CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

29/10/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
(BVPL) - Chiều 27/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, dự luật sau khi chỉnh lý sẽ có 6 chương và 101 điều...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
 

(BVPL) - Chiều 27/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Theo đó, dự luật sau khi chỉnh lý sẽ có 6 chương và 101 điều.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân

Báo cáo nêu, theo quy định hiện hành, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một số hoạt động xác minh, điều tra như: lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng một số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như: bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang; gia hạn tạm giữ, thu giữ, tạm giữ các đồ vật, tài liệu... Kết quả giám sát thời gian qua cho thấy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã xảy ra những trường hợp bức cung, dùng nhục hình dẫn đến chết người, oan, sai; bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Những hoạt động này được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, vì vậy nếu chỉ quy định VKSND thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của VKS, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Vì vậy, theo UBTVQH cần giao VKS được thực hiện quyền ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử  vụ án hình sự. Cùng với đó, VKS còn trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà VKS đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

Bên cạnh đó, tiếp tục giữ quy định hiện hành về thẩm quyền của VKSND trong việc khởi tố như: yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra; VKSND chỉ trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định nhằm chống bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Đồng thời, VKSND trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra “trong trường hợp để bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu nhưng không được khắc phục”. Còn VKSND tiến hành những hoạt động điều tra và trong những trường hợp cụ thể nào sẽ do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

Để bảo đảm kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc thống nhất lãnh đạo trong tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát, phát huy trí tuệ tập thể trong việc quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát, nhất là chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong những vụ án lớn, phức tạp. Kế thừa và phát huy tác dụng tích cực này của chế định Ủy ban kiểm sát trong thực tiễn hơn 10 năm qua, cần thiết phải tiếp tục quy định Ủy ban kiểm sát có vai trò quyết định các vấn đề quan trọng, cho ý kiến đối với một số vụ, việc trước khi Viện trưởng VKSND tối cao quyết định, vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ vai trò của Ủy ban kiểm sát như dự thảo Luật.

UBTVQH cũng  nhận thấy, vai trò quan trọng của Ủy ban kiểm sát, nên việc tổ chức Ủy ban kiểm sát ở 03 cấp VKSND như dự thảo Luật. Vì việc tổ chức Ủy ban kiểm sát ở VKSNDTC, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh rất cần thiết vì đây là những cấp VKSND có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của VKSND cấp mình và VKSND cấp dưới, trực tiếp giải quyết những vụ, việc lớn, phức tạp.

Ngoài các vấn đề nêu trên, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, UBTVQH còn chỉnh lý các điều khoản khác về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong các công tác thực hiện chức năng, tương trợ tư pháp, thống kê tội phạm, nhiệm vụ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Hội đồng tuyển chọn, thi tuyển Kiểm sát viên và các điều khoản khác để bảo đảm nội dung và kỹ thuật văn bản.

Đức Thắng
Tìm kiếm