CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

ĐBQH-LS Nguyễn Chiến: “Tôi rất băn khoăn về chế định “đặc quyền” của nghề luật sư trong dự thảo BLHS 2015”

07/04/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra mới đây bàn về sửa đổi BLHS 2015, Luật sư Nguyễn Chiến, ĐBQH khóa 14, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phát biểu tại phiên họp tỏ ý băn khoăn về chế định “đặc quyền” của nghề Luật sư...

 ĐBQH-LS Nguyễn Chiến: “Tôi rất băn khoăn về chế định “đặc quyền”

của nghề luật sư trong dự thảo BLHS 2015”
 
Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra mới đây bàn về sửa đổi BLHS 2015, Luật sư Nguyễn Chiến, ĐBQH khóa 14, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đã phát biểu tại phiên họp tỏ ý băn khoăn về chế định “đặc quyền” của nghề Luật sư.
Chia sẻ rõ hơn xung quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Chiến, ĐBQH khóa 14, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã trả lời PV Báo Công lý bên lề Hội nghị.
Với góc độ là chuyên gia thực tiễn đã có thời gian hoạt động tranh tụng vụ án hình sự trên 30 năm, Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng một số điều luật liên quan trực tiếp đến hoạt động luật sư và nghề luật sư trong dự thảo Bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 rất cần được Quốc hội xem xét cả về mặt lý luận và thực tiễn. “Chế định đặc quyền của luật sư không phải là một đòi hỏi ưu đãi, mà nó là chế định cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường của luật sư và sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam theo tinh thần cải cách tư pháp…” – ông Chiến khẳng định.
PV: Về khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015, quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự”. Là người hoạt động nghề liên quan đến điều luật, vì sao ông băn khoăn?
ĐBQH, LS Nguyễn Chiến: Nghiên cứu Điều 389 Bộ luật Hình sự thì thấy các tội “xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác” bao gồm tới 83 tội. Như vậy, phạm vi các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự (nếu không tố giác) là rất rộng, điều này tác động không nhỏ tới tâm lý người bào chữa, dẫn đến việc bào chữa có thể sẽ hình thức, vì sợ tai nạn nghề nghiệp.
 
Luật sư Nguyễn Chiến, ĐBQH khóa 14, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tuy rằng Điều 9 Luật Luật sư 2012 quy định cấm luật sư tiết lộ thông tin về vụ việc về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) – là “pháp luật khác” đã quy định cứng là “người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản”, không còn có câu “thòng” là trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Vì vậy, theo BLTTHS 2015, luật sư muốn tiết lộ thông tin của khách hàng thì phải hỏi ý kiến họ, dĩ nhiên, không bao giờ họ đồng ý.
Theo đó, khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 quy định xử lý người bào chữa nếu không tố giác tội phạm “tiết lộ thông tin do khách hàng cung cấp” là xung đột với quy định nêu trên của BLTTHS 2015 vừa được Quốc hội thông qua. Tôi băn khoăn là thế!
PV: BLTTHS 2015 đang phải tạm dừng thi hành để chờ dự thảo BLHS 2015 sửa đổi thông qua. Nếu quy định của BLHS 2015 mà ông vừa đề cập được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3 tới thì sẽ kéo theo hệ lụy BLTTHS 2015 phải sửa đổi theo?
