1. Báo Bảo vệ pháp luật số 37 ngày 06/6/2016 có bài: “Lấn chiếm đất đai, cố ý gây thương tích nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?” của phóng viên Hà Thanh - Trọng Tài. Nội dung:..
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 06/5/2016 đến ngày 12/5/2016
1. Báo Bảo vệ pháp luật số 37 ngày 06/6/2016 có bài: “Lấn chiếm đất đai, cố ý gây thương tích nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?” của phóng viên Hà Thanh - Trọng Tài. Nội dung: Gia đình bà Đỗ Thị Oanh, sinh năm 1963 (chống là ông Bế Văn Bằng, sinh năm 1962) ở xóm Cầu Mai, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên bị gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, người cùng xóm liên tục dung thủ đoạn và vũ lực lấn chiếm đất canh tác trong nhiều năm, làm bà Oanh bị thương tật với tỷ lệ 4% và tổn hại suy giảm sức khỏe về tâm thần, thần kinh 11%, nhưng đến nay Tuấn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục có hành vi phá hoại tài sản , hoa màu, sẵn sàng dùng vũ lực để lấn chiếm đất đai của nhà bà mà không bị cơ quan chức năng xử lý.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Tiền Phong số 130 ngày ngày 09/5/2016 có bài: “Dựng nhà xưởng không phép…bị khởi tố” của tác giả Tân Châu. Nội dung: Bà Trần Thị Huệ, sinh năm 1958, tạm trú tại huyện Bình Chánh, Tp Hồ Chí Minh có mảnh đất 526 ở ấp 4 và mảnh đất 509 ở ấp 3, huyện Bình Chánh. Mảnh đất 526 rộng 663 m2, được UBND huyện cấp giấy tờ tháng 11/2013, có hơn 232 m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm, được cấp giấy tờ tháng 7/2014. Tháng 4/2014, bà Huệ xin phép và được UBND huyện cấp giấy phép xây dựng nhà xưởng hơn 154 m2 trên mảnh đất số 526. Đầu tháng 9/2014, Thanh tra sở xây dựng Tp Hồ Chí Minh lập biên bản vi phạm hành chính, buộc ngừng thi công tại nhà xưởng nói trên. Thanh tra đã xử phạt bà huệ 375.000đ vì sai phạm. Bà Huệ đã nộp phạt nhưng vẫn tiếp tục xây dựng và hoàn thiện công trình.
Đến tháng 10/2014, cho rằng bà huệ có vi phạm “tổ chức thi công xây dựng mới nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sai nội dung giấy phép” và hành vi tái phạm nên UBND Tp Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt 250 triệu đồng. Bà Huệ chưa đóng khoản phạt này và đang khởi kiện lại quyết định nói trên của UBND Tp Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh thụ lý vụ án giữa tháng 8/2015 nhưng chưa xét xử.
Ngoài ra, tháng 10/2015, UBND xã Bình Lợi lập biên bản vi phạm hành chính về việc bà Huệ xây nhà xưởng tại mảnh đất số 509. UBND xã Bình Lợi đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công và chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Chánh để điều tra. Công an quận Bình Chánh đã khởi tố vụ án, bị can đối với bà Huệ về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư Tp Hồ Chí Minh cho rằng vì xây dựng nhà xưởng trái phép mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” là không ổn.
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật Việt Nam số 130 ngày 09/5/2016 có bài: “Vụ án chìm tàu bị chìm xuồng” của tác giả Khoa Lâm; Báo Phụ nữ Việt Nam số 57, ngày 11/5/2016 có bài “Ngâm lâu để hóa bùn”. Nội dung: Liên quan đến vụ chìm tàu BP 12-04-02 vào tối 02/8/2013 tại vùng biển Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh làm 9 người chết, Cơ quan CSĐT Công an Tp Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can tiến hành bắt giam hai bị can liên quan đến việc sản xuất tàu là ông Vũ Văn Đảo, sinh năm 1968, Giám đốc công ty CP Công nghệ Việt Séc, Chủ tịch HĐQT công ty CP Vũng Tàu Marina và ông Đinh Văn Quyết, Giám đốc HĐQT công ty CP Vũng Tàu Marina về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” . Vụ án được Cơ quan điều tra tạm đình chỉ chờ kết quả giám định.
Theo quy định thì sau khi có kết quả giám định, cơ quan CSĐT phải phục hồi điều tra hoặc đình chỉ điều tra nhưng đã gần 6 tháng qua, cơ quan này vẫn “làm ngơ”, mặc dù đã nhận được đơn yêu cầu đình chỉ vụ án (vì lý do tạm đình chỉ không còn và không có hành vi phạm tội) của ông Đảo, ông Quyết.
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ, việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Bảo vệ pháp luật số 38 ngày 10 /5/2016 có bài: “Có “chống lệnh” cấp trên?” của PV. Nội dung: Ngày 04/6/2015, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy có thông báo thụ lý vụ án hôn nhân giữa chị Bùi Phương Linh, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội và chồng chị là anh Phạm Văn Bang. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị Linh nhận thấy người được phân công giải quyết vụ án là thẩm phán Bùi Thị Huê đã không tích cực và có những biểu hiện cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Ngày 07/01/2016, chị đã gửi đơn khiếu nại đến Chánh án TAND quận Cầu Giấy. Ngