Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân Tối cao soạn thảo tiếp tục khẳng định nước ta sẽ đi theo mô hình tố tụng pha trộn giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Đặc biệt, đề án đã thể hiện nhiều điểm tiến bộ về vai trò, hoạt động của tòa, Viện kiểm sát, luật sư…
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị xây dựng mô hình tố tụng hình sự pha trộn theo hướng tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn hiện hành, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam...
Cải cách tư pháp theo mô hình tố tụng nào?
(Trang tin điện tử VKSND tối cao, trân trọng giới thiệu bài viết của
Tiến sỹ Nguyễn Duy Hưng - Đại học Thủ Dầu Một - Bình Dương, về vấn đề này)
Một phiên tòa hình sự tại Tòa án nhân dân TP. HCM
Đề án mô hình tố tụng hình sự Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân Tối cao soạn thảo tiếp tục khẳng định nước ta sẽ đi theo mô hình tố tụng pha trộn giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng. Đặc biệt, đề án đã thể hiện nhiều điểm tiến bộ về vai trò, hoạt động của tòa, Viện kiểm sát, luật sư…
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị xây dựng mô hình tố tụng hình sự pha trộn theo hướng tiếp tục duy trì những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn hiện hành, tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Cụ thể là phân vai các chủ thể tố tụng gắn với sự phân chia các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự. Theo đó, chủ thể gồm chủ thể buộc tội, chủ thể bào chữa, tòa án và những chủ thể tố tụng khác.Tòa không có trách nhiệm chứng minh tội phạm.
Đề án đề cao nguyên tắc tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, không buộc tội bị cáo, không có trách nhiệm chứng minh tội phạm. Bất cứ thẩm quyền nào của tòa án mâu thuẫn với chức năng xét xử, ảnh hưởng đến tính khách quan của tòa đều phải bị loại bỏ. Chẳng hạn, loại bỏ những nhiệm vụ, thẩm quyền của tòa không thuộc chức năng xét xử như trách nhiệm chứng minh tội phạm, khởi tố vụ án, tiếp tục xử khi Viện kiểm sát đã rút quyết định truy tố, xử vượt quá giới hạn truy tố...
Đề án nhấn mạnh phải tạo lập cơ chế để bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, đề cao vai trò của người bào chữa trong hoạt động tố tụng. Khi xét xử, nếu nhận thấy có đủ chứng cứ và các yếu tố cấu thành tội phạm thì tòa áp dụng trách nhiệm hình sự; nếu không đủ chứng cứ thì tòa tuyên bị cáo vô tội.
Cạnh đó, đề án đề cập tới việc đổi mới vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tố tụng và trình tự xét xử tại phiên tòa theo hướng việc xét hỏi chính thuộc về kiểm sát viên và người bào chữa. Kiểm sát viên hỏi về các tình tiết chứng minh việc buộc tội, luật sư hỏi về các tình tiết gỡ tội. Trình tự xét hỏi theo thứ tự kiểm sát viên hỏi trước, tiếp đến là người bào chữa và hội đồng xét xử nếu thấy cần thiết để kiểm tra chứng cứ buộc tội, gỡ tội...
Mở rộng quyền của nghi can, người bào chữa
Đề án cũng đề xuất mở rộng phạm vi của người bị tạm giữ, bị can; quyền được có thời gian chuẩn bị bài bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; quyền được thu thập chứng cứ chứng minh, được chất vấn đối chất người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn tố tụng; quyền được nghiên cứu sao chụp toàn bộ hồ sơ vụ án; quyền không bị buộc phải làm chứng chống lại mình…
Theo đề án, phải thay đổi quan niệm về chứng cứ và quyền được thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo và người bào chữa của họ thay vì chỉ giới hạn ở quyền đưa ra tài liệu đồ vật, yêu cầu như pháp luật hiện hành. Nếu có khó khăn trong việc thu thập thì tòa và VKS phải hỗ trợ. Ngoài ra, trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo đề án cũng mở rộng hơn so với hiện nay.
Song song đó, các cơ quan tố tụng cũng phải đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận và tham gia bào chữa. Giấy chứng nhận được cấp một lần và có giá trị trong suốt quá trình điều tra truy tố, xét xử, nếu có thay đổi người bào chữa thì hồ sơ vụ án đang ở cơ quan nào, cơ quan đó có trách nhiệm cấp lại giấy chứng nhận...
