CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề "Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS"

01/12/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 30/11/2014, tại Cung thể thao Tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS...

 Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề

"Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS"
 
Đ/c Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ mít tinh
Ngày 30/11/2014, tại Cung thể thao Tổng hợp Quần Ngựa Hà Nội, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS. Tới dự Lễ mít tinh có Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể, cùng đại diện các tầng lớp nhân dân của thành phố Hà Nội.
 
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Tại buổi lế đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long  phát biểu khai mạc và khái quát qua tình hình nước ta hiện nay về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, đây là vấn nạn đang được Lãnh đạo Đảng và các cơ quan, đoàn thể, nhân dân quan tâm. Việt Nam có số người nhiễm HIV với tỉ lệ cao trên thế giới (đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương, sau các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan). Cứ mỗi năm có khoảng hơn 10 nghìn người bị lây nhiễm HIV/AIDS, đến nay đã có hơn 70 nghìn trường hợp người nhiễm HIV/AIDS tử vong. Trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền và sự tham gia của các Ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với mạng lưới Phòng chống HIV/AIDS được nan rộng khắp toàn quốc đến nay Việt Nam đã có nhiều biện pháp áp dụng hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả là, trong vòng 6 năm trở lại đây, chúng ta đã kiểm soát được dịch HIV trong cộng đồng dân cư trên cả 3 phương diện: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên thế giới. 
            Với mục tiêu
thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về công tác phòng, chống HIV/AIDS; Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thân thiện đến mọi người dân. Bộ Y tế đã tổ chức tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 với chủ đề và khẩu hiệu là:Chủ đề của Chiến dịch Phòng, chống AIDS do Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) phát động nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12) cho giai đoạn 2011-2015 là “ Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tuy nhiên năm 2014, Việt Nam sẽ tập trung vào chủ đề Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, với nội dung chủ yếu là truyền thông vận động thay đổi hành vi nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS (Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2014!  Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS! Hãy chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc người nhiễm HIV để giúp họ tiếp tục sống khỏe, sống có ích! Giúp người nhiễm HIV có việc làm là cách chăm sóc, hỗ trợ bền vững nhất! Hãy hành động vì mục tiêu: Không còn người nhiễm mới HIV! Hãy dùng riêng bơm kim tiêm sạch để phòng tránh lây nhiễm HIV! Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để phòng tránh lây nhiễm HIV! Hãy xét nghiệm HIV sớm để bảo vệ chính mình và người thân! Phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn!  Phụ nữ mang thai cần đi tư vấn và xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS là quyền của mọi người dân! Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS là góp phần phòng, chống HIV/AIDS! Thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người! Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho mọi người dân!  Người nghiện ma túy hãy đến các cơ sở điều trị Methadone đăng ký và điều trị để dự phòng lây nhiễm HIV!  Người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế là để bảo vệ sức khỏe, kinh tế cho bạn và người thân!  Không tự kỳ thị và phân biệt đối xử khi bị nhiễm HIV! Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014!
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Tầm nhìn “Ba không” đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố chính thức tại Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6/2011.
 
Chị Trần Thị Minh Thương (người nhiễm HIV)
            Tại Lễ mít tinh, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã phát biểu và thể hiện sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đưa ra những quyết định cần thiết để thực hiện các vấn đề ưu tiên trong Chiến lược đầu tư và hành động thiết trong thực hiện các mục tiêu về chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS.
 
Các vị lãnh đạo lên tặng quà động viên người nhiễm HIV
Thay mặt những người nhiễm HIV, chị Trần Thị Minh Thương (43 tuổi) đã phát biểu tại buổi lế, chị đã chia sẻ những nỗi đau, khó khăn mà chị phải trải qua hơn chục năm và chị mong muốn nhắn gửi tới gia đình, cộng đồng, xã hội hãy cởi mở, hãy hỗ trợ và coi người nhiễm HIV như những con người bình thường mắc bệnh và cần được chăm sóc, hỗ trợ, điều trị. Họ đã vươn lên, không còn kỳ thị bản thân mình và mong muốn gia đình, cộng đồng và xã hội không còn kỳ thị và phân biệt đối xử để những người bệnh có thể sống khỏe mạnh và có ích hơn nữa cho gia đình, cộng đồng và xã hội. 
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu hưởng ứng 
Để khẩu hiệu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” trở thành hành động thiết thực, phát biểu tại Lễ mít tinh, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị: Thứ nhất, Lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả mọi người, đặc biệt quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương, người dân sống vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
 
Các vị Lãnh đạo đi bộ diễu hành hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
Thứ hai, các gia đình và các tổ chức xã hội cần tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIVAIDS. Đồng thời người nhiễm HIV/AIDS cần tăng cường trách nhiệm của mình với gia đình, xã hội. Tạo điều kiện cho mọi người dân và đưa người nhiễm HIV phải trở thành một chủ thể tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ ba, tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người.
Thứ tư, cần tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta nói chung và ở thành phố Hà Nội nói riêng.
Để Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 được na tỏa rộng rãi, Bộ Y tế đã Tổ chức Lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng như là một thông điệp mạnh mẽ để một lần nữa khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam, của Lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân về mục tiêu “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” mà chúng ta đang hướng tới. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Thu Hương - Mai Nga
Tìm kiếm