1. Báo Công an nhân dân số 4041 ngày 19 /8/2016, có bài “Nghi án nữ sinh cấp 3 bị cưỡng hiếp và sinh con” của tác giả Trần Hằng. Nội dung bài báo nêu: Trưa ngày 27/9/2015, Nguyễn Văn Tuấn làm nghề lái xe gọi điện cho cháu Nguyễn Thị M học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội...
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 19/8/2016 đến ngày 25/8/2016
1. Báo Công an nhân dân số 4041 ngày 19 /8/2016, có bài “Nghi án nữ sinh cấp 3 bị cưỡng hiếp và sinh con” của tác giả Trần Hằng. Nội dung bài báo nêu: Trưa ngày 27/9/2015, Nguyễn Văn Tuấn làm nghề lái xe gọi điện cho cháu Nguyễn Thị M học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội đến quán karaoke trên địa bàn huyện. Vì anh Tuấn là người quen nên cháu M đã nhận lời. Đến nơi vào phòng hát có hai anh Phùng Văn Luyến và Bùi Đức Dương là bạn của Tuấn và 1 người bạn của M cùng ngồi uống bia, nước ngọt và hát. Sau đó cháu M thấy choáng váng đầu nên đi vào nhà vệ sinh, khi đi ra đã bị Phùng Văn Luyến ôm hôn và kéo tay vào phòng bên cạnh để quan hệ tình dục. Khi quan hệ xong anh Luyến chưa đi ra thì Dương lại vào phòng tiếp tục ôm hôn và quan hệ tình dục với M. Cháu M không dám nói ngay với bố, mẹ. Khi cháu có thai đến tháng thứ 6 gia đình mới biết và làm đơn tố cáo hành vi của Tuấn, Dương và Luyến. Điều tra ban đầu, hai đối tượng Dương và Luyến đã thừa nhận hành vi có quan hệ tình dục với cháu M và cả 2 người đều nhận sẽ chu cấp nuôi con của cháu M cho đến khi cháu bé 18 tuổi. Tuy nhiên, đến nay mặc dù cháu M đã sinh con đến 2 tháng nhưng cơ quan Công an huyện Ba Vì vẫn chưa khởi tố bị can đối với Luyến và Dương.
Yêu cầu VKSND Tp. Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 222 ngày 19/8/2016, có bài “Phải minh oan cho hai nông dân bị xử tội nhận hối lộ” của tác giả Phương Nam. Nội dung bài báo nêu: Ông Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn ở ấp Lò To, xã Hàm Cẩn, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được bà con nông dân trong xã cử làm đại diện để làm các thủ tục vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội đã bị Công an, VKS huyện Hàm Thuận Nam và TAND huyện Hàm Thuận Nam khởi tố, truy tố, xét xử sơ thẩm về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 279 Bộ Luật hình sự vì đã có hành vi nhận 13,6 triệu đồng của 12 hộ dân được vay tiền. Ông Tuấn bị xử phạt 8 năm tù, ông Nam bị phạt 7 năm tù. Khi xử phúc thẩm TAND tỉnh Bình Thuận đã hủy án để điều tra lại vì cấp sơ thẩm chưa làm rõ các chi phí của hai ông trong quá trình đi lại giao dịch với Ngân hàng để làm thủ tục vay tiền. Sau khi Tòa hủy án, Công an huyện hàm Thuận Nam đã quyết đình đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự cho 2 ông theo Khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự. Về vụ án này hai ông Tuấn và Nam cho rằng mình bị oan vì số tiền này là do các hộ vay vốn đóng góp thêm cho 2 ông để trả công viết hộ đơn xin vay tiền, tiền xăng xe đi lại và chi phí giao dịch với Ngân hàng vì từ xã đến Ngân hàng, hai ông phải đi và về nhiều lần qua đoạn đường dài đến 60 km. Mặt khác, các ông không phải là người có chức vụ, có thẩm quyền giải quyết cho vay tiền nên không phải là chủ thể của tội “Nhận hối lộ”. Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Khoa Luật, trường Đại học Thủ Dầu Một và Luật sư Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vụ việc này chỉ là quan hệ dân sự, không đủ căn cứ để xử lý hai ông về tội “nhận hối lộ” nên cơ quan pháp luật phải đình chỉ cho hai ông vì hành vi không cấu thành tội phạm mới đúng.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Thuận kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 5 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật Việt Nam số 234 ngày 21/8/2016, có bài “Nghi án gã đàn ông cưỡng bức cô bé hàng xóm” của phóng viên báo. Nội dung bài báo nêu: Hồi 20 giờ ngày 16/11/2012, cháu Nguyễn Thị H, 13 tuổi trú tại xóm Suối Cái, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ở nhà một mình đã bị Trần Văn Thanh, sinh 1983, là người cùng xóm cậy cửa vào nhà ôm cháu, đè xuống giường để giao cấu mặc dù bị cháu chống cự, đạp vào người, cắn vào cổ tay và kêu cứu, cháu đã chạy ra được ngoài cửa nhưng vẫn bị Thanh đuổi theo ôm lại tiếp tục đòi giao cấu. Lúc đó, nghe có tiếng kêu cứu, chị Dương Thị Hằng, 27 tuổi là hàng xóm cầm đèn pin chạy sang nên Thanh đã bỏ cháu H ra và nói nếu nói với ai sẽ bị giết. Gia đình đã tố cáo hành vi này của Thanh đến Công an xã. Tại buổi làm việc ngày 17/11/2016, với Công an xã Tân Thái, Thanh đã thừa nhận sau khi uống rượu có vào nhà cháu H và sàm sỡ cháu nhưng không giao cấu vì cháu kêu to nên Thanh bỏ chạy. Công an xã đã phạt hành chính Thanh về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và gây rối trật tự công cộng, yêu cầu Thanh xin lỗi bố mẹ cháu H. Không đồng ý với quyết định này, gia đình bà Sóng là mẹ của cháu H đã khiếu nại đến Công an huyện Đại Từ yêu cầu điều tra xử lý Thanh về tội Hiếp dâm trẻ em nhưng cả Công an và Viện kiểm sát huyện Đại Từ đều cho rằng hành vi của Thanh chưa đến mức cần khởi tố hình sự. Tác giả bài báo, Luật sư và gia đình cháu H đề nghị Công an và VKSND tỉnh Thái Nguyên cần kiểm tra, xem xét lại việc này để không bỏ lọt tội phạm.