Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự đối với vụ án Hoàng Anh Tài phạm tội Cố ý gây thương tích, vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số nội dung đối với cấp huyện. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:..
Rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự đối với vụ án Hoàng Anh Tài phạm tội Cố ý gây thương tích, vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân thành phố H ban hành thông báo rút kinh nghiệm một số nội dung đối với cấp huyện. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết:
Khoảng 0 giờ ngày 04/3/2015, Hoàng Anh Tài và anh Nguyễn Văn Du trên đường đi chơi về đến khu vực trước cửa nhà anh Bùi Đức Duy thì Tài dừng lại và đi vệ sinh. Thấy có tiếng động trước cửa nhà mình, Duy ở trong nhà đi ra hỏi Tài lý do Tài đi vệ sinh trước cửa nhà Duy dẫn đến xô xát. Tài nhặt đá ở đường ném vào cửa sắt nhà Duy, Duy chạy vào nhà lấy một chiếc tuýp sắt dài khoảng 60cm ra đuổi và vụt 02 nhát trúng người Tài nhưng được anh Du can ngăn. Tài điều khiển xe mô tô đến nhà anh trai là Hoàng Anh Tiến cách nhà Duy khoảng 700 – 800m, Tài nói với Tiến là vừa bị đánh. Trong lúc Tiến đang thay quần áo, Tài xuống bếp lấy một con dao dắt dao vào người, Tiến và vợ đều không biết. Khi thấy Tài và Tiến đến, anh Duy bỏ chạy vào trong ngõ thì bị Tài, Tiến đuổi theo. Đến cuối ngõ thì Duy bị ngã, Tài cầm dao chém nhiều nhát vào chân, mông Duy gây thương tích.
Kết luận giám định pháp y số 240 ngày 11/6/2015 của Trung tâm pháp y Hải Phòng, Sở y tế thành phố H đã kết luận anh Bùi Đức Duy có 6 vết thương làm giảm 27% sức lao động.
Ngày 01/3/2016 Tòa án nhân dân huyện T, thành phố H đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Áp dụng khoản 2 điều 104; Điểm b, p khoản 1 và khoản 2 (đầu thú) điều 46 BLHS xử phạt bị cáo 42 tháng tù; Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều 42 BLHS; các điều 604; 609 BLDS buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại 31.900.000đ
Ngày 08/3/2016 bị hại anh Bùi Đức Duy kháng cáo với nội dung: Đề nghị cấp phúc thẩm Hủy án sơ thẩm để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Hoàng Anh Tiến; Tăng mức hình phạt đối với Hoàng Anh Tài; Tăng mức bồi thường thiệt hại; đồng thời có đơn gửi một số cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Tuy nhiên thông qua việc giải quyết vụ án, cấp phúc thẩm thấy quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên và cán bộ điều tra Công an huyện T được phân công điều tra vụ án; Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra vụ án còn có một số vi phạm cần thông báo rút kinh nghiệm như sau:
1. Vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm
Vụ việc xảy ra vào ngày 04/03/2015 người bị hại Bùi Đức Duy đã được đưa đi cấp cứu và điều trị thương tích đến ngày 10/3/2015 người bị hại đã xuất viện (điều trị 06 ngày); Ngày 23/3 và 30/3/2015 người bị hại có đơn trình báo và đơn tố cáo nhưng đến ngày 08/6/2015 Cơ quan CSĐT Công an huyện T mới ra quyết định trưng cầu giám định thương tích (sau 02 tháng 28 ngày kể từ ngày bị hại xuất viện).