Tăng thẩm quyền của Viện kiểm sát với hoạt động điều tra
Một điều quan trọng mà đề án đề cập là vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Đề án đề nghị điều chỉnh một số nội dung như Viện kiểm sát phải nắm bắt và quản lý đầy đủ, kịp thời các thông tin về tội phạm. Trường hợp cơ quan điều tra tiếp nhận tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố do các cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp phải kịp thời báo cho Viện kiểm sát. Nếu thấy cần thiết Viện kiểm sát trực tiếp xác minh tố giác, tin báo tội phạm. Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái luật của cơ quan điều tra. Mọi quyết định và yêu cầu tố tụng của Viện kiểm sát có giá trị bắt buộc điều tra phải chấp hành, nếu không đồng ý vẫn phải chấp hành nhưng kiến nghị Viện kiểm sát cấp trên xem xét. Bổ sung quy chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, điều ra viên trong việc thực hiện các quyết định, yêu cầu tố tụng của Viện kiểm sát, kiểm sát viên…
Các biện pháp điều tra trinh sát thực hiện trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trực tiếp ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của công dân, quyền lợi hợp pháp của tổ chức (nghe lén, mở bưu kiện...) chỉ được làm sau khi có phê chuẩn của Viện kiểm sát...
Nâng cao tranh tụng tại tòa để đảm bảo dân chủ
Trong phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ngày 22-12-2011, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đa số các thành viên đã đồng ý với mô hình tố tụng pha trộn như đề án đề xuất. Theo đó, việc đảm bảo dân chủ phải nâng cao tranh tụng tại tòa nâng cao vai trò chất lượng của hội thẩm nhân dân, luật sư.
Trước đó, tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho đề án do Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức ngày 16-12-2011, hầu hết các ý kiến cũng tán thành mô hình tố tụng pha trộn như trên. Tuy nhiên, ở một số vấn đề cụ thể cũng còn có những ý kiến khác nhau. Chẳng hạn về trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử tại phiên tòa của Kiểm sát viên giữ quyền công tố; việc mở rộng đối tượng tham gia bào chữa.
Bốn mô hình tố tụng
Bốn kiểu tố tụng hình sự cơ bản từng tồn tại và phát triển trong những thời đại khác nhau:
Kiểu tố tụng tố cáo hình thành từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phát triển cực thịnh trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến. Nét đặc trưng nhất là công nhận vị trí đặc biệt của người buộc tội (thường là người bị tội phạm xâm hại). Hệ thống chứng cứ phổ biến trong kiểu tố tụng tố cáo mang tính mê tín dị đoan, định kiến và thể hiện quan điểm tôn giáo…
Kiểu tố tụng thẩm vấn xuất hiện từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phát triển phổ biến trong chế độ quân chủ, chấm dứt sự tồn tại nguyên trạng từ đầu thế kỷ XIX... Ở mô hình này, Nhà nước chủ động và kiểm soát chặt chẽ tội phạm nhưng hạn chế là bị cáo không được coi là chủ thể mà là đối tượng truy cứu của tố tụng. Việc bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo là một khái niệm hoàn toàn xa lạ.
Kiểu tố tụng tranh tụng được hình thành từ tố tụng tố cáo và xuất hiện đầu tiên ở nước Anh vào khoảng thế kỷ X-XIII, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc... Kiểu tố tụng này luôn bảo vệ, đề cao quyền con người nhưng hạn chế là nhà nước kiểm soát tội phạm không hiệu quả bằng mô hình tố tụng thẩm vấn.
Kiểu tố tụng pha trộn là hình thức tố tụng hỗn hợp giữa tố tụng thẩm vấn trong giai đoạn trước khi xét xử và tố tụng tranh tụng tại phiên tòa. Đặt nền móng pháp lý cho kiểu tố tụng này là Bộ luật Tố tụng hình sự của Pháp năm 1808. Sau đó được phát triển mạnh ở nhiều nước châu Âu lục địa (Đức, Ý, Áo, Bỉ, Nga…).
Hình thức tố tụng pha trộn là một hình thức tố tụng công bằng, văn minh nếu giữ được sự cân bằng các yếu tố ưu việt của tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng.
(Thái Hưng đưa tin)