CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao nhận thức chính trị, ngăn chặn đẩy lùi những luận điệu sai trái

12/04/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
TCCSĐT - Trong thời gian gần đây các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội, chống đối đã phát tán trên một số trang web và mạng xã hội những thông tin có nội dung bôi xấu, vu khống, xuyên tạc sự thật, suy diễn, phê phán chế độ, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo dư luận xấu nhằm hạ thấp uy tín của một số tổ chức cũng như những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

 Nâng cao nhận thức chính trị, ngăn chặn đẩy lùi những luận điệu sai trái

 
TCCSĐT - Trong thời gian gần đây các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội, chống đối đã phát tán trên một số trang web và mạng xã hội những thông tin có nội dung bôi xấu, vu khống, xuyên tạc sự thật, suy diễn, phê phán chế độ, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo dư luận xấu nhằm hạ thấp uy tín của một số tổ chức cũng như những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
 
Cứ vào dịp đất nước ta có những sự kiện chính trị - xã hội lớn chuẩn bị được tổ chức thì tình trạng tán phát những thông tin xấu, độc hại được dồn dập tung ra nhằm xuyên tạc sự thật, kích động, gây chia rẽ nội bộ… làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ta đều biết, năm 2015 là năm nước ta tổ chức kỷ niệm nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong đó có việc tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XII. Do vậy, ngay từ cuối năm 2014, các thế lực thù địch đã coi đây là thời điểm để tiến hành chống phá cách mạng Việt Nam với đủ loại chiêu trò tinh vi, xảo quyệt, dựng chuyện, bôi xấu, nhằm hạ uy tín cá nhân, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Thực ra, những chuyện này không lạ, không mới. Bởi đây là thủ đoạn nằm trong âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng làm mất ổn định tình hình chính trị ở Việt Nam, nhằm hạ thấp, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, từng bước đẩy lùi đi đến xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa.
"Diễn biến hoà bình" là một chiến lược tấn công toàn diện và thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Nó sử dụng tổng hợp các thủ đoạn, các biện pháp và các hình thức để chống phá chúng ta trên tất cả các lĩnh vực chính trị tư tưởng, kinh tế - văn hóa, xã hội… Trong đó, các thế lực thù địch coi việc phá hoại về chính trị tư tưởng, văn hóa là mặt trận quan trọng hàng đầu, là mũi nhọn của cuộc tiến công, khâu đột phá, thọc sâu và có sức lan tỏa rộng, đem lại hiệu quả cao. Các chuyên gia về truyền thông của Mỹ đã nhận định và cho rằng: làn sóng điện sẽ thay thế các thanh gươm, còn cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc của những người đang sống. Với 01 USD chi phí cho tuyên truyền sẽ có tác dụng bằng 05 USD trong đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Vì vậy, chúng đã triệt để sử dụng những thành tựu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin để tăng cường chống phá Việt Nam. Đáng chú ý là thông qua trang mạng, chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lời lẽ xảo trá để bôi xấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật gây sự hoài nghi trong nhân dân. 
Cần thấy rằng, sự phát triển của công nghệ thông tin là thành tựu của nhân loại và trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, mang lại những tiện ích nhiều mặt cho con người trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển xã hội trên nhiều lĩnh vực. Đó là điều không thể phủ nhận. Song, những tác hại do nó mang đến cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, không phải tất cả các trang web, blog đều là xấu, độc hại nhưng thực tế đã có các trang web, blog có nội dung xấu vi phạm cả đạo lý và pháp lý nên phải cảnh giác trước những thông tin được đưa lên thông qua các trang mạng này. Nếu những người sử dụng internet không vững vàng trong nhận thức, thiếu nhãn quan chính trị đúng đắn, thiếu thông tin chính thống thì sẽ có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến sự mơ hồ, mất niềm tin... Nhận diện và đấu tranh với những chiêu trò bôi xấu, vụ lợi trên mạng internet và các mạng xã hội, làm trong sạch môi trường là việc cần thiết đối với mỗi cá nhân, mỗi thành viên của xã hội.
