Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, chiều 2/11, ngay sau khi báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã trao đổi với các phóng viên báo chí về một số nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TRẦN QUỐC VƯỢNG: KIỂM SÁT VIÊN LÀ TRUNG TÂM TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM SÁT
Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, chiều 2/11, ngay sau khi báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đã trao đổi với các phóng viên báo chí về một số nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của cán bộ kiểm sát trong việc để xảy ra các vụ án oan sai, Viện trưởng Trần Quốc Vượng cho biết: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đặt chỉ tiêu cho Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố, bất cứ nơi nào để xảy ra trường hợp bị oan thì năm đó sẽ không có danh hiệu thi đua. Thực ra, làm hàng vạn vụ án thì sai sót là khó tránh, nhưng nếu để xảy ra sai sót về mặt tư pháp thì sẽ gây nên những tác hại lớn. Vì vậy, mỗi cán bộ kiểm sát phải quyết tâm không để xảy ra trường hợp hàm oan người vô tội. Muốn vậy, bản thân các cán bộ kiểm sát phải tăng cường trách nhiệm, luôn tâm niệm việc làm của mình phải đảm bảo đúng pháp luật, có chứng cứ; không được chủ quan, vô trách nhiệm. Đồng thời, mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải tích cực trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong quá trình giải quyết các vụ án. Trường hợp để xảy ra tình trạng oan sai, hoặc nếu kiểm sát viên vi phạm pháp luật thì phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Về trường hợp một số kiểm sát viên không nắm rõ hồ sơ, lúng túng trong việc bảo vệ cáo trạng khi tranh tụng trước tòa, nhất là đối với các vụ án Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuyển hồ sơ xuống Viện Kiểm sát cấp dưới giữ quyền công tố, ông Trần Quốc Vượng cho biết, để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Viện kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng biện pháp: tất cả các vụ án từ cấp Trung ương đưa xuống cấp dưới (Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố), ví dụ như vụ án Thiên Lợi Hòa ở Lào Cai thì ngay từ khi gần kết thúc giai đoạn điều tra, chúng tôi đều yêu cầu Viện kiểm sát và Tòa án cấp dưới lên nghiên cứu hồ sơ. Còn về lâu dài, để giải quyết cơ bản vấn đề này, giữa hai ngành Công an và Kiểm sát phải tính đến chuyện phân cấp điều tra, theo hướng tăng cường thẩm quyền cho cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, còn cơ quan Trung ương thì chỉ nên làm những vụ án thật đặc biệt mà cấp dưới không làm được. Đối với một vài vụ án khi xét xử, kiểm sát viên rơi vào tình trạng đuối lý khi đối đáp với các luật sư, để khắc phục tình trạng này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chỉ đạo mỗi phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phải xây dựng một phiên tòa kiểu mẫu để tổ chức rút kinh nghiệm. “Kiểm sát viên là trung tâm trong hoạt động kiểm sát; mỗi hành động của kiểm sát viên trước tòa không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân kiểm sát viên đó mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành kiểm sát'', ông Vượng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giải quyết một số vụ án tham nhũng gần đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng nêu rõ: điều tra, xét xử phải trên cơ sở pháp luật, dựa vào các chứng cứ. Tất cả thông tin trên báo chí và tố giác của nhân dân chỉ là một nguồn tin để tham khảo, còn kết quả như thế nào phải phụ thuộc vào quá trình điều tra. Hơn nữa, điều tra là việc xem xét lại những vấn đề trong quá khứ, mà mỗi người khi đã vi phạm pháp luật thường có những hành vi che giấu và hợp pháp hóa hồ sơ, chứng cứ, gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra. Tuy nhiên quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta là không có vùng cấm, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý. Liên quan đến 8 vụ án trọng điểm có chỉ đạo của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng cho biết: trong các vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển hồ sơ một số vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp dưới (tỉnh, thành phố) để chuẩn bị xét xử theo quy định. Cụ thể như: vụ án Nguyễn Lâm Thái đã chuyển xuống Đồng Nai; vụ Lương Cao Khải đã chuyển xuống Bà Rịa – Vũng Tàu, dự kiến sẽ xét xử đầu tháng 11/2007; vụ Thiên Lợi Hòa đã chuyển về tỉnh Lào Cai để xét xử vào tháng 12; vụ điện kế - điện tử đã chuyển vào TP.Hồ Chí Minh để xét xử khoảng cuối năm 2007. Tuy nhiên, do hồ sơ các vụ án này đều do các cơ quan Trung ương làm, vì vậy để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội cần phải có thời gian nghiên cứu, tránh bỏ lọt tội phạm và hàm oan người vô tội./. 2
(Theo báo điện tử ĐCSVN)