ĐBQH, LS Nguyễn Chiến: Đúng vậy, về kỹ thuật làm luật thì các luật không được xung đột nhau. Không thể vì sửa luật này lại kéo theo sửa luật khác khi luật đó vừa được thông qua đang chờ có hiệu lực như BLTTHS 2015 lần này. Vì vậy, tôi cho rằng Điều 19 dự thảo BLHS 2015 đã gây ra xung đột với Luật luật sư và BLTTHS 2015.
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư là hoạt động đặc thù nên phải chịu điều chỉnh của luật chuyên ngành, đó là Luật luật sư và BLTTHS. Quy định của Luật luật sư năm 2012 sửa đổi đã không còn phù hợp. BLTTHS 2015 đang phải tạm dừng thi hành để chờ dự thảo BLHS 2015 sửa đổi thông qua. Theo đó nếu quy định này của BLHS 2015 được Quốc hội thông qua vào kỳ hợp tới thì Điều 73 BLTTHS 2015 sẽ phải sửa đổi theo quy định tại Điều 19 BLHS sửa đổi mới có tính khả thi đối với chủ thể là luật sư trong điều luật.
Xin nói thêm một số nước trên thế giới như Đức, Nhật, Mỹ… thừa nhận chế định “đặc quyền” trong nghề nghiệp luật sư cũng như trong mối quan hệ giữa luật sư với nhà nước, giữa luật sư và khách hàng. Luật sư có trách nhiệm bảo mật tuyệt đối thông tin của khách hàng. Vì vậy, không bao giờ luật sư lại đi tố giác thân chủ của mình.
Về tác động xã hội của điều luật: Xu hướng các vụ án chỉ định luật sư sẽ tăng lên nếu BLTTHS 2015 có hiệu lực quy định phải chỉ định luật sư bào chữa cho người phạm tội bị khởi tố, điều tra truy tố và xét xử tội danh có trong khung hình phạt từ 20 năm tù. Bên cạnh đó, người dân thường chỉ mời luật sư bào chữa khi người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thôi cho rằng số luật sư tham gia bào chữa vụ án hình sự sẽ bị giảm đi nếu quy định luật sư tranh tụng vụ án hình sự có thể bị xử lý về hình sự ở tội nêu trên.
PV: Tuy nhiên có ý kiến nhấn mạnh rằng luật sư là người bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, nhưng phải là quyền lợi hợp pháp. Mặt khác, luật sư đồng thời cũng không thể không thực hiện nghĩa vụ công dân?
ĐBQH, LS Nguyễn Chiến: Luật sư dĩ nhiên chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ, quyền lợi không hợp pháp thì không bảo vệ và nếu có bảo vệ cũng không được chấp nhận. Khoản 3 Điều 19 dự thảo BLHS 2015 quy định, người bào chữa phải chịu trách nhiệm về tội “không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa”. Quy định này có thể hiểu, hoặc là trong quá trình bào chữa phát hiện tội phạm thân chủ đang bị điều tra, truy tố không chính xác hoặc còn bị bỏ lọt tội phạm hoặc là tội phạm khác trước đó ngoài tội phạm đang bị điều tra, truy tố. Nhưng Luật Luật sư có quy định về nghĩa vụ của luật sư, và BLTTHS 2015 khi quy định nghĩa vụ của luật sư đều không có quy định nào buộc luật sư phải tố giác tội phạm do người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện như Điều 19 dự thảo BLHS 2015 quy định.
Mặt khác, khi tiếp xúc với thân chủ, luật sư chỉ được nghe thân chủ trình bày về việc họ đang nhờ luật sư bào chữa, nếu có nói thêm một hành vi họ đã thực hiện trước đó khó có thể xác định có thuộc các tội quy định tại Điều 389 BLHS hay không, đã bị phát hiện hay chưa. Luật sư mới chỉ nghe qua họ kể thì chưa có gì minh chứng là luật sư “biết rõ”, vì lúc này mới đang là lời nói đơn phương của thân chủ. Nếu chỉ nghe như vậy mà đã đi tố giác thân chủ thì còn có khả năng luật sư bị tố ngược là “vu khống”.
 