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 2 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Tuổi trẻ số 227 ngày 22/8/2016, có bài “Công an và VKS cãi nhau về 100 trứng Vích”, số 229 ngày 24/8/2016 có bài “Lại chọi nhau vụ trộm trứng Vích” của tác giả Đông Hà. Nội dung bài báo nêu: Ngày 17/6/2016, lực lượng Kiểm lâm vườn quốc gia Côn Đảo bắt quả tang Phạm Văn Tân, 28 tuổi trú tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tạm trú tại khu dân cư số 7 huyện Côn Đảo đang vận chuyển 116 quả trứng con rùa biển (còn gọi là con Vích, tên khoa học là Chenoliamydas). Kiểm lâm và Công an huyện đã lấy lời khai ban đầu, tiến hành trưng cầu Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật giám định số trứng này. Kết quả giám định xác định đây là trứng của con Vích là loài động vật biển đang được bảo vệ. Công an huyện Côn Đảo đã khởi tố vụ án và bị can Tân về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Tâm, Viện trưởng VKSND huyện Côn Đảo lại không phê chuẩn các lệnh này với lý do trứng Vích không phải là sản phẩm của Vích, không phải là động vật như điều 190 Bộ Luật hình sự đã nêu. Mặt khác phải xác định 116 quả trứng Vích này có giá trị đến 50 triệu đồng hay không?. Về việc này, theo ý kiến của cơ quan Công an, Kiểm lâm và Luật sư Trương Xuân Tâm, hành vi của Phạm Văn Tân đã cấu thành tội phạm vì trứng Vích đương nhiên là sản phẩm của Vích do con Vích mẹ đẻ ra và sẽ sinh ra Vích con, trứng Vích không có bán trên thị trường, không đơn vị nào được phép kinh doanh nên không thể định giá bằng tiền được. Vì vậy, việc không phê chuẩn khởi tố của VKSND huyện Côn Đảo là chưa đúng.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 3 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật Việt Nam số 236 ngày 23 /8/2016, có bài “Nguyên cán bộ huyện ủy vay nợ hàng trăm triệu đồng rồi bỏ trốn” của tác giả Phạm Thọ. Nội dung bài báo nêu: Ông Lê Đình Phớt, trú tại khu 8, thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhiều lần kiến nghị các cơ quan pháp luật trong huyện và tỉnh cần xem xét khởi tố ông Nguyễn Ngọc Tú, cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy Thọ Xuân vì đã có hành vi cam kết sẽ giúp ông và một số người khác trong huyện xin việc cho con cháu vào giảng dạy ở các trường trong huyện để nhận tiền chi phí giao dịch hàng trăm triệu đồng nhưng không xin được việc cho ai và cũng không trả lại tiền. Sau đó, ông Tú có xin thôi việc tại Ban Tuyên giáo huyện ủy và đã được chấp nhận. Sau khi được thôi việc, ông Tú đã đi khỏi khỏi địa phương. Hành vi này của ông Tú đã cấu thành tội phạm cần được Công an huyện Thọ Xuân điều tra làm rõ.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 3 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo Công an nhân dân số 4045 ngày 23/8/2016, có bài “Dấu hiệu cố ý làm trái trong vụ Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3200 tỷ đồng” của tác giả Đào Minh Khoa. Nội dung bài báo nêu: Theo số liệu kiểm tra của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam đã có các hành vi sử dụng vốn điều lệ góp vào các công ty con, công ty liên kết trong khi những đơn vị này là những đơn vị yếu kém trong kinh doanh, liên tục làm ăn thua lỗ như: Đầu tư đến 200 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần thi công cơ giới và lắp máy dầu khí với ban lãnh đạo yếu kém chỉ nhận công trình rồi bán đi bán lại ăn phần trăm, lập quỹ trái phép đến 85 tỷ đồng, làm ăn thua lỗ 576 tỷ đồng, gây thiệt hại cho công ty 47 tỷ đồng. Đã có 11/13 cán bộ công ty này bị khởi tố hình sự. Ông Thanh chỉ đạo góp 50% vốn cổ phần vào Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam, sau đó Đào Duy Phong là Chủ tịch HĐQT công ty này đã bán rẻ cổ phần của công ty gây thiệt hại 87 tỷ đồng, ông Phong cũng đã bị khởi tố và xử phạt 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”… Do đó các hành vi chỉ đạo của ông Thanh làm thất thoát 3200 tỷ đồng có dấu hiệu cấu thành tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cần được khởi tố điều tra.
