Quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ được quy định tại khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS): “Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát...
Quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ được quy định tại khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS): “Khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
“…
3. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc; yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này.”
Điều này cũng được khẳng định tại Điều 22 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành quy định của BLTTDS.
Từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình của VKSND hai cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều bản án, quyết định bị TAND cấp trên tuyên hủy, sửa; tác giả nêu lên 01 ví dụ cụ thể về thiếu sót của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đã không kịp thời phát hiện được các vi phạm của Tòa án, chưa thực hiện đầy đủ quyền năng của mình trong việc thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp chia thừa kế giữa nguyên đơn là anh Đỗ Quang V, bị đơn là bà Ngô Thị T:
- Năm 1985, ông Đỗ Quang D kết hôn với bà Nguyễn Thị K và hai người có 01 con chung là anh Đỗ Quang V. Năm 2007, ông D và bà K ly hôn. Khi ly hôn, ông D, bà K tự thỏa thuận về phần tài sản chung, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Ngày 15/10/2010, ông D kết hôn với bà Ngô Thị T. Sau khi kết hôn, ông D, bà T chung sống tại nhà đất số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội. Ông, bà không có con chung.
- Năm 2012, ông D chết không để lại di chúc. Bà T là người quản lý và sử dụng nhà đất trên từ đó cho đến nay, nhà đất này là di sản thừa kế do ông D để lại. Anh V nhiều lần đề nghị bà T giải quyết về việc chia di sản thừa kế nhưng không thống nhất được. Do vậy, ngày 21/7/2015, anh V khởi kiện yêu cầu TAND quận H giải quyết.
Ngày 16/01/2018, Toà án nhân dân quận H xét xử và tuyên:
* Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đỗ Quang V đối với Bà Ngô Thị T về yêu cầu chia thừa kế di sản của ông Đỗ Quang D tại địa chỉ số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội theo pháp luật
- Xác định nhà đất tại số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Đỗ Quang D và bà Nguyễn Thị K, mỗi người được ½ giá trị nhà đất. Tổng diện tích đất là 25.88m2, tương ứng với số tiền 329.497.000 đồng
- Xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông D gồm bà Ngô Thị T, anh Đỗ Quang V, ông D chết không để lại di chúc, Do vậy, phần di sản của ông D được chia làm 02 kỷ phần, mỗi kỷ phần được 164.748.500 đồng
- Xác định phần tài sản của bà Nguyễn Thị K tại nhà đất số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội là 329.497.000 đồng, ghi nhận việc bà K tặng phần tài sản của mình cho anh Đỗ Quang V nên cộng vào kỷ phần của anh V 164.748.500 đồng + 329.497.000 đồng = 494.245.000 đồng. Giao cho anh Đỗ Quang V được quyền quản lý, sở hữu, sử dụng, định đoạt toàn bộ diện tích nhà đất tại số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội. Anh V có trách nhiệm thanh toán lại cho bà Ngô Thị T số tiền 164.748.500 đồng. Bà T có trách nhiệm bàn giao lại nhà đất cho anh V. Bà Ngô Thị T được quyền lưu cư tại nhà đất số 8 ngõ 219/26 phường V, quận H, Hà Nội trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật, bà T tự đi tìm chỗ ở khác
Do bà Ngô Thị T kháng cáo nên ngày 29/4/2018, TAND thành phố Hà Nội quyết định: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 02/2018/DSST ngày 16/01/2018 của Toà án nhân dân quận H với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết vụ kiện đã không tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ trong hồ sơ công nhận thuận tình ly hôn để xác định tài sản trên có đúng là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Đỗ Quang D và bà Nguyễn Thị K hay không; giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; không thụ lý yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà T nhưng vẫn tiến hành giải quyết ; không tiến hành niêm yết theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 179 BLTTDS năm 2015. Ngoài ra, vụ án thụ lý giải quyết từ 04/01/2016 nhưng TAND quận H áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án để tính án phí cho các đương sự là không đúng.
Thông qua ví dụ cụ thể trên, có thể thấy việc đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ đối với Tòa án là nhiệm vụ trọng tâm, bắt buộc của Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự. Để văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong từng vụ án được chính xác, có căn cứ thuyết phục nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả và vị thế của Viện kiểm sát trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết án dân sự, Kiểm sát viên cần lưu ý những điều cần tránh sau đây:
1. Không được đề ra yêu cầu một cách chung chung, dài dòng, không có nội dung cụ thể, rõ ràng.
2. Không được đề ra yêu cầu với những câu từ chỉ đạo cho Tòa án, những yêu cầu có tính chất áp đặt ý chí của Kiểm sát viên vào việc nhận thức của vụ án.
