CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chống tham nhũng, lãng phí là thiết thực góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta

09/01/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
(ĐCSVN) - Tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, phức tạp, nan giải và bức xúc nhất hiện nay ở nước ta...

 Chống tham nhũng, lãng phí là thiết thực góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta

(ĐCSVN) Tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, phức tạp, nan giải và bức xúc nhất hiện nay ở nước ta. Tham nhũng đã và đang đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là vấn đề liên quan nhiều nhất, chi phối đến quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.
Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Từ đó, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bối cảnh hiện nay.
 Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) chỉ rõ: “Phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI); tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong “Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”
 
Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm (Ảnh: vtc.vn)
Tệ tham nhũng, lãng phí đã được khái quát, nêu rõ bản chất và nguy cơ hậu quả tai hại của nó đối với đất nước như "giặc nội xâm", đe dọa đến sự sống còn của chế độ. Hiểu rõ nguy cơ đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đề ra những chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các cơ chế, chính sách có liên quan; ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020… Những năm gần đây, nhất là khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được một số kết quả nhất định: Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng tồn tại từ lâu đã bị phát hiện, xử lý; việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ đã dính líu vào tham nhũng; rồi những bản án tử hình, tù chung thân và bắt buộc phải bồi thường tiền, tài sản đã tham nhũng của Nhà nước, của nhân dân, làm cho tệ tham nhũng từng bước được kiềm chế. Song, tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay vẫn còn nghiêm trọng, phạm vi rộng, tính chất phức tạp, làm cho nhân dân lo lắng, giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
 Tệ nạn tham nhũng không thể không lên án và kiên quyết loại trừ. "Tham" gắn liền với "nhũng","nhũng" chính là sự gây phiền hà, nhũng nhiễu của một bộ phận công chức, người có quyền lực trong một số cơ quan Đảng, Nhà nước. Ví như hiện ở không ít nơi, một số cán bộ vì lợi ích đã cố tình gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, chạy theo chủ nghĩa thành tích; một số người trong cơ quan nắm pháp luật, thực thi pháp luật nhưng cố tình làm sai pháp luật do trình độ còn quá non kém hay vì những lẽ khác mà có những quyết định sai hoặc bất công, rồi cố tình đùn đẩy cho người khác, gây nên những oan khuất mà nhiều người bị oan đi kêu nhiều năm liền... Từ những hiện tượng trên, ta đặt vấn đề: Tại sao có tham nhũng? Và tại sao chống tham nhũng lại khó khăn, phức tạp như vậy? Có phải vì một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất không? Có phải do sự tác động tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường mà ta chưa khống chế được? Có phải do thu nhập chính của cán bộ, viên chức nhà nước quá thấp, không đủ sống, nên mọi người phải tìm cách xoay xở? Có phải do các thế lực thù địch thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" và một số người cơ hội về chính trị, bất mãn lợi dụng những biểu hiện tham nhũng, kích động gây rối làm cho vấn đề chống tham nhũng vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn? ...
Có thể nói, mỗi vấn đề nêu trên đều là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng và làm cho công tác đấu tranh chống tham nhũng trở nên khó khăn, phức tạp. Nhưng trong đó, một nguồn gốc quan trọng và sâu xa của tệ tham nhũng, đó là sự lạm dụng quyền lực. Như điểm 2, Điều 1, Chương I, Luật Phòng chống tham nhũng đã nêu: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Đó là hành vi tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” [2]. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân là: Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã yêu cầu toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao “Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này” . 
Để thực hiện phòng ngừa tốt tham nhũng, trước hết phải tiến hành và thực hiện nghiêm túc các giải pháp đồng bộ cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống; bổ sung hoàn chỉnh các cơ chế, quy định, trước hết là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận; đồng thời, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế, tài chính, ... Đối với công dân, cần chăm lo giáo dục cho mọi người đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử văn minh; tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân nhận diện được các hành vi tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra môi trường xã hội chống tham nhũng, lãng phí. Đối với cán bộ, đảng viên, coi giáo dục đạo đức và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng, lãng phí.
 Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc soạn thảo và ban hành các quyết định để giải trình khi nhân dân yêu cầu; tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương; cải cách hành chính Nhà nước; cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát; thực hiện cơ chế giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; công khai các thủ tục hành chính; công khai các trường hợp mua sắm tài sản công; công khai ngân sách và thu chi tài chính ở tất cả các cơ quan Nhà nước trong phạm vi cho phép; xây dựng và thực hiện quy chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức công khai, dân chủ; thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt; biểu dương, khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo, bảo vệ và có chính sách khen thưởng người tố cáo đúng các vụ tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm khắc những ai trù dập người tố cáo hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng, lãng phí để vu khống hại người khác, gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ. 
Tham nhũng là tội phạm hình sự, nên đi đôi với việc phòng ngừa cần có quy định chế tài nghiêm khắc để xử lý loại tội phạm này. Trong Bộ luật Hình sự đã có một chương riêng quy định về tội tham nhũng; trong đó, quy định rõ những hành vi được coi là tham nhũng và những hình phạt tương xứng với những hành vi ấy. Điều 4 trong Luật Phòng chống tham nhũng có ghi rõ về Nguyên tắc xử lý tham nhũng: 1). Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; 2). Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật; 3). Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật; 4). Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; 5). Việc xử lý tham nhũng được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật; 6). Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.
 Điều 6 của Luật ghi rõ quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng: Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng. 
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩ, Đảng, Nhà nước cần sớm rà soát lại các chủ trương đã ban hành, những nội dung gì còn chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng thực hành nhiệm vụ cần được điều chỉnh hoặc bổ sung. Đồng thời, tổ chức đảng cần tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện sự thiếu kiên quyết và làm việc chưa đúng pháp luật của các cơ quan chức năng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống và đi đầu trong cuộc đấu tranh, coi đó là một tiêu chí để đánh giá, xem xét, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, các cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật trong trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan mình có hành vi tham nhũng, lãng phí cần xử lý, không được dung túng, bao che. Người có hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu.
 Kinh nghiệm xử lý các vụ tham nhũng vừa qua cho thấy, vai trò của cấp uỷ, của cán bộ quản lý và người đứng đầu các tổ chức, các cơ quan là rất quan trọng. Cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu liêm khiết, gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không tơ hào hoặc phung phí của công thì cơ quan, tổ chức đó sẽ trong sạch, công tác có hiệu quả, nhân dân tin yêu. Do đó, việc quản lý cán bộ, đánh giá đúng, sử dụng và bổ nhiệm đúng cán bộ có vai trò rất quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu tái cử những người mắc vào tệ tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định và xử lý trách nhiệm như miễn nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu các tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng...
 Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, nhưng được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng tình và quyết tâm thực hiện có hiệu quả. Chúng ta đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng được củng cố và những kinh nghiệm trong xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí lớn vừa qua, với ý chí, quyết tâm, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân, chúng ta tin tưởng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhất định sẽ giành được thắng lợi, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đại tá PGS, TSKHQS Trần Nam Chuân
Tìm kiếm