Yêu cầu Vụ 3 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
7. Báo Pháp luật Plus ngày 24/8/2016, có bài “Làm giả sổ đỏ chiếm đoạt tiền vay Ngân hàng của bạn thân” của tác giả Tuấn Ngọc. Nội dung bài báo nêu:. Gia đình vợ chồng anh Hoàng Ngọc Khánh và chị Nguyễn Thị Huyền trú tại 43/528/73, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên chơi thân với Lý Thị Giang, biết Giang có quen biết với cán bộ Ngân hàng nên năm 2011, đã nhờ Giang làm thủ tục vay hộ 4 tỷ đồng của Ngân hàng Công thương chi nhánh Tây Hà Nội. Giang yêu cầu chị Huyền ký hợp đồng mua 120m2 đất của Lý Trí Sơn là em ruột Giang với giá 5,5 tỷ đồng, sau đó yêu cầu chị Huyền ký khống vào 2 tờ giấy nhận tiền để hoàn thiện thủ tục vay Ngân hàng. Ngân hàng đã cho chị Huyền vay 4 tỷ đồng nhưng tiền lại được chuyển vào tài khoản của Lý Trí Sơn để sau đó Giang lấy ra chi tiêu cá nhân. Gia đình anh Khánh, chị Huyền đã tố cáo hành vi Lừa đảo này của Lý Thị Giang. Kết quả điều tra ban đầu, Phòng Tài nguyên Môi trường quận Long Biên xác định lô đất trên không phải thuộc sở hữu của Lý Trí Sơn mà thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Bích Hạnh trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Tp Hà Nội. Nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên TAND quận Long Biên dừng thụ lý vụ kiện dân sự đòi tiền giữa Ngân hàng Công thương chi nhánh Tây Hà Nội với vợ chồng anh Khánh để chuyển Công an quận Long Biên xem xét xử lý về hình sự. Cuối năm 2012, Công an quận thông báo cho chị Huyền biết đang điều tra nhưng do chưa thu thập đủ tài liệu nên chưa có căn cứ kết luận vụ việc này. Ngày 12/5/2016, Điều tra viên Đỗ Anh Ngọc thông báo bằng miệng cho gia đình anh Khánh biết Công an quận tạm dừng xác minh vụ việc này. Như vậy, việc Công an quận thụ lý đơn tố giác tội phạm nhưng để đến gần 5 năm không kết luận là vi phạm nghiêm trọng Điều 103 Bộ Luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tich số 06/ TTLT ngày 02/8/2013, của Liên ngành Công an- Bộ quốc phòng- Bộ Tài chính- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn- Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp nhận giải quyết tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Vì vậy, vụ việc này cần được chuyển lên Công an thành phố Hà Nội để điều tra, khởi tố vì Điều tra viên Công an quận Long Biên có dấu hiệu bao che cho tội phạm.
Yêu cầu VKSND Tp. Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách, Vụ 3 và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
8. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 227 ngày 24/8/2016, có bài “Con chưa được bồi thường oan, mẹ đòi tự sát” của tác giả Trần Vũ. Nội dung bài báo nêu: Bà Lê Kim Phụng, 66 tuổi, trú tại xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết ngày 25/2/2016, VKSND thành phố Cà Mau có quyết định bồi thường số tiền 129 triệu đồng cho anh Huỳnh Nhật Quang (là con trai bà Phụng), người được TAND thành phố và TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không phạm tội “Chống người thi hành công vụ”. Theo quy định của pháp luật, bà sẽ được nhận tiền sau 40 ngày kể từ khi có quyết định bồi thường nhưng đến nay đã 6 tháng, anh Quang vẫn chưa nhận được tiền bồi thường để lấy tiền trả nợ cho các chủ nợ mà mẹ con bà đã vay, bà đã phải thế chấp nhà để khất nợ. Bà Phụng dọa sẽ “chết chung” với lãnh đạo VKSND thành phố Cà Mau nếu trong tháng 8 này không nhận được tiền bồi thường.
Yêu cầu VKSND tỉnh Cà Mau và Vụ 7 VKSND tối cao kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.