LS Nguyễn Chiến, ĐBQH khóa 14, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
phát biểu tại một phiên họp Quốc hội
Về ý kiến cho rằng, luật sư không thể không thực hiện nghĩa vụ công dân, tôi cho rằng khi không thực hiện trách nhiệm bào chữa thì đúng là luật sư – công dân A khi biết một người đã thục hiện hành vi phạm tội có trách nhiệm tố giác tội phạm. Nhưng khi công dân A là luật sư đã nhận trách nhiệm tham gia tố tụng bào chữa cho khách hàng thì anh ta phải tuyệt đối tuân theo quy định của Luật Luật sư và BLTTHS để thực hiện hoạt động nghiệp vụ luật sư.
Việc bị can đang bị điều tra nhưng còn có tội phạm bị bỏ lọt chưa bị phát hiện, luật sư không có trách nhiệm tố giác với cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát vì Điều 10 BLTTHS 2003 và Điều 15 BLTTHS 2015 quy định về xác định sự thật của vụ án: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Theo đó, quyền của luật sư – người bào chữa chính là quyền phái sinh từ người bị buộc tội nên Điều 73 BLTTHS 2015 quy định quyền và nghĩa vụ của luật sư không có điểm nào quy định luật sư phải tố giác tội phạm do bị điều tra, truy tố bỏ lọt hay phát hiện tội phạm mới do người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
Giả dụ khi tiếp xúc với thân chủ, luật sư được nghe thân chủ trình bầy họ đã thực hiện một tội phạm trước đó (thuộc các tội quy định tại Điều 389 BLHS) có nghĩa rằng tội phạm đã thực hiện, tội phạm đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện mà luật sư biết được do nghe thân chủ nói, kể lại trong khi luật sư đang thực hiện nhiệm vụ bào chữa về vụ án khác thì không có gì minh chứng là luật sư biết rõ vì lúc này mới đang là lời nói đơn phương của thân chủ. Người nghe lại nếu phải làm chứng theo luật là chứng cứ gián tiếp và lại là lời khai dễ bị “tam sao thất bản” không có gì đối chiếu, chứng minh. Mà luật sư lại đi tố giác thân chủ thì còn có khả năng luật sư bị tố ngược là “vu khống”.
Không thể lấy lý do chung chung là luật sư chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp để cho rằng, luật sư phải chịu trách nhiệm tố giác tội phạm do mình đang thực hiện nhiệm vụ bào chữa cho họ. Luật sư khi tham gia tố tụng để bào chữa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ. Hợp pháp là hợp với luật pháp, là phải theo luật. Vậy Luật luật sư và Bộ luật TTHS không quy định luật sư có trách nhiệm phải tố giác khách hàng do mình nhận bào chữa thì sao lại buộc luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác thân chủ ?.
PV: Nhưng luật sư không thể không thực hiện nghĩa vụ công dân, thưa ông?
ĐBQH, LS Nguyễn Chiến: Ý kiến cho rằng, luật sư không thể không thực hiện nghĩa vụ công dân, điều này mới nghe tưởng chừng quy định luật sư miễn trừ trách nhiệm tố giác tội phạm là vô lý. Khi luật sư không thực hiện nhiệm vụ bào chữa thì nhiệm vụ công dân của người luật sư khi biết rõ một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì có trách nhiệm tố giác tội phạm. Nhưng khi công dân A là luật sư đã nhận trách nhiệm tham gia tố tụng bào chữa cho khách hàng thì nghĩa vụ công dân của luật sư là thực hiện tốt nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ và khi đó luật sư phải tuyệt đối thuân theo quy đinh của Luật luật sư, BLTTHS để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ luật sư. Theo đó pháp luật không buộc luật sư đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ công dân là phải tố giác thân chủ.
Hơn nữa, điều 19 dự thảo BLHS coi luật sư như người thân thích ruột thịt của người bị buộc tội là bố, mẹ anh chị em ruột của họ nếu không tố giác tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự như nhau là đánh đồng bản chất, là hoàn toàn bất hợp lý.
Vì công dân nói chung và người thân thích của người phạm tội nói riêng phải tố giác tội phạm là người phạm tội đó đã thực hiện hoặc đã tham gia tội phạm đang lẩn trốn còn đang được tự do chưa bị bắt thì họ phải có trách nhiệm tố giác tội phạm để ngăn chặn và xử lý.
Còn đối với luật sư chỉ tiếp xúc với người phạm tội do chính người mà mình bào chữa lúc này họ đang bị bắt tạm giam hoặc đang bị hạn chế quyền để phục vụ điều tra, truy tố. Luật sư chỉ biết sơ bộ qua lời nói khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa. Như vậy luật sư hoàn toàn khác về sự việc và bản chất so với trách nhiệm của người thân thích, bố mẹ, anh chị em ruột thịt của người phạm tội chứ!.
PV: Vậy thưa ông, cũng liên quan đến hoạt động của luật sư, Điều 382 đã quy định chủ thể là người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, quan điểm ông ra sao?
ĐBQH, LS Nguyễn Chiến: Theo BLTTHS 2015 thì người bào chữa có quyền đưa ra những tài liệu do đương sự cung cấp hoặc tự mình thu thập để cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng mà họ cho là có thể gỡ tội cho thân chủ mình.
Theo tôi, ở thời điểm thu thập, cung cấp chứng cứ, người bào chữa không thể xác định được tài liệu đó là có sai sự thật hay không, mức độ sai sự thật đến đâu. Người bào chữa có quyền bình đẳng trong việc thu thập và đưa ra chứng cứ, tài liệu để gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo, cũng như Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thu thập chứng cứ buộc tội để HĐXX đánh giá, xem xét kết luận.
Qua thực tiễn xét xử, muốn xác định chứng cứ thật, giả Tòa án phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền giám định. Quá trình xác định sự thật khách quan của vụ án còn phụ thuộc vào việc xem xét, đánh giá chứng cứ của HĐXX chứ không thuộc thẩm quyền của người bào chữa. Mặt khác hành vi cung cấp tài liệu mà tài liệu đó không phải tự mình làm giả, khi cung cấp không thể biết có gây hậu quả hay không, nhưng Điều 382 quy định buộc luật sư phải chịu trách nhiệm về hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật là rất không hợp lý, không bình đẳng với các loại tội phạm và các chủ thể khác trong BLHS.
Hơn nữa, điều luật này còn gộp chung hành vi của nhiều người tham gia tố tụng như người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch… với hoạt động nghề luật sư (rất khác nhau về bản chất) cũng là không hợp lý.
Tóm lại, Điều 382 quy định người bào chữa “khai báo gian dối” phải chịu trách nhiệm hình sự là không phù hợp về kỹ thuật lập pháp; quy định gộp không rõ ràng trong luật này sẽ không khả thi nhưng lại tạo áp lực, rất ảnh hưởng đến sự phát triển nghề luật sư trong giai đoạn Đảng và nhà nước đang khuyến khích và tạo động lực cho sự phát triển nghề đặc thù này ở nước ta hiện nay.
Theo: Hồng Minh/ Công lý
Tìm kiếm