CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy án

15/05/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tỉnh An Giang ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, giá trị đất bị cấp phúc thẩm hủy án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:...

 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang rút kinh nghiệm vụ án dân sự bị cấp phúc thẩm hủy án

 
Vừa qua, VKSND tỉnh An Giang ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, giá trị đất bị cấp phúc thẩm hủy án. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Nội dung vụ kiện đòi lại quyền sử dụng đất, giá trị đất giữa nguyên đơn Dương Minh Thiên, Lê Thị Riềng (đã chết, có các thừa kế do ông Dương Văn Nước đại diện ủy quyền), bị đơn Trần Thái Bảo: Nguồn gốc đất là của cụ Dương Quang Tười và cụ Nguyễn Thị Xưa. Cụ Tươi, cụ Xưa có 2 mảnh đất: mảnh thứ nhất 7,2ha, mảnh thứ hai 8,242 ha tọa lạc tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang; ông bà có 2 người con là Dương Minh Thiên, Dương Thị Xinh (Sinh), trong đó ông Thiên được hưởng diện tích 8,242ha theo sổ điền địa ngày 28/5/1954 do cụ Tươi đứng tên. Theo chính sách “người cày có ruộng”, ông Thiên bị thu hồi 1 phần, chỉ còn khoảng 59.000m2.
Ông Nước đại diện các đồng nguyên đơn khai: Vào năm 1994, ông Thiên cho ông Bảo mượn 59.000m2 để canh tác, không xác lập giấy tờ, chỉ thỏa thuận miệng. Đến năm 1996, ông Bảo tự kê khai và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay ông Nước yêu cầu đòi lại ½ giá trị diện tích đất. Ông Trần Thái Bảo trình bày: Ông Thiên đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho ông vào năm 1993. Ông đã trực tiếp, liên tục quản lý sử dụng đất này từ năm 1993 đến nay và đã kê khai, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, ông không đồng ý theo yêu cầu của ông Nước.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 183/2015/DS-ST ngày 07/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện An Phú, xử: Chấp nhận yêu cầu của các đồng nguyên đơn, do ông Dương Văn Nước đại diện theo ủy quyền; buộc ông Trần Thái Bảo, bà Lê Thị Nhủ có nghĩa vụ trả lại giá trị quyền sử dụng đất với số tiền là 977.550.000 đồng. Ngoài ra án còn tuyên về án phí, lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/10/2015, ông Trần Thái Bảo, bà Lê Thị Nhủ kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 183/2015/DS-ST ngày 07/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện An  Phú.
Bản án phúc thẩm số 76/2016/DS-ST ngày 30/3/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã xử: Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 183/2015/DS-ST ngày 07/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện An  Phú, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện An Phú giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Vi phạm của cấp sơ thẩm và những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Về nội dung: Căn cứ trình bày của đại diện Ủy ban nhân dân huyện An Phú thì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bảo là chủ trương của Nhà nước, mang tính chất phổ biến đại trà; thủ tục cấp có thông báo, niêm yết rộng rãi, công khai và thời gian này ông Thiên vẫn còn sống nhưng ông Thiên không khiếu nại; sau khi ông Thiên mất thì các đồng nguyên đơn khởi kiện nhưng không có bất kỳ chứng cứ gì chứng minh. Tuy nhiên, lời khai của ông Bảo trước sau không thống nhất về chứng cứ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có làm giấy tờ hay không) và không thống nhất về giá chuyển nhượng (4 lượng hay 5 lượng vàng). Cấp sơ thẩm không điều ra, xác minh để làm rõ khi Tập đoàn giải thể thì đất giao cho ông Thiên có phải là đất của cụ Tươi cho ông Thiên trước đây hay không; quá trình quản lý sử đụng đất trên ai là người đứng tên trong Sổ địa chính và kê khai nộp thuế hàng năm; ông Bảo khai nại một số nhân chứng ( Lê Văn Lên, Lê Văn Pho, Lê Thị Dọn, Trần Công Nẽo, Lê Thị Ỷ) biết rõ việc mau bán đất giữa ông Bảo và ông Thiên cũng chưa được cấp sơ thẩm xác minh làm rõ. Đến giai đoạn phúc thẩm thì bị đơn cung cấp bổ sung chứng cứ là “Tờ bán đất và giao nhận vàng ngày 19/10/1993”.
Về tố tụng: Năm 2010 Tòa án huyện An Phú thụ lý, giải quyết vụ án do Thẩm phán Lê Văn Huệ tiến hành tố tụng, đến năm 2012 do Thẩm phán Nguyễn Quang Chân thực hiện nhưng hồ sơ không thể hiện việc phân công lại Thẩm phán. Đến ngày 06/03/2015 phân công lại Thẩm phán Lê Hùng Tuấn nhưng các hoạt động tố tụng sau đó như: Biên bản hòa giải ngày 26/3/2015, Biên bản ghi lời khai ngày 01/4/2015 lại do Thẩm phán Nguyễn Quang Chân tiếp tục thực hiện tố tụng; Biên bản ngày 28/6/2012 thỏa thuận giá đất tranh chấp do Thẩm phán Lê Văn Huệ xác lập nhưng Thẩm phán Nguyễn Quang Chân ký tên; các Biên bản đối chất ngày 28/6/2012 và ngày 10/7/2012 trong hồ sơ vụ án do Thẩm phán Nguyễn Quang Chân ký tên (có tẩy xóa) nhưng trong các tài liệu do ông Bảo cung cấp lại do Thẩm phán Lê Văn Huệ ký.
Những thiếu sót, vi phạm nêu trên không được Kiểm sát viên phát hiện khi nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát xét xử vụ án để yêu cầu Tòa án sơ thẩm điều tra, xác minh đầy đủ và báo cáo, đề xuất kháng nghị phúc thẩm sau khi xét xử vụ án. Do có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, việc điều tra, xác minh thu thập chứng cứ chưa toàn diện nên cấp phúc thẩm đã hủy án, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
TT
 
Tìm kiếm