CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

11/08/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 13 diễn ra vào sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).

 UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

 
(Chinhphu.vn) - Tại phiên họp thứ 13 diễn ra vào sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật
Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Lý giải về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung về dự án Luật, Tờ trình của Chính phủ cho biết, Luật LLTP được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010.
Qua tổng kết thực tiễn 6 năm thi hành, có thể khẳng định Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở những kết quả nổi bật là: Công tác cấp phiếu LLTP đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng của phiếu LLTP trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
Luật LLTP đã tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP làm cơ sở cho việc cấp phiếu LLTP được thuận lợi; đưa công tác quản lý Nhà nước về LLTP ngày càng hiệu quả ở cả Trung ương và địa phương; tổ chức cán bộ làm công tác LLTP tại Bộ Tư pháp và các sở tư pháp đã được quan tâm kiện toàn, nâng cao năng lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với công tác LLTP trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được như đã nêu trên, công tác LLTP vẫn còn một số hạn chế: Do được ban hành từ năm 2009 nên một số quy định của Luật LLTP chưa phản ánh được những nội dung mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, nhiều văn bản luật mới được ban hành như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Phí, lệ phí năm 2015… đã làm cho một số quy định của Luật LLTP không còn phù hợp. Đặc biệt là quy định của Luật LLTP chưa bảo đảm thực hiện chế định về đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Quy định của Luật LLTP liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu LLTP còn hạn chế. Quy định của Luật LLTP hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
“Để thực hiện Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm đồng bộ, thống nhất các luật được ban hành gần đây, đồng thời đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong công tác LLTP, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP là cần thiết”, Tờ trình nêu quan điểm.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, nhìn chung, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đầy đủ các thủ tục theo luật định, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng kết việc thi hành Luật, đánh giá tác động của dự thảo Luật, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong lĩnh vực pháp luật về lý lịch tư pháp. Đồng thời đã tổng hợp và tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đối với dự án Luật theo quy định. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hơn. Mặc dù số lượng điều luật được sửa đổi, bổ sung không nhiều, nhưng nội dung có sự thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng (chủ thể) được điều chỉnh của Luật.
Do vậy, đối với từng phương án sửa đổi cụ thể, báo cáo đánh giá tác động cần đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn. Ví dụ, về phương án bỏ quy định phiếu LLTP số 2, báo cáo mới đánh giá đối với nhóm đối tượng có án tích (chiếm tỷ lệ nhỏ) mà chưa đánh giá được tác động tiêu cực, tích cực của phương án này đối với các nhóm đối tượng không có án tích (chiếm tỷ lệ lớn).
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ dự án Luật đến cơ quan thẩm tra còn chậm theo quy định tại khoản 2 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng thẩm tra.
Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật lập pháp theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung phân tích về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; các vấn đề cụ thể về cấp phiếu LLTP; Cơ sở dữ liệu LLTP quốc gia; về nhiệm vụ của Trung tâm LLTP quốc gia, sở tư pháp và nhiệm vụ của các cơ quan cung cấp thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP;...
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, qua các ý kiến phát biểu, dự án Luật cần tiếp tục được xin ý kiến các nội dung sửa đổi để hoàn thiện vì còn có nhiều vấn đề, nội dung có ý kiến khác nhau, sau đó báo cáo UBTVQH trong phiên họp tới.
* Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của thẩm phán TAND theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của thẩm phán TAND trên phạm vi cả nước.
Nguyễn Hoàng
 
Tìm kiếm