CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Về luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

08/04/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
(VN)- Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi muốn luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp - "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật", nhưng có ý kiến đây là vấn đề rất nhạy cảm...

 Về luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)

 
(VN)- Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi muốn luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp - "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật", nhưng có ý kiến đây là vấn đề rất nhạy cảm.
 
Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN)
Nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp QH đồng tình đây là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến an ninh, trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân, nhất là đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy.
Ngay trong nhóm có ý kiến thấy luật hóa là cần thiết, có ý kiến đề nghị không, nhưng đều yêu cầu dự thảo luật quy định chặt chẽ, làm rõ hơn một số vấn đề. Trước hết là cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng là chỉ đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, khủng bố, rửa tiền và tham nhũng.
 
Viện trưởng VKSND tối cao  Nguyễn Hòa Bình: Luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt không có gì là mới. Ảnh: Minh Thăng
Thời điểm áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt trong dự thảo là ngay từ khi kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm là chưa chặt chẽ, cần cân nhắc để xác định thời điểm áp dụng hợp lý, tránh lạm dụng, áp dụng tràn lan như khi xác định được đối tượng nghi vấn, hoặc kể từ khi khởi tố bị can.
Các biện pháp đặc biệt thì nhiều nhưng chỉ quy định trong luật những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân (như bí mật đời tư, thư tín, chỗ ở, tài sản), theo đó luật phải ghi rõ tên các biện pháp (không để văn bản dưới luật quy định) đó là gì như: nghe điện thoại bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật, khám xét bí mật, bóc mở thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, phong tỏa tài sản, nguồn tài chính...
Cũng phải làm rõ biện pháp đặc biệt được áp dụng với ai và thời hạn bao lâu, người có thẩm quyền áp dụng và người có thẩm quyền phê duyệt áp dụng.
Thảo luận nội dung này, Thượng tướng Lê Quý Vương. Thứ trưởng Bộ Công an băn khoăn: Quan điểm của Bộ Công an là không nêu.
"Đã nêu là phải nêu rõ. Biện pháp điều tra đặc biệt là gì? Chứng cứ của nó có đặc biệt không? Nếu đưa mà lại có câu “giao Chính phủ và Viện kiểm sát quyết định các biện pháp điều tra đặc biệt” thì hai cơ quan này cao hơn luật rồi", ông Vương nói.
Ông Phạm Xuân Thường, ủy viên UB Tư pháp QH, cũng cho rằng đã quy định là phải cụ thể mới thực hiện, "chứ có quy định rồi ông nào cũng đặt máy nghe trộm thì chết", xâm phạm quyền tự do của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên UB Quốc phòng An ninh, thì đặt vấn đề liệu quy định cụ thể trong luật có khả thi không: "Vì áp dụng biện pháp này phụ thuộc vào tình hình tội phạm. Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, rồi cụ thể hóa trong các luật khác như luật Phòng chống ma túy".
Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ, nêu quan điểm: Ngay trong luật đã quy định những biện pháp ngăn chặn, kiểm soát, cưỡng chế như bắt giam giữ, cũng tác động đến quyền con người ghê lắm, thế thì những biện pháp đặc biệt cũng đụng đến quyền con người tương tự mà lại không quy định vào trong luật?
Đại diện cơ quan soạn thảo, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình phân tích: Đây có thể là nguồn chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, đã được quy định ở nhiều luật như an ninh quốc gia, phòng chống ma túy, rửa tiền..., không có gì là mới, quốc tế đã làm rồi.
"Nhưng chúng tôi không thể quy định cụ thể, mà nhường quyền cho Chính phủ, tức là Bộ Công an. Và chỉ quy định trong 3 trường hợp: Thứ nhất là liên quan đến an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; Thứ hai là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và có tổ chức; và thứ ba là người bị hại, người tố giác tội phạm tự nguyện đề nghị cơ quan điều tra tổ chức công tác bí mật đối với mình", ông Bình cho biết.
Theo Viện trưởng, để Bộ Công an quy định cụ thể cũng là do với sự phát triển của công nghệ, chưa thể nhìn hết được các biện pháp có thể có trong tương lai.
"Nhưng vẫn có những nguyên tắc rất chặt chẽ là người điều tra chỉ được dùng những thông tin để chứng minh tội phạm, những thông tin khác có được phải hủy", ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Kết luận phiên thẩm tra bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh những đổi mới phải phù hợp với điều kiện VN, không phải cái gì nước ngoài làm tốt đều đưa hết vào.(Tiêu đề đã được đặt lại).
Chung Hoàng
 
Tìm kiếm