Ngày 14-8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì. Dự Phiên họp có các đồng chí ủy viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan khác...
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi)
Ngày 14-8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì. Dự Phiên họp có các đồng chí ủy viên của Ủy ban Pháp luật, đại diện các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số cơ quan khác.
Toàn cảnh phiên họp
Ủy ban Pháp luật đã nghe Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Theo đó, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, Chính phủ đã giao cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, rà soát các quy định pháp luật, khảo sát ở một số địa phương, đối chiếu với kết quả tổng kết thi hành luật để chỉnh lý dự thảo Luật. Trong tháng 7-2017, Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã có báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý dự thảo Luật, tăng thêm 12 điều so với dự thảo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.
Tại Phiên họp, nhiều ý kiến đã góp ý, sửa đổi nhiều quy định của Luật tố cáo (sửa đổi), trong đó tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả đối với cán bộ, công chức, viên chức đã về hưu, chuyển công tác nhằm bảo đảm không bỏ lọt hành vi vi phạm…
Về hình thức tố cáo, đa số ý kiến đề nghị quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các loại hình thức khác, trong đó có thư điện tử, fax, điện thoại… Các hình thức này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định, đồng thời, cần quy định chặt chẽ về điều kiện tố cáo đối với thư điện tử, fax, điện thoại để việc kiểm tra, xác minh họ tên, địa chỉ của người tố cáo được minh bạch, thuận lợi.
Các ý kiến đều nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc không thụ lý giải quyết đơn tố cáo nặc danh, tố cáo mạo danh. Tuy nhiên, trong trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh có nội dung, thông tin rõ ràng về vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì cần tiếp nhận xem xét để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.
Một số ý kiến đề nghị không quy định về việc rút tố cáo, vì người tố cáo không thể tùy tiện trong việc tố cáo cũng như rút tố cáo; bên cạnh đó, việc xem xét, xác minh nội dung tố cáo đúng hay sai không thuộc trách nhiệm của người tố cáo; hơn nữa, người đó có rút đơn tố cáo hay không thì cũng không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Một số ý kiến khác đề nghị vẫn quy định cho người tố cáo có quyền rút đơn, nhưng nếu hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện, xử lý thì vẫn phải xem xét, giải quyết nội dung tố cáo.
Ngoài những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, nhất là trách nhiệm giữ gìn bí mật thông tin, không lợi dụng tố cáo để bôi nhọ, trù dập người khác; quy định chặt chẽ các biện pháp bảo vệ người tố cáo; quy định trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết tố cáo; bỏ quy định về khen thưởng trong Luật tố cáo (sửa đổi).
Phương Thảo