Qua thẩm định Cáo trạng của cấp phòng và Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thấy có một số thiếu sót trong việc xây dựng, ban hành Cáo trạng và ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế rút kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành Cáo trạng
Qua thẩm định Cáo trạng của cấp phòng và Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thấy có một số thiếu sót trong việc xây dựng, ban hành Cáo trạng và ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Tóm tắt nội dung vụ án theo Cáo trạng như sau: Khoảng 12 giờ ngày 14/9/2015, Nguyễn Viết Dũng, sinh năm 1993 đến nhậu tại quán Vườn Xanh với một số người bạn. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, những người nhậu với Dũng về trước, Dũng ở lại vào bàn nhậu của các anh Nguyễn Duy Thừa, Đỗ Cao Bằng, Lê Văn Tài, Đỗ Văn Thẳng (đang nhậu cùng quán) để mời bia. Lê Văn Lợi đang nhậu ở bàn khác cùng quán cũng đến mời bia tại bàn anh Thừa. Tại đây, giữa Dũng và Lợi lời qua tiếng lại nên Dũng cầm ly bia bằng thủy tinh chứa đầy bia ném trúng vào mặt của Lợi, gây thương tích. Kết quả giám định thương tích Lợi bị chấn thương mắt trái gây rách phức tạp mí mắt, đụng dập nhãn cầu, đục thủy tinh thể, bong võng mạc để lại di chứng, ảnh hưởng thị lực, tổn hại 31% sức khỏe.
Ngày 25/01/2016, VKSND cấp huyện ban hành Cáo trạng, áp dụng Điểm a (dùng hung khí nguy hiểm), Điểm b (gây cố tật nhẹ cho nạn nhân) Khoản 1 và Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự để truy tố bị can Nguyễn Viết Dũng về tội “Cố ý gây thương tích”.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Sai sót về tội danh trong trích dẫn căn cứ khởi tố vụ án: Cáo trạng nêu “Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 63/QĐ ngày 15/10/2015 của cơ quan Cảnh sát điều tra huyện… về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự”. Trong vụ án này, bị can phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.
Sai sót trong áp dụng tình tiết định khung tăng nặng: Cáo trạng nhận định “Hành vi của Nguyễn Viết Dũng dùng ly thủy tinh là hung khí nguy hiểm, gây thương tích 31%, làm giảm thị lực mắt trái của anh Lê Văn Lợi, là trường hợp gây cố tật nhẹ cho nạn nhân theo hướng dẫn tại Điểm c, Mục 1 và Điểm a, tiểu mục 2.2, mục 2, phần I Nghị quyết số 02/2013… Vì vậy, hành vi nêu trên của Nguyễn Việt Dũng đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1; Khoản 3 Bộ luật hình sự”.
Theo hướng dẫn tại mục 1 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho nạn nhân để lại trạng thái bất thường, không thể chữa được cho một bộ phận cơ thể của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% khi thuộc một trong các trường hợp…
Như vậy, tình tiết “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chỉ áp dụng khi thương tật của bị hại dưới 11% và thuộc các trường hợp được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong vụ án này, thương tích mà bị can Dũng gây nên cho bị hại là 31% nên không được áp dụng tình tiết “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là tình tiết định khung tăng nặng.
Ngoài ra, Viện kiểm sát chưa làm rõ hành vi tại bàn nhậu, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà Dũng cầm ly thủy tinh ném vào mặt Lợi, hành vi này thể hiện tính chất hung hãn, coi thường pháp luật, xem thường sức khỏe của người khác, để áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” là bỏ lọt tình tiết định khung tăng nặng.
Việc áp dụng căn cứ pháp luật để truy tố bị can: Cáo trạng quyết định “Truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện… để xét xử bị can Nguyễn Viết Dũng về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điểm a, b Khoản 1; Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự” là chưa chính xác, gây hiểu nhầm là bị can bị sẽ bị truy tố để xét xử theo hai khoản của Điều 104 Bộ luật hình sự. Trong vụ án này, bị can phạm vào các tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự đã được đưa vào phần nhận định, đánh giá áp dụng pháp luật sau phần kết luận của Cáo trạng. Tại phần quyết định chỉ cần truy tố bị can theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự là đủ căn cứ pháp luật.
Việc gửi Cáo trạng lên Viện kiểm sát cấp trên chậm, dẫn đến việc VKS cấp trên yêu cầu khắc phục, sữa chữa vi phạm, thiếu sót không kịp thời (sau 20 ngày kể từ ngày ban hành VKSND tỉnh mới nhận được Cáo trạng).