Theo số liệu về công nghệ thông tin - truyền thông được công bố trong Sách Trắng về Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2014 do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, tính đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 33 triệu người dùng Internet, tăng từ 31 triệu năm 2012, chiếm 37% tổng dân số, đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, xếp thứ ba Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 thế giới về số người dùng Internet. Số thuê bao Internet băng rộng đạt 22,3 triệu trong khi số thuê bao truy nhập Internet qua mạng kết nối di động 3G là 17,2 triệu. Sự phổ biến của thiết bị di động cộng với giá cước viễn thông và Internet của Việt Nam được xếp hạng 8/148, tức gần như thấp nhất thế giới cũng góp phần thúc đẩy số lượng người dùng Internet tại Việt Nam. Với hơn 100.000 tên miền đăng ký mới và số lượng duy trì sử dụng là 266.000 tên miền trong năm 2013, tên miền quốc gia Việt Nam.vn tiếp tục giữ vị trí số một khu vực Đông Nam Á về số lượng sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia, tăng trung bình 172% mỗi năm. Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là facebook với khoảng 12 triệu người, cùng với nhiều mạng, diễn đàn xã hội khác. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một cơ chế tự phòng vệ trước các thông tin không chính thức là điều cần thiết đối với mỗi người khi tiếp xúc với các thông tin đồn thổi. Phải bình tĩnh trước các thông tin chưa được kiểm chứng, tỉnh táo phân tích những thông tin mơ hồ, không có nguồn gốc, chính là liều thuốc quan trọng giúp người đọc không vô tình tự biến mình thành công cụ cho những âm mưu thâm độc mà tác hại của nó có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mỗi người và xã hội. Vậy phải làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi luồng thông tin này? 
Để ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu, độc hại, các cơ quan chức năng cũng cần chủ động cung cấp kịp thời cho người dân những kiến thức cần thiết, những thông tin định hướng để mọi người có thể tự sàng lọc, nắm bắt những thông tin chính thống, chính xác, đáng tin cậy, loại bỏ những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội. Điều này đã được đề cập tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 29-12-2014, trong đó Thủ tướng nêu rõ: “Quan trọng nhất là chúng ta chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015”. Mặt khác, cần có cơ chế quản lý thông tin chặt chẽ không để kẻ địch lợi dụng, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những trang web, blog có nội dung vi phạm pháp luật.
Để thực hiện và chuyển tải những nội dung thông tin định hướng cần đẩy mạnh công tác tư tưởng trong toàn xã hội trong đó, báo chí với chức năng nhiệm vụ của mình được xác định là lực lượng chủ lực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống các luận điểm sai trái thù địch. Vì vậy, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần chủ động xây dựng các trang chuyên đề với các bài phân tích sâu sắc và thường xuyên để mọi người nhận thức vấn đề một cách đúng đắn, thấy rõ bản chất của vấn đề cũng như âm mưu và thủ đoạn hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần tạo cho người đọc có đủ “sức đề kháng”, “tạo được hệ miễn dịch” nhằm ngăn ngừa, phòng tránh và không bị sa đà vào những thông tin sai trái, bất lợi, độc hại. Đây là nhiệm vụ quan trọng của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và sáng tạo của báo chí cũng như các binh chủng trong công tác tư tưởng. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã có nhiều tin, bài phân tích sâu sắc vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhưng cũng còn một số tờ báo và tạp chí chưa tích cực tham gia chủ đề này với nhiều lý do trong đó phổ biến là trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên. Điều này, tại Hội nghị báo chí toàn quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã thẳng thắn phê bình, nhắc nhở và lưu ý các cơ quan báo chí rằng: trong khi đã quán triệt tinh thần là những thông tin sai sự thật, bịa đặt thì bản thân các cơ quan báo chí trung ương, địa phương phải bác bỏ, không chờ người khác định hướng và bác bỏ giúp… và cần tỉnh táo, thận trọng trong việc xử lý thông tin, nhạy bén chính trị, chặn lọc những thông tin xấu, độc, với động cơ đen tối, gây nhiễu, ảnh hưởng xấu đến nhận thức của dư luận xã hội. Đồng thời, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu những người làm báo không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bám sát thực tiễn của công cuộc đổi mới, gắn bó máu thịt với nhân dân, sáng tạo những tác phẩm báo chí thấm đậm tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn…
Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí. Vì vậy, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức cơ sở đảng cần tăng cường tổ chức sinh hoạt, sử dụng phương pháp tuyên truyền miệng - một kênh thông tin quan trọng - để thông tin kịp thời tình hình và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, hội viên trong phạm vi tổ chức của mình nâng cao nhận thức chính trị đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; đồng thời tăng cường công tác quản lý đảng viên, hội viên, trong đó cần quản lý chặt chẽ về tư tưởng chính trị theo nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, khắc phục tâm lý tiểu nông, thích tò mò, thấy điều lạ muốn nghe và xem bằng được rồi bình luận, suy luận trên bàn nước hoặc bàn cờ… Những việc đó vô tình đã tiếp tay cho các thế lực thù địch. Đây là điều cần tránh.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều tình huống hết sức phức tạp phải giải quyết. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.
TS. Vũ Ngọc Am
Tìm kiếm