(ĐCSVN) – Đánh giá thực trạng oan sai, nguyên nhân để xảy ra oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, việc xử lý trách nhiệm bồi thường Nhà nước và các giải pháp đột phá khắc phục oan sai trong thời gian tới ..., là những vấn đề “nóng” được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao...
Thực hiện các giải pháp đột phá chống oan sai, bỏ lọt tội phạm
(ĐCSVN) – Đánh giá thực trạng oan sai, nguyên nhân để xảy ra oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, việc xử lý trách nhiệm bồi thường Nhà nước và các giải pháp đột phá khắc phục oan sai trong thời gian tới ..., là những vấn đề “nóng” được Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình giải đáp trong Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 13/3.
Trọng cung hơn trọng chứng, thiếu tranh tụng
Án oan sai là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền con người, đến tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh ) chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình về 5 vụ án đặc biệt quan trọng: Bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải (Bưu điện Cầu Voi, Long An, năm 2008), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Hàn Đức Long (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Lê Bá Mai (Bình Phước) có oan hay không? Trong 5 vụ án trên, có luồng dư luận cho rằng bị bức cung, nhục hình. Quá trình điều tra các vụ án trên có thiếu sót cơ bản gì?...
Trả lời ĐB Đỗ Văn Đương, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, 5 vụ án này, các cơ quan tố tụng đang phối hợp giải quyết. Đây là những vụ án cũ từ những năm trước đây. Vấn đề đặt ra là phải xem xét thận trọng để không làm oan người vô tội, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Đối với vụ án Hồ Duy Hải (Long An) phạm tội giết người, cướp tài sản từ năm 2008, các cơ quan tố tụng đã lập ra tổ liên ngành do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) chủ trì. Tổ đã làm việc tích cực, phúc tra lại quá trình lời cung của Hồ Duy Hải. Khi Đoàn liên ngành hỏi thì Hồ Duy Hải vẫn nhận tội, đơn chỉ xin giảm án hay thi hành án tử hình ngay, cho nên, căn cứ khẳng định oan là chưa có. Tuy nhiên, về phía các cơ quan tố tụng sẽ vẫn thận trọng, khi có đủ căn cứ thì sẽ kháng nghị; sẽ tiếp tục họp đánh giá lại cho thật toàn diện, đầy đủ, khách quan, kết hợp với kết quả giám sát của Quốc hội để xử lý thật đúng người, đúng tội.
Về vụ án Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng): Chánh án khẳng định, đây không phải là vụ án oan. “Tất nhiên, khi có ý kiến của Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần thận trọng” - Chánh án Trương Hòa Bình chia sẻ.
Với vụ án Hàn Đức Long, Chánh án cho biết, TANDTC đã có kháng nghị và được Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao chấp thuận.
Liên quan đến vụ án Huỳnh Văn Nén, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) tiếp tục đặt vấn đề: “Ông Nén bị kết án tù và đến nay đã chịu phạt 15 năm. Vì sao cả một quá trình dài như thế, gia đình liên tục kêu oan tại sao không được xem xét? Tiến độ giải quyết như thế nào? Kết quả ra sao?”.
Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận, đúng là có trách nhiệm của ngành Kiểm sát và TANDTC. Vấn đề này có liên quan đến việc do trước đây giải quyết vụ án theo xét – hỏi hồ sơ mà thiếu tranh tụng để đánh giá toàn diện nên dẫn đến có oan, có lọt tội phạm. Chánh án cho biết, trên tinh thần mới của cải cách tư pháp, trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án sẽ nỗ lực để khắc phục khuyết điểm đó. Đối với vụ án của Huỳnh Văn Nén thì đã có kháng nghị, hủy bản án để điều tra lại từ sơ thẩm. Kết quả tới đây có oan hay không oan còn phụ thuộc vào kết quả điều tra và kéo dài bao lâu là trách nhiệm của cơ quan Công an.
Tham gia giải trình thêm, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận trước dư luận thời gian qua có nêu tình trạng bức cung, nhục hình, liên quan đến vấn đề oan sai, Bộ Công an điều tra là có, nhất là ở điều tra cấp huyện; ví dụ như vụ án Ngô Thanh Kiều (Phú Yên), đã phải xử lý 4 cán bộ Công an.
