Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngoài 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại...
Đề nghị bổ sung quy định hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại
Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngoài 2 hình thức tố cáo như dự thảo Luật trình Quốc hội là: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Bàn nhiều về hình thức tố cáo, các đại biểu cho rằng không nên chỉ giới hạn ở 02 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay. Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết; cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ý kiến, cần mở rộng hình thức tố cáo như thư điện tử, fax, điện thoại để phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như đảm bảo quyền con người, đồng thời thời hạn giải quyết tố cáo cần ngắn hơn. Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đại Phong (Thái Nguyên) đề nghị, cần có chế tài xử lý đối với người bị tố cáo cố tình trốn tránh không hợp lý. Đồng thời cho rằng không nên giới hạn 2 hình thức tố cáo là trực tiếp và bằng đơn mà cần xem xét mở rộng việc tố cáo bằng đơn, thư điện tử, fax, điện thoại để phù hợp với tình hình hiện nay.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) phân tích: Theo xu hướng phát triển hiện nay nếu chỉ quy định tố cáo bằng đơn và trực tiếp là chưa tạo thuận lợi cho người dân nhất là sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay. Thực tế, nhiều vụ việc được mạng xã hội đưa lên đã được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, sau đó phát hiện ra sai phạm. Cho nên mở rộng các hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử là phù hợp.
Tuy nhiên, một số đại biểu tán thành 02 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để hạn chế tình trạng gia tăng số lượng tố cáo, gây phức tạp trong công tác tiếp nhận, xử lý ban đầu.
Về tố cáo mạo danh, nặc danh, nhiều đại biểu tán thành quan điểm của Chính phủ về nguyên tắc không xem xét, giải quyết đối với tố cáo mạo danh, nặc danh vì không có cơ sở để xem xét, ràng buộc trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo. Đồng thời, nhất trí với việc bổ sung quy định trong trường hợp tố cáo mạo danh, nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, có kèm theo thông tin, tài liệu, bằng chứng rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, tổ chức việc xác minh, xử lý theo quy trình thanh tra, kiểm tra, quản lý cán bộ nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Theo các đại biểu đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng: Thực tế thời gian qua nhiều cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đã không vượt qua được cám dỗ, làm trái quy định làm ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng mà nhiều người hay nhắc đến là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”. Tại sao thực tế đã xảy ra mà pháp luật lại không điều chỉnh? Trong khi Luật Phòng chống tham nhũng quy định xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu. Vậy không lẽ Quốc hội lại để 2 luật vênh nhau? Do đó, cần phải giải quyết tố cáo đối với cán bộ đã nghỉ hưu.
Cùng chung quan điểm, theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), không quy định rõ trong Luật thì bỏ sót tội phạm, không thể “hạ cánh là an toàn”. Vì thực tế có nhiều vi phạm pháp luật trong thời gian đương chức nhưng chưa bị phát hiện ra. Sau này phát hiện ra thì phải xử lý. Còn đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) nói: “Khi tiếp nhận tố cáo, bất cứ công chức đang đương chức, chuyển công tác hay nghỉ hưu thì phải giải quyết, để xác định và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức khi đang còn đương chức nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cũng như loại bỏ tư duy "hạ cánh an toàn"”.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định thời hiệu tố cáo mà chỉ nên quy định nguyên tắc không thụ lý đối với tố cáo về hành vi vi phạm đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm, bởi thời hiệu xử lý đối với mỗi loại hành vi vi phạm trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đã được quy định trong các luật khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm.
Mỹ AnH
(Theo dangcongsan.vn)