3.Không được đề ra yêu cầu để làm cho nội dung vụ án càng phức tạp hơn, không liên quan đến giải quyết trong vụ án, không làm rõ thêm vấn đề gì...
4. Khi phát hiện hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn thì Kiểm sát viên cần phải nêu rõ các mâu thuẫn cụ thể trong hồ sơ vụ án, tuyệt đối Kiểm sát viên không đề ra câu: Yêu cầu thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật.
5. Không yêu cầu những vấn đề mà biết rằng Tòa án không thể làm được, không thể làm tiếp.
Một số biện pháp tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình:
Thứ nhất, về mặt nhận thức, Kiểm sát viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của mình. Khi nhận hồ sơ, Kiểm sát viên phải lập hồ sơ kiểm sát và có phương pháp nghiên cứu khoa học, hợp lý để tổng hợp, phân tích, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án một cách toàn diện, khách quan và phải xác định được các vấn đề: Yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến cũng như yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; lời khai của người làm chứng, người biết sự việc và những người tham gia tố tụng khác; tài liệu chứng cứ do các bên đương sự cung cấp hay TAND thu thập đã đầy đủ, đúng quy định chưa; lời khai của các đương sự có mâu thuẫn với nhau không... Từ đó so sánh, đối chiếu chứng cứ các bên để xác định chứng cứ nào còn thiếu cần bổ sung.
Thứ hai, khi thực hiện quyền yêu cầu TAND xác minh, thu thập chứng cứ, Kiểm sát viên cần chú ý về thời điểm yêu cầu:
Trước khi mở phiên tòa, phiên họp: Kiểm sát viên gửi văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ cho TAND đang giải quyết vụ việc dân sự. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó.
Tại phiên tòa, phiên họp: Kiểm sát viên yêu cầu TAND xác minh, thu thập chứng cứ phải nêu rõ chứng cứ cần xác minh, thu thập, lý do cần xác minh, thu thập chứng cứ đó để từ đó đề nghị HĐXX áp dụng điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Trường hợp Tòa án không thực hiện (không thông báo bằng văn bản cho VKSND bằng văn bản và nêu rõ lý do) thì Kiểm sát viên vẫn tham gia phiên tòa và có quyền kiến nghị về hành vi không thu thập tài liệu, chứng cứ của TAND.
Thứ ba, khi thực hiện quyền yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phải đảm bảo 2 yếu tố: Cần và đủ (cần thiết cho việc giải quyết vụ án; đủ để đánh giá chứng cứ). Ngoài ra, còn phải đảm bảo tính khả thi (khả năng thực hiện). Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ nội dung thu thập chứng cứ cũng như thời hạn Tòa án thu thập và gửi các bản sao tài liệu, chứng cứ cho Viện kiểm sát. Thực hiện tốt quyền này giúp cho chất lượng việc ban hành kháng nghị của VKS được nâng lên, đồng thời còn là căn cứ cho việc kháng nghị hủy án trong trường hợp Tòa án không thực hiện yêu cầu của VKS mà không có lý do chính đáng.
Thứ tư, Phiếu yêu cầu xác minh của KSV phải đảm bảo đúng mẫu số 06/DS ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 và phải được lãnh đạo duyệt trước khi ban hành.
Thứ năm, thường xuyên quán triệt cán bộ, Kiểm sát viên học tập và nắm chắc những quy định của pháp luật; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của ngành, các quyền năng của Viện kiểm sát khi thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình.
Thứ sáu, Viện kiểm sát cấp dưới tăng cường trao đổi thông tin, tăng cường thỉnh thị lên Viện kiểm sát cấp trên. Viện kiểm sát cấp trên thường xuyên tổng hợp kịp thời những vướng mắc, khó khăn của Viện kiểm sát cấp dưới để có biện pháp tháo gỡ phù hợp.
Có thể nói, mặc dù lượng án dân sự phải giải quyết ngày càng tăng, biên chế lại giảm, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, song Kiểm sát viên không vì thế mà dễ dàng từ bỏ mà luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng việc học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, góp phần bảo đảm việc giải quyết các vụ, việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật và đặc biệt nâng cao vị thế của Viện kiểm sát kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Hoàng Vĩnh Thảo, Lê Thị Hồng Hạnh - Phòng 9 VKSND thành phố Hà Nội
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)