Lý giải cho nguyên nhân gây ra oan sai, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, cơ bản nguyên nhân là do chưa tập trung vào tôn trọng, chứng minh sự thật khách quan, đặc biệt là xem xét đánh giá chứng cứ, trọng cung hơn chứng cứ, trong đó có thiếu sót ngay trong công tác tố tụng, chỉ tập trung thu thập lời khai của người bị hại nhân chứng, nhưng chưa chú trọng công tác khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, một số vấn đề trong tố tụng... Về nguyên nhân chủ quan, cơ bản là do năng lực, phẩm chất, đặc biệt là trách nhiệm không tuân thủ theo quy trình điều tra, một số do nôn nóng vì nặng về thành tích.
Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường
Ghi nhận nỗ lực cố gắng trong bồi thường oan sai, nhưng ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội phản ánh thực tiễn giám sát có tình trạng dây dưa kéo dài, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, có vụ hành trình kéo dài 5, 7 năm, thậm chí lâu hơn. Thực trạng này vi phạm nguyên tắc bồi thường phải nhanh chóng, kịp thời và quan trọng hơn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị oan. Trách nhiệm của Chánh án khi để xảy ra trình trạng này? Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm, cho đến thời điểm này thì kết quả giải quyết đến đâu? Chậm trễ do nguyên nhân vì sao?.
Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, có thực trạng tranh chấp thẩm quyền bồi thường nhưng không nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, thiếu tinh thần trách nhiệm. Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước cũng đã quy định, nhưng cũng có một số điểm chưa bao quát hết nên dẫn đến một số trường hợp tranh chấp.
Để khắc phục tình trạng này, theo Chánh án Trương Hòa Bình, cần phải sửa Luật Bồi thường Nhà nước và có cơ quan trọng tài để xác định cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp có tranh chấp này.
Đối với vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã đứng ra giải quyết vấn đề quyết liệt. Nếu gia đình ông Chấn nộp xong các tài liệu chứng minh thì có thể giải quyết đến kết quả cuối cùng.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nói cho cùng, bất kể sai ở đâu, nhưng nếu để người công dân bị buộc tội oan sai thì trách nhiệm thuộc về Tòa án, mà người trực tiếp chịu trách nhiệm là Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và tập thể hội đồng xét xử phải chịu, trong đó, người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất là Chánh án TANDTC. Khi xét xử vụ án, Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”.
Tại phiên trả lời chất vấn, Chánh án Trương Hòa Bình nêu rõ, oan sai gây ra sự bức xúc trong công luận, nhưng chúng ta cũng cần đánh giá đúng mức là tình hình oan sai từng bước đã được khắc phục. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 69 của Quốc hội thì đến nay, chưa phát hiện có oan sai. “Chúng tôi đang tích cực rà soát, cố gắng 11 vụ còn lại sẽ sớm có kết luận trong thời gian ngắn nhất” - Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.
Về giải pháp đột phá để chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, Chánh án cho biết, ngành Tòa án xác định: Trước hết, cần thực hiện tốt việc tranh tụng, tới đây sửa Luật Tố tụng hình sự, theo đó sẽ tập trung làm tốt chương trình tranh tụng, làm sao để phát huy vai trò của luật sư có thể cho tham gia ngay từ đầu, hoặc người bào chữa đại diện cho quyền lợi của bị can; đồng thời, thực hiện tốt công tác người bị can không phải chứng minh mình là tội phạm, mà các cơ quan tố tụng phải chứng minh. Muốn như vậy thì phải có đội ngũ cán bộ tốt, có trình độ. Do đó, phải nâng cao trình độ của kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên. Theo Chánh án, nếu điều tra viên làm tốt việc thu thập chứng cứ tại hiện trường thì sẽ hạn chế rất nhiều sai sót trong thời gian qua.
Sắp tới, khi thực hiện Luật Tổ chức Tòa án thì tố tụng cũng phải quy định rõ quyền tư pháp của tòa trong thực hiện tố tụng và thể hiện trong Luật. Ngoài giáo dục tư tưởng, đào tạo cán bộ thì phải có chế độ lương đặc thù để bảo đảm cuộc sống cho các cán bộ làm công tác này...
Thu Hằng