CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TIẾN TỚI HỘI NGHỊ TOÀN NGÀNH KIỂM SÁT TỔNG KẾT THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002 VÀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003

03/12/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiểm sát) - Thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp” trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động tổng kết thi hành, nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND),...
TIẾN TỚI HỘI NGHỊ TOÀN NGÀNH KIỂM SÁT TỔNG KẾT THI HÀNH
LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002
VÀ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003
(Kiểm sát) - Thực hiện một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp” trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiều hoạt động tổng kết thi hành, nghiên cứu, xây dựng các văn bản  pháp luật có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND),... 
- Đã triển khai tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011) tại 63 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao. Riêng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đã triển khai tổng kết thực tiễn thi hành Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002 trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
- Tiến hành khảo sát thực tiễn thi hành các Luật, Pháp lệnh tại 07 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước (Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Huế, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
- Rà soát các văn bản pháp luật, các điều ước quốc tế liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi)…
- Tổ chức Hội nghị toàn ngành Kiểm sát tổng kết thực tiễn thi hành các Luật, Pháp lệnh; dự kiến Hội nghị tổng kết thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và BLTTHS năm 2003 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội vào 02 ngày đầu tháng 12/2012. Hội nghị lần này sẽ có sự tham dự của đầy đủ các đại biểu đại diện tất cả các đơn vị, VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp. Cùng với nội dung tổng kết thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và BLTTHS năm 2003, Hội nghị sẽ thảo luận về định hướng và những nội dung chủ yếu về sửa đổi, bổ sung 02 văn bản pháp luật quan trọng này.
Một là, về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002:
- Việc lồng ghép Luật Tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự vào Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), cần làm rõ tên gọi của Luật mới.
- Về tổ chức bộ máy, phạm vi hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp kiểm sát nhất là Viện kiểm sát cấp khu vực và Viện kiểm sát cấp cao là cơ cấu mới hình thành.
- Về các chức danh tư pháp, có cần bổ sung thêm chức danh mới không? Làm rõ nhiệm vụ, tiêu chuẩn của mỗi chức danh, cơ cấu tỷ lệ ở mỗi cấp kiểm sát. Mối quan hệ giữa các chức danh tư pháp trong Ngành với nhau và với các cơ quan tư pháp khác để bảo đảm tính độc lập của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên khi thực thi công vụ.
- Cần làm rõ nội dung, phạm vi chức năng thực hành quyền công tố, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong các giai đoạn điều tra, truy tố vàxét xử để tạo cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra và tăng cường tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
- Cần làm rõ nội dung, phạm vi chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp để Viện kiểm sát thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan phát hiện, yêu cầu xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp, có quyền xử lý vi phạm trong những trường hợp pháp luật quy định. Cần có cơ chế bảo đảm các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc.
- Cần làm rõ nội dung nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát để xác định hợp lý mối quan hệ giữa các cấp kiểm sát; giải quyết một cách khoa học việc thực hiện nguyên tắc với việc tăng quyền hạn và trách nhiệm cho Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng.
- Về cơ chế bảo đảm tính độc lập của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
- Xác định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm thực hiện quyền giám sát của các cơ quan dân cử.
- Đổi mới tổ chức các cấp Viện kiểm sát trên cơ sở thẩm quyền của từng cấp, đặc biệt về cơ cấu tổ chức của những VKSND khu vực được tổ chức ở nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhằm bảo đảm thực hiện tốt các lĩnh vực công tác thuộc thẩm quyền của VKSND khu vực.
- Tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng cấp kiểm sát nói riêng, của Viện kiểm sát nói chung.
- Các điều kiện bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải tương xứng với đặc thù công tác của Ngành, đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực, vật lực cho Viện kiểm sát trong giai đoạn mới.
Hai là, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự cần tập trung vào một số định hướng cơ bản sau đây:
- Phân định chính xác quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tố tụng cho phù hợp với việc phân chia các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự.
- Thiết kế lại hệ thống thẩm quyền tố tụng cho phù hợp với việc đổi mới hệ thống tổ chức các cơ quan tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, đồng thời, phân định hợp lý thẩm quyền giữa các cấp tố tụng.
- Nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý hành chính trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
- Quy định chặt chẽ căn cứ và điều kiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phát huy hiệu quả các biện pháp này trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc phục việc lạm dụng biện pháp tạm giam trong thực tiễn.
- Đổi mới chế định chứng cứ cho phù hợp với tình hình mới.
- Đổi mới căn bản trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng.
- Đổi mới thủ tục giám đốc thẩm để đưa thủ tục này trở về vị trí là thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự.
- Đổi mới các thủ tục tố tụng để đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án hình sự, thực hiện nguyên tắc kịp thời, chính xác và tiết kiệm trong hoạt động tư pháp.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; góp phần vào việc xây dựng Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS (sửa đổi), ngày 31/10/2012, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó  Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công táctuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị: Viện Khoa học kiểm sát, Văn phòng VKSND tối cao, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật để chỉ đạo về kế hoạch và nội dung trọng tâm tuyên truyền sự kiện này. Kết quả của Hội nghị cũng như các nội dung cụ thể khác sẽ được Tạp chí Kiểm sát thông tin kịp thời, đầy đủ trên các số tạp chí và trên website Kiểm sát online. Trân trọng giới thiệu và kính mời quý vị, bạn đọc chú ý theo dõi và mong nhận được các bài viết, ý kiến đóng góp của quý vị và các bạn./.
Nguồn: Kiểm sát Online
Tìm kiếm