Vừa qua, VKSND tỉnh Hà Nam ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...
Rút kinh nghiệm công tác kiểm sát giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án
Vừa qua, VKSND tỉnh Hà Nam ban hành thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung các vụ việc
Việc thứ nhất:
Ngày 05/02/2016, Công an huyện K có văn bản số 02/CVĐN đề nghị Tòa án nhân dân huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Vũ Văn T, sinh năm 1967, trú tại tổ 6, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam vì Thông có những vi phạm:
- Ngày 22/02/2015, T dùng tay chân đánh vợ là bà Nguyễn Thị Ê, Công an thị trấn Ba Sao ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 1.250.000đ.
- Ngày 01/5/2015, T dùng tay túm tóc, tát, đánh vợ, bị Chủ tịch UBND thị trấn áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại thị trấn, thời gian 3 tháng kể từ ngày 06/5/2015.
- Ngày 10/7/2015, T lại đánh vợ bị Công an thị trấn ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 1.250.000đ.
- Ngày 24/9/2015 T lại đánh vợ, bị Công an thị trấn lập hồ sơ đề nghị đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc.
Ngày 23/02/2016, Tòa án nhân dân huyện K mở phiên họp và ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc số 01/2016/QĐ-TA đối với Vũ Văn T; thời gian chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc là 06 tháng.
Việc thứ hai:
Ngày 05/02/2016, Công an huyện K có văn bản số 01/CVĐN đề nghị Tòa án nhân dân huyện K áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Bùi Văn T, sinh năm 1995, trú tại xóm 1, xã Thanh Sơn, huyện K vì Tuấn có những vi phạm:
- Ngày 4/3/2015, T có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm chị Bùi Thị Thùy L. Công an xã lập hồ sơ xử phạt hành chính hình thức cảnh cáo.
- Ngày 19/3/2015, T tự ý lấy chiếc xe máy của chị Linh đi cầm cố lấy tiền tiêu sài cá nhân, bị Chủ tịch UBND xã áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, thời gian 03 tháng kể từ ngày 24/3/2015 đến ngày 24/6/2015.
- Ngày 9/7/2015, T lấy một bộ bếp ga đôi và 01 bình ga ở nhà mang đi bán lấy tiền tiêu sài cá nhân, bị Chủ tịch UBND xã lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc.
Ngày 23/02/2016, Tòa án nhân dân huyện Kg mở phiên họp và ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc số 02/2016/QĐ-TA đối với Bùi Văn T; thời gian chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc là 06 tháng.
Việc thứ ba:
Ngày 30/01/2016, Công an thành phố P có văn bản số 30/ĐN-CATP đề nghị Tòa án nhân dân thành phố áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với Nguyễn Văn T, sinh năm 1970, trú tại phường Liêm Chính, thành phố P vì Tuấn có những vi phạm:
- Ngày 24/7/2014, T bị Công an phường Liêm Chính xử phạt hành chính về hành vi gây mất an ninh trật tự khu dân cư.
- Ngày 17/8/2014, T bị Công an thành phố P xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác.
- Ngày 05/9/2014, T bị Chủ tịch UBND phường ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, thời hạn 03 tháng.
- Ngày 08/10/2014, T bị Công an phường xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe người khác.
- Ngày 27/8/2015, T bị Công an phường xử phạt hành chính về hành vi gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Ngày 25/01/2016, T bị Công an phường xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự khu dân cư.
Ngày 18/02/2016, Tòa án nhân dân thành phố P mở phiên họp và ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc số 03/QĐ-TA đối với Nguyễn Văn T; thời gian chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc là 24 tháng.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
- Đối với việc thứ nhất: Sau khi Vũ Văn T bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã (ngày 06/5/2015) T tiếp tục vi phạm 2 lần, trong đó có 1 lần bị xử phạt hành chính và 1 lần chưa bị xử phạt. TAND huyện K đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc là chưa đủ số lần bị xử phạt vi phạm hành chính (ít nhất 2 lần trong 6 tháng sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường) theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 của Chính phủ và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04 ngày 24/12/2015 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật về xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
- Đối với việc thứ 2: Kể từ khi Bùi Văn T bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã ngày 24/3/2015 đến khi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc T mới vi phạm một lần ngày 09/7/2015 và chưa bị xử phạt hành chính lần nào. TAND huyện K đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc là chưa đủ số lần bị xử phạt hành chính (2 lần) quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04 ngày 24/12/2015 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao.
- Đối với việc thứ ba: Đối tượng Nguyễn Văn T sau khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường ngày 05/9/2014, đã 03 lần vi phạm và đều bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên 3 lần vi phạm này lại kéo dài từ ngày 8/10/2014 đến ngày 25/01/2016 hơn 15 tháng. TAND thành phố P đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở giáo dục bắt buộc là không đủ điều kiện về thời gian (hành vi vi phạm trong thời hạn 6 tháng) theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04 ngày 24/12/2015 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao.
Tại các phiên họp xem xét áp dụng biện pháp hành chính đối với các trường hợp nêu trên, Kiểm sát viên đều có quan điểm nhất trí đưa các đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc như quyết định của Tòa án là không chính xác, chưa cập nhật, nghiên cứu kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị quyết số 04 ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hiệu lực thi hành ngày 10/02/2016. Riêng trường hợp Nguyễn Văn T, sau khi Tòa án nhân dân thành phố P ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, T đã khiếu nại. Tại phiên họp xét giải quyết khiếu nại, VKSND tỉnh nhận thấy T là đối tượng có nhân thân rất xấu, đã nhiều lần có hành vi vi phạm gây bức xức trong quần chúng nhân dân và theo ý kiến đề nghị của chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, đồng thời để ổn định quyết định của Tòa án sơ thẩm, VKSND tỉnh đã nhất trí giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với T.
Lưu ý các đơn vị: Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp chỉ có 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định áp dụng biện pháp hành chính, VKS cấp tỉnh không có thẩm quyền kháng nghị đối với những quyết định áp dụng biện pháp hành chính của Tòa án cấp dưới. Vì vậy khi kiểm sát loại việc này VKS huyện, thành phố cần chú ý đến các căn cứ, điều kiện để áp dụng biện pháp xử lý hành chính; kịp thời kháng nghị ngay khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật (điển hình như 02 quyết định của Tòa án nhân dân huyện Kim Bảng nêu trên).
Đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tại các Quyết định số 04, 05/2016/QĐ-TA ngày 23/02/2016 của Tòa án nhân dân huyện D áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với Nguyễn Văn T (SN 1987, trú tại thôn Trại Mang, xã Yên Nam, huyện D) và Nguyễn Khắc T (SN 1978, trú tại thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện D), đều thống kê từng lần các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt hành chính đối với 2 đối tượng, nhưng không nêu đối tượng đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường (đây là điều kiện bắt buộc đối với người có nơi cư trú ổn định), trong khi hồ sơ có thể hiện:
+ Ngày 24/9/2015, UBND xã A ban hành Quyết định số 02/QĐ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Nguyễn Văn T.
+ Ngày 20/9/2015, UBND xã H ban hành Quyết định số 03/QĐ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Nguyễn Khắc T.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Theo khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”; và theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định: “Trường hợp người vi phạm cư trú tại xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm và đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này”.
Như vậy, 02 Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nêu trên của Tòa án nhân dân huyện D đã không nêu đầy đủ điều kiện, nhân thân của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là thiếu sót, chưa đầy đủ theo Biểu mẫu số 09 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2015/NQ-HĐTP ngày 24/12/2015 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. VKSND huyện D khi kiểm sát quyết định của Tòa án đã không phát hiện vi phạm để tổng hợp kiến nghị.
TH