, để phát hiện, ngăn chăn kịp thời những vi phạm, tội phạm nhằm xâm hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân có vi phạm.
Duy Tường