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ngày 04/3/2015 các đối tượng Hoàng Anh Tài và Hoàng Anh Tiến đã đến Công an xã khai nhận về hành vi của mình được Công an viên tiến hành lấy lời khai nhưng ngay sau đó không được thực hiện các biện pháp điều tra ban đầu như: Xác định hiện trường, truy tìm vật chứng là con dao, tuýp sắt mà các đối tượng đã sử dụng khi phạm tội mà đến ngày 02/5/2015 mới tiến hành truy tìm vật chứng (sau 01 tháng 28 ngày), ngày 10/6/2015 mới tiến hành xác định hiện trường vụ án (sau 03 tháng 6 ngày). Tại biên bản xác định hiện trường không thể hiện hiện trường cụ thể nơi xảy ra có đặc điểm như thế nào, có gạch đá hay không…? Vì đây là chứng cứ quan trọng để xác định dấu vết thương tích của nạn nhân và tài liệu để đấu tranh với các đối tượng cũng như hỏi người bị hại. Kết quả không thu được dao mà Tài dùng chém Duy, không thu được gạch, đá mà theo lời khai của Duy là Tiến dùng gạch để đập vào đầu Duy gây ra thương tích trên trán của Duy.
Kể từ khi tiến hành ghi lời khai ban đầu của Hoàng Anh Tài; Hoàng Công Tiến (ngày 04/3/2015 ) đến ngày 30/4/2015 (sau 01 tháng 26 ngày ) mới tiến hành ghi lời khai lần thứ hai và vào thời điểm này cả Tiến và Tài đã thay đổi hoàn toàn lời khai về hành vi của Tiến. Về việc Tiến và Tài khai khi Tài về đến nhà Tiến, Tài nói vừa bị đánh gãy tay, Tiến đã dùng xe để chở Tài về nhưng cơ quan điều tra cũng không làm rõ nhà Tài ở đâu và có phải đi qua nhà Duy hay không? Vấn đề này cũng không được làm rõ hoặc mục đích của Tiến và Tài quay lại nơi xảy ra xô xát giữa Tài và Duy để làm gì cũng chưa được đề cập tới.
Đối với thương tích trên tay của Hoàng Anh Tiến mặc dù Tiến từ chối giám định nhưng không có tài liệu điều tra mô tả cụ thể về kích thước, hình dạng, chiều hướng cũng như tư thế chém của Tài như thế nào? Khi tiến hành thực nghiệm điều tra bị cáo Hoàng Anh Tài diễn tả lại hành vi chém nhầm vào Tiến và theo bị cáo khai là chém theo hướng “Nghịch tay” nhưng không làm văn bản yêu cầu cơ quan giám định giải thích với tư thế như vậy có thể để lại thương tích như vết thương trên tay của Tiến hay không?
Đối với người làm chứng là anh Nguyễn Văn Du (người làm chứng trực tiếp duy nhất) ban đầu khai nhìn thấy Tiến ôm vật ngã anh Duy xuống đất và dùng gạch đập vào đầu anh Duy. Còn Tài dùng dao chém anh Duy nhưng sau ngày 17/6/2015 anh Du đã thay đổi lời khai nhưng không được làm rõ lý do thay đổi lời khai.
Đối với người bị hại, tại bản tự khai ngày 22/4/2015 và Biên bản ghi lời khai ngày 22/4/2015 người bị hại Bùi Đức Duy trình bầy “Khi tôi chạy đến khu vực cổng nhà bà Nhuận thì vấp ngã, tuýp sắt bị rời khỏi tay, tôi ngã úp mặt xuống đường… Tiến quật tôi ngửa ra ngồi trên bụng dùng gạch đập vào đầu…”. Còn các bieen bản ghi lời khai và bản tự khai khác của anh Duy thì anh Duy khai bị Tiến quật ngã xuống đường và Tiến ngồi lên bụng dùng gạch đập vào đầu … những mâu thuẫn về lời khai này như thương tích trên trán anh Duy là do bị gạch đập hay do anh Duy ngã úp mặt xuống đường gây lên cũng không được làm rõ.
Ngoài ra hồ sơ chưa làm rõ việc Tiến có cầm gạch không, vị trí chạy của Tài, Tiến và Duy; Việc cầm dao của Tài (dao cầm ở tay khi chạy đuổi Duy hay giấu trong người hay kẹp vào nách trái...) cũng như việc Tài rút dao ra khi nào để đánh giá việc tiếp nhận ý chí của Tiến.
