CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong tố tụng hành chính

21/09/2017
Cỡ chữ:   Tương phản
(Kiemsat.vn) – Kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong tố tụng hành chính lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật TTHC năm 2015. Quy định này đã khắc phục được những khó khăn phát sinh trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát bản án, quyết định, thu thập tài liệu, chứng cứ, xem xét việc kháng nghị của Viện kiểm sát...

 Kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong tố tụng hành chính

 

(Kiemsat.vn) – Kháng nghị phúc thẩm quá hạn trong tố tụng hành chính lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật TTHC năm 2015. Quy định này đã khắc phục được những khó khăn phát sinh trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát bản án, quyết định, thu thập tài liệu, chứng cứ, xem xét việc kháng nghị của Viện kiểm sát.
Khoản 3, Điều 213 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Tuy nhiên, quy định về kháng nghị quá hạn trong Luật TTHC năm 2015 như hiện nay không nêu rõ căn cứ để Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận việc kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát. Quy định này chưa thật sự rõ ràng về cách hiểu, cách áp dụng, sẽ nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình giải quyết vụ án đó là khi Viện kiểm sát đã quyết định kháng nghị quá hạn và giải thích bằng văn bản, nêu rõ lý do theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án sẽ căn cứ vào đâu để chấp nhận hay không chấp nhận việc kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát.
Việc gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn cũng được quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC cũng không quy định rõ việc Viện kiểm sát kháng nghị quá hạn thì Tòa án có chấp nhận hay không mà chỉ quy định thêm so với Luật TTHC năm 2015 về thời hạn gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án cấp sơ thẩm.
Trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định kháng nghị quá hạn đồng thời đã gửi cho Tòa án văn bản nêu rõ lý do và lý do này là lý do khách quan thì Tòa án có chấp nhận hay không chấp nhận việc kháng nghị. Nếu Tòa án chấp nhận thì quy định về kháng nghị quá hạn như hiện nay là hợp lý, nếu Tòa án không chấp nhận kháng nghị thì không cần thiết phải quy định về kháng nghị quá hạn trong Luật TTHC năm 2015.
Thực tiễn công tác kiểm sát thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm thường vi phạm về thời hạn gửi bản án, quyết định giải quyết vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp và vi phạm thời hạn chuyển hồ sơ vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm cho Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét ban hành kháng nghị, đến khi nhận được thì Viện kiểm sát đã không còn thời gian để nghiên cứu, phát hiện, đánh giá vi phạm để ban hành kháng nghị. Như vậy, những vi phạm về thời hạn của Tòa án nêu trên có thể được coi là lý do khách quan cho việc Viện kiểm sát ban hành kháng nghị quá hạn hay không?
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết để phục vụ cho việc kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát có quyền tự mình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc kháng nghị, quyền này được quy định tại Khoản 6, Điều 84 Luật TTHC năm 2015 quy định: “…Trường hợp kháng nghị bản án hoặc quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc kháng nghị”. Đồng thời theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 93 Luật TTHC năm 2015 thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát.
Thực tiễn thực hiện biện pháp này, có nhiều trường hợp đối với những vụ án phức tạp liên quan quản lý đất đai, khi sắp hết thời hạn luật định, cơ quan, tổ chức, cá nhân mới cung cấp được tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát nên khi Viện kiểm sát nhận được tài liệu, chứng cứ thì thời hạn kháng nghị cũng đã hết làm ảnh hưởng đến việc ban hành kháng nghị của Viện kiểm sát. Do đó, nếu Viện kiểm sát kháng nghị quá hạn với lý do đợi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ thì đây có thể được coi là lý do khách quan để được Tòa án chấp nhận việc kháng nghị quá hạn hay không.
Từ những phân tích trên, người viết cho rằng nên bổ sung thêm vào khoản 3 Điều 213 Luật TTHC năm 2015 việc “nếu là lý do khách quan thì Tòa án chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát”. Đồng thời, để thống nhất trong cách áp dụng, cần bổ sung thêm vào Điều 16 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, quy định rõ những trường hợp nào được xem là lý do khách quan, từ đó tạo căn cứ pháp lý cho Tòa án và Viện kiểm sát thống nhất trong áp dụng pháp luật, tạo tính khả thi cho quy định về kháng nghị quá hạn.
Việt Phương
VKSND tỉnh Tiền Giang
 
Tìm kiếm