CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 13/5/2016 đến ngày 19/5/2016

19/05/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Lao động số 109 ngày 13/5/2016 có bài: “Lại thêm vụ án có dấu hiệu bất thường” của tác giả Phùng Bắc. Nội dung: Ngày 16/7/2014, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh Tp Hồ Chí Minh ký quyết định khởi tố vụ án và bị can đối với Trần Văn Dũng, sinh năm 1984, về tội “ Hiếp dâm trẻ em”. Quyết định khởi tố và bắt tạm giam này được Phó Viện trưởng VKS huyện Lê Thanh Tòng phê chuẩn...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 13/5/2016 đến ngày 19/5/2016

1. Báo Lao động số 109 ngày 13/5/2016 có bài: “Lại thêm vụ án có dấu hiệu bất thường” của tác giả Phùng Bắc. Nội dung: Ngày 16/7/2014, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh Tp Hồ Chí Minh ký quyết định khởi tố vụ án và bị can đối với Trần Văn Dũng, sinh năm 1984, về tội “ Hiếp dâm trẻ em”. Quyết định khởi tố và bắt tạm giam này được Phó Viện trưởng VKS huyện Lê Thanh Tòng phê chuẩn. Ngày 10/4/2015, TAND huyện Bình Chánh xử sơ thẩm đã tuyên phạt Dũng mức án 7 năm tù giam. Dũng kêu oan và chống án. Vì có nhiều vi phạm tố tụng nên TANDTp Hồ Chí Minh xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm. Ngày 17/3/2016, TAND huyện mở phiên tòa xử sơ thẩm lần 2 nhưng sau đó lại phải hoãn. Về vụ án này Luật sư Võ Miền, Trưởng văn phòng luật sư Tân Tạo, Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho rằng nạn nhân là cháu V chưa bị hiếp dâm, hồ sơ vụ án không thể hiện rõ Dũng có dùng vũ lực  hoặc lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân hay dùng thủ đoạn nào khác để giao cấu ngoài ý muốn với nạn nhân. Do đó, vụ án này có dấu hiệu oan, sai.
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.   
2. Báo Đời sống và pháp luật số 58 ngày 13/5/2016 có bài:  “Khó xác định việc nạn nhân có bị xâm hại hay không?” của tác giả Lành Nguyễn. Nội dung: Ngày 11/5/2015, chị H.T.A.N, sinh năm 1987, trú tại phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã gửi đơn đến Công an thị xã Thuận An tố cáo anh Y.T.M.L, 32 tuổi, là bác sỹ khoa sản của phòng khám đa khoa Hoàn Hảo số 4 tại quốc lộ 13 phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, vào hồi 17 giờ ngày 09/5/2016 đã có hành vi hiếp dâm chị trong lúc chị đến đây để khám và đặt vòng tránh thai. Chính chị đã nhìn thấy bác sỹ T đưa  dương vật vào âm hộ chị lúc chị đang nằm trên trên băng ca. Chị đã kêu cứu nhưng lúc này không có nhân viên nào ở phòng khám, chị đã kể lại việc này với chồng và ngay lập tức anh H là chồng chị đã đến phòng khám và đánh bác sỹ L có cả đại diện của phòng khám chứng kiến. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Sở Y tế tỉnh Bình Dương vì không có nhân chứng nào khác và chị N đã có chồng nên việc chị có bị hiếp hay không là rất khó xác định. Bệnh viện đề nghị Cơ quan điều tra sớm làm rõ vụ việc này vì đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân ở địa bàn thị xã Thuận An.
Yêu cầu VKSND tỉnh  Bình Dương kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ  2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.   
3. Báo Tuổi trẻ số 129 ngày 16/5/2016 có bài: “Mòn mỏi 17 năm đòi bồi thường” của tác giả Tâm Lụa. Nội dung: Năm 1997, TAND quận Ba Đình và TAND Tp Hà Nội xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Tổng công ty xây dựng- Bộ Y tế với bị đơn là ông Nguyễn Hữu Trấn, 77 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Tp Hà Nội là cán bộ của Công ty vì đã chiếm giữ 97m2 đất của Công ty để xây nhà của mình. Hai cấp tòa đã tuyên buộc ông Trấn phải trả cho Công ty lô đất này. Không đồng ý với quyết định trên ông Trấn khiếu nại xin xử giám đốc thẩm. Ngày 07/9/1999, Viện trưởng VKSND tối cao có Công văn gửi Đội thi hành án quận Ba Đình yêu cầu cho hoãn thi hành bản án này để có thời gian xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng Đội thi hành án quận Ba Đình vẫn tổ chức cưỡng chế thi hành án buộc ông Trấn phải trả lại nhà. Sau nhiều năm khiếu nại, đến tháng 6/2008, Bộ Tư pháp đã có kết luận giải quyết đơn khiếu nại của ông nêu rõ việc cưỡng chế thi hành án của Đội thi hành án quận Ba Đình là không đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, cần phải thành lập Hội đồng bồi thường thiệt hại cho ông Trấn. Đến tháng 6/2013, do không thỏa thuận được về số tiền bồi thường nên ông Trấn đã kiện Đội Thi hành án quận Ba Đình ra TAND quận Ba Đình  đòi bồi thường thiệt hại 7 tỷ đồng. TAND quận Ba Đình đã thụ lý vụ án nhưng  đến tháng 9/2015 đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do Bộ Tư pháp chưa cung cấp đủ tài liệu về vụ việc này để xác định lỗi của ai. Vì vậy, vụ kiện dân sự này phải kéo dài đến 17 năm chưa kết thúc được.
        Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 9, Vụ 11 đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. BáoTiền Phong  số 135 ngày 14/5/2016 có bài: “Nghi án hối lộ cán bộ Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia: Bộ Y tế phối hợp với Công an xác minh” của tác giả Nguyễn Thành; Báo An ninh Thủ đô số 4694 ngày 14/5/2016 có bài “Đã đề nghị cơ quan Công an làm rõ” của tác giả Duy Tiên. Nội dung: Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một bức thư điện tử được cho là của lãnh đạo công ty TNHH UCR chỉ đạo nhân viên công ty đưa hối lộ cho 2 cán bộ Viện kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia mỗi người 1 tỷ đồng để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì trong hai sản phẩm của Công ty là trà xanh Hương chanh C2 và nước tăng lực hương dâu Rồng đỏ đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như mong muốn. Để kết luận rõ thông tin đưa hối lộ này bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Bộ cùng phối hợp với cơ quan Công an điều tra xác minh làm rõ, vì vụ việc này gây nhiều ảnh hưởng đến dư luận xã hội về chống tham nhũng và có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Thanh niên số 135 ngày 14/5/2016 có bài: “ Ngang nhiên phá cửa, chiếm giữ nhà” của tác giả Công Nguyên- Hải Nam; số 136 ngày 15.5.2016 có bài “Phải xử lý hình sự hành vi chiếm giữ nhà trái phép” của luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Thanh Lương, Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh và nhiều tác giả khác. Nội dung: Ngày 23/3/2016, ông Lê Hồng Trường, 39 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh đã đặt cọc và làm hợp đồng mua căn nhà số 449/28/21 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp của ông Chu Minh Tuấn, trú tại quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh, sau đó ông Trưởng đã trả gần hết số tiền mua nhà, ngày 28/4/2016, ông đã đến Văn phòng đăng ký đất đai quận Gò Vấp làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và được hẹn trả kết quả vào ngày 16/5/2016. Ông Tuấn đã giao chìa khóa nhà cho ông Trường quản lý.Tuy nhiên, đến ngày 28/4/2016, bà Nguyễn Thị Phượng cùng nhiều người lạ đã đến phá khóa nhà mang đồ đạc vào nhà và chiếm giữ căn nhà này cho đến nay. Được biết căn nhà này trước đây là của bà Phượng nhưng ngày 21/9/2015, đã bán cho ông Nguyễn Anh Sơn với thủ tục mua bán hợp pháp, đến ngày 03/11/2015, ông Sơn lại chuyển nhượng căn nhà này cho ông Chu Minh Tuấn và ông Tuấn đã chuyển nhượng lại cho ông Trường với các thủ tục chuyển nhượng hợp pháp. Vì vậy, hành vi chiếm giữ nhà của bà Phượng là trái pháp luật và đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự về tội “Chiếm giữ tài sản trái pháp luật” quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự.
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo Công lý số 40 ngày 19/5/2016 có bài: “Cần xem xét vụ án một cách khách quan” của tác giả Nam Nguyên. Nội dung:  Ngày 29/12/2015, VKSND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có Cáo trạng truy tố bị can Dương Quang Tám, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cùng 5 bị can khác về tội “Tham ô tài sản” chiếm đoạt tiền ngân sách cấp cho các hộ nghèo trong xã. Tuy nhiên, ông Tám liên tục có đơn kêu oan vì ông không được tham gia cuộc họp kín trong nội bộ ban lãnh đạo của UBND xã bàn về việc rút tiền của người nghèo, vì lúc đó ông đi học lớp chính trị trên tỉnh, không có mặt ở địa phương. Mặt khác, ông là Phó Chủ tịch phụ trách về kinh tế không phải là  người được giao quản lý nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo theo Quyết định số 167/QĐ-TTg  ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Người phụ trách quỹ này là ông Lê Thanh Hoành, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách về văn hóa xã hội.  Ông  Lê Xuân Bần, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cùng có đơn kêu oan cho ông Tám. Do đó, ông Trần Công Thuật, Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã giao nhiệm vụ cho Ban Nội chính tỉnh ủy Quảng Bình phối hợp với các cơ quan chức năng cần xem xét lại việc truy tố ông Tám tránh để xảy ra oan, sai.
Yêu cầu VKSND tỉnh Quảng Bình kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
7. Báo  Lao động  số 114 ngày 19/5/2016 có bài: “ Xét xử vụ án Công ty mía đường Tây Ninh: Nhiều khuất tất về quy trình tố tụng” của tác giả Phùng Bắc. Nội dung: Qua hai ngày 17 và 18/5/2015, TAND tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử  3 bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên Tổng giám đốc), Nguyễn Xuân Danh( nguyên trưởng phòng kinh doanh), Nguyễn Thị Phúc (nguyên kế toán trưởng)  Công ty về tội “ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” làm thiệt hại 69,7 tỷ đồng trong 5 hợp đồng bán hàng cho Trung Quốc. VKSND tỉnh đề nghị tuyên phạt các bị cáo từ 12 năm đến 6 năm tù. Tuy nhiên, vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng  như: Vụ án có đến 2 bản Cáo trạng có nội dung khác nhau cùng tồn tại, Cơ quan điều tra phủ nhận việc phán quyết của trọng tài quốc tế, không xác minh làm rõ lý do phía Trung Quốc không trả tiền, ông Lê Trùng Dương vừa là Giám định viên giám định thiệt hại lại vừa là đại diện cho nguyên đơn dân sự là UBND tỉnh Tây Ninh để đòi bồi thường thiệt hại. Cả 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo đều có quan điểm việc truy tố 3 bị cáo là oan, sai và kiến nghị cần xử lý các cá nhân đã điều tra truy tố trong vụ án này. 
Yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Tìm kiếm