Việc thu thập tài liệu và đánh giá chứng cứ trong hồ sơ vụ án.
Tại bản tường trình ban đầu của Hoàng Anh Tiến (ngày 4/3/2015) tại Công an xã đã thừa nhận cùng Tài đuổi Duy vào trong ngõ, ôm Duy để Tài chém, phù hợp với lời khai ban đầu của Tài là Tiến ôm Duy, Tài chém Duy 02 nhát vào chân, phù hợp với lời khai người làm chứng Nguyễn Văn Du là thấy Tiến ôm ghì cổ Duy. Như vậy, nếu căn cứ vào tài liệu ban đầu đã đủ cơ sở kết luận Tiến có dấu hiệu đồng phạm với Tài về tội Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên cùng ngày 04/3/2015, trong 1 biên bản ghi lời khai, Tiến khai Tiến vào can ngăn không cho Tài đánh Duy và bị Tài chém vào tay.
Đối với bị cáo Hoàng Anh Tài: Sau ngày 4/3/2015 và tại phiên tòa bị cáo Tài đã thay đổi lời khai với lý do khi ở Công an xã, bị cáo do được biết là hai bên gia đình sẽ hòa giải nên Công an xã bảo khai như thế nào thì khai như vậy và Tiến do bị Tài chém vào tay và phải tiêm thuốc tê nên tinh thần không tỉnh táo khi làm việc với Công an xã.
Đối với người làm chứng Nguyễn Văn Du: Sau ngày 17/6/2015 và tại phiên tòa anh Nguyễn Văn Du đã thay đổi lời khai theo hướng khi Tài chém anh Duy thì Hoàng Anh Tiến vào can ngăn.
Tuy nhiên việc thay đổi lời khai của bị cáo Hoàng Anh Tài, đối tượng Hoàng Anh Tiến và người làm chứng Nguyễn Văn Du không được cơ quan điều tra, điều tra triệt để, kịp thời dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Thông qua vụ án này thấy Kiểm sát viên đã không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết tin báo, tố giác tội phạm cũng như trong việcthu thập tài liệu và đánh giá chứng cứ, không tiến hành khám nghiệm hiện trường ngay để truy tìm hung khí gây án cũng như việc mô tả hiện trường nơi xảy ra vụ án có đặc điểm như thế nào, không tiến hành kịp thời ghi lời khai các đối tượng gây án để xác định vai trò của từng đối tượng, việc trưng cầu giám định thương tích của người bị hại để kéo dài gây bức xúc. Trong quá trình kiểm sát điều tra vụ án, Kiểm sát viên chưa kịp thời phát hiện và đề ra yêu cầu điều tra. Do đó đã làm ảnh hưởng đến việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo và đối tượng Hoàng Anh Tiến cũng như việc giải quyết khiếu nại của người bị hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Thông qua vụ án này cho thấy trên thực tế đang diễn ra tình trạng, Điều tra viên và cán bộ điều tra chỉ dựa vào lời khai ban đầu mà không tiến hành điều tra triệt để trong việc thu thập tài liệu chứng cứ, Kiểm sát viên không thể hiện quan điểm trong việc đề ra yêu cầu điều tra dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm gặp khó khăn trong việc giải quyết vụ án như sử dụng những tài liệu đó để làm căn cứ buộc tội hoặc để bác bỏ những quan điểm ý kiến, khiếu nại của người bị hại cũng như của các Luật sư.
Từ thực tế trên, yêu cầu đặt ra đối với Kiểm sát viên và lãnh đạo đơn vị là phải nâng cao trách nhiệm của trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử. Cụ thể, ngay từ khi cơ quan điều tra xin phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can Kiểm sát viên đã phải nắm chắc những tài liệu điều tra ban đầu cũng như việc đánh giá đầy đủ, toàn điện quá trình diễn biến vụ án có như vậy mới hạn chế được những vi phạm trong hoạt động điều tra vụ án.
TH