CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở

07/07/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo...

 Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm giải quyết vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở

 
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà ở. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, VKSND tối cao nhận thấy một số địa phương đã làm tốt công tác kiểm sát hồ sơ, bản án, phát hiện những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án và kịp thời báo cáo đề nghị VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác này nên số lượng kháng nghị phúc thẩm chưa nhiều. VKSND tối cao trao đổi một số kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm sát các vụ án tranh chấp quyền sở hữu.
Vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà” giữa nguyên đơn ông Vi Minh Th với bị đơn là bà Phạm Thị Kim H; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Chí Ph, ông Nguyễn Văn C và cụ Vũ Thị Y.
Nguyên đơn trình bày: Ông và vợ là bà M (đã chết năm 2011) có quốc tịch Hoa Kỳ muốn mua nhà tại Việt Nam nên nhờ bà Phạm Thị H là em ruột của bà Th đứng ra giao dịch mua bán và đứng tên nhà số 181/21A phường X, quân Y ( do ông Th, bà M là người nước ngoài nên không được sở hữu nhà tại Việt Nam) với giá là 125 lượng vàng SJC. Việc nhờ đứng tên do tin tưởng nên không làm giấy tờ, nhưng do sợ ông Nguyễn Văn C là chồng của bà H có tranh chấp nên bà M yêu cầu ông C làm giấy cam kết (đề ngày 18/01/2003) có xác nhận của UBND phường X) để môt mình bà H đứng tên. Từ tháng 02/2003 đến tháng 10/2003 bà M và ông Th đã 13 lần gửi cho bà V (chị gái bà H) để bà V chuyển cho bà H. Ông Th yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu nhà cho vợ chồng ông và cho ông được hưởng giá trị nhà theo định giá là 2.105.092.800 đ. Đối với tiền chữa bệnh cho bà M, ông đã gửi khoảng 6000USD nên không đồng ý việc bà H khai đã trả 273.963.000 đ tiền viện phí.
Bị đơn trình bày: Nhà số 181/21A quận X do bà mua của bà Nguyễn Thị H năm 2003 với giá 125 lượng vàng, bà thừa nhận năm 2003 có nhiều lần mượn tiền của bà M (không mượn của ông Th) tương đương khoảng 500.000.000 đ tiền Việt Nam (không nhớ rõ tiền đô là là bao nhiều). Năm 2008 bà đã trả cho bà M 300.000.000 đ (không viết giấy biên nhận), số còn lại đã thanh toán viện phí cho bà M năm 2011 là 273.693.000 đ. Bà không chấp nhận những phiếu gửi tiền do nguyên đơn xuất trình do không có bản chính, thời gian đã lâu nên bà không nhớ. Quá trình sử dụng, năm 2008 bà có sửa sang lại nhà trên. Bà không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của ông Th.
Quá trình giải quyết của Tòa án:
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 20/01/2014 của Tòa án nhân dân thành phố H quyết định: chấp nhận yêu cầu của ông Th, buộc bà H có trách nhiệm trả cho ông H số tiền 2.005.092.800 đ là giá trị căn nhà tranh chấp sau khi đã trừ di 100.000.000 đ công sức bảo quản nhà cho bà H. Sau khi Tòa án xét xử bà H kháng cáo.
Tại bản án dân sự phúc thẩm ngày 11/7/2014 Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định: Không chaapsnhanaj kháng cáo của bà H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi có bản án phúc thẩm, bà H có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Bản án trên đã bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên để xét xử sơ thẩm lại theo quy định.
Những thiếu sót của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án:
Về nội dung: Căn cứ các giấy chuyển tiền do ông Th xuất trình có cơ sở khẳng định từ 02/03/2003 đến 28/10/2003, vợ chồng ông Th, bà M gửi cho bà H và bà V tổng cộng là 25.500 USD. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông Th và bà M gửi tiền nhờ bà H mua nhà và đứng tên là có căn cứ, nhưng lại xác định toàn bộ giá trị nhà trên theo định giá là 2.105.092.800 đ (tương đương 57 lượng 2 chỉ vàng) là sở hữu của ông Th, bà M là chưa đủ căn cứ. Bởi nếu quy đổi theo tỷ giá vàng và tỷ giá USD thời điểm tháng 03/2003 thì số tiền USD ông Th và bà M gửi bà H tương đương 395.709.000 đ, tương đương khoảng 59,8 lượng vàng; còn theo khai nhận của bà H có mượn của bà M 500.000.000 đ thì tương đướng 75,53 lượng vàng. Tuy nhiên, giá ghi trong “Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà” ghi ngày 05/03/2003 giữa bà H với bà Nguyễn Thị H là 125 lượng vàng (đúng như giá ông Th trình bày),  nhưng trong “Hợp đồng mua bán nhà” ngày 07/7/2003 lại ghi giá mua nhà là 50.000.000 đ. Do đó cần phải xem xét giá trị căn nhà trên thời điểm năm 2003 có tương đương 125 lượng vàng như ông Th khai hay không. Nếu đúng giá mua nhà là 125 lượng vàng thì cần làm rõ số vàng quy đổi ông Th và M gửi về để mua  nhà là bao nhiêu, nếu thiếu so với giá mua nhà thì số vàng còn lại ai là người bỏ ra để mua nhà. Trẻn sơ sở đó mới xác định được giá trị phần quyển sở hữu của ông Th bà M được hưởng. Bà M đã chết nên các thừa kế của bà M sẽ được hưởng giá trị thuộc phần sở hữu của bà M. Tòa án cấp sơ thẩm  và Tòa án cấp phúc thẩm giao toàn bộ giá trí nhà đất  (sau khi trừ đi công sức bảo quản cho bà H) cho ông Th được hưởng là không đúng.
Năm 2008 bà H được cấp giấy phép xây dựng nhà tranh chấp, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không làm rõ có việc bà H sửa chữa, xây dựng thêm đối với căn nhà trên hay không mà chỉ chia công sức bảo quản cho bà H là chưa đảm bảo quyền lợi của bà H.
Về tố tụng: Trong số tiền ông Th, bà M gửi chó phần phần gửi bà H, một phần gửi bà V. Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án ngày 10/10/2012, lúc này bà V còn sống (bà V chết ngày 07/8/2013) nhưng Tòa án không đưa bà V vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ việc bà V nhận tiền của ông Th và bà M và sử dụng vào việc gì, bà V đã đưa cho ai, có đúng ông Th và bà M gửi tiền nhờ bà V đưa cho bà H để mua giúp nhà không hay giữa các bên chỉ là quan hệ vay  nợ là vi phạm tố tụng.
Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, bà H xuất trình “văn bản thỏa thuận tài sản” lập ngày 06/5/2011 tại Bệnh viện Việt Pháp (có chữ ký, điểm chỉ của bà Th) nội dung bà Mxác nhận năm 2003 có cho bà H mượn 500 triệu để bủ thêm mua nhà 181/21A; năm 2008 bà H đã trả 300 triệu, tại thời điểm ký kết thỏa thuận bà Th đã nhận tiếp 200 triệu để trang trải viện phí. Bà H yêu cầu giám định tài liệu này để chứng minh việc bà đã trả tiền cho bà M. Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét làm rõ tình trạng sức khỏe của bà M tại thời điểm lập văn bản có minh mẫn hay không, không trưng cầu giám định chữ viết, dấu vân tay của bà Th tại tài liệu nêu trên để xác định giá trị pháp lý của văn bản trên là chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát:
Về đánh giá chứng cứ: Đối với các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất, bao gồm hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu đất, giá ghi trong hợp đồng, giá chuyển nhượng thực tế tại thời điểm chuyển nhượng và giá trị nhà đất tại thời điểm tranh chấp, quy đổi từ tiền ngoại tệ, vàng sang tiền Việt Nam đồng, từ đó tìm ra những mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự làm căn cứ để giải quyết vụ án. Đối với những tài sản là nhà đất, cần lưu ý tính công sức bảo quản, công sức sửa chữa, tôn tạo nhà (nếu có) của người quản lý, sử dụng nhà, đất.
Về tố tụng: Cần kiểm sát việc xác định tư cách của những người tham gia tố tụng của Tòa án, kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm đưa những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… vào tham gia tố tụng để đảm bảo quyền lợi nghĩa vụ của họ cũng như đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, chính xác.
Trong trường hợp đương sự có nhược điểm về thể chất, tinh thần (như già yếu, ốm nặng,… ) các lời khai mâu thuẫn, cần tiến hành giám định để làm rõ tình trạng sức khỏe của họ để xác định khi đương sự tiến hành giao dịch dân sự có đủ năng lực  hành vi cũng như giám định chữ ký, chữ viết, dấu vân tay của đương sự trên các tài liệu để xác định giá trị pháp lý của văn bản làm căn cứ giải quyết vụ án.
TH
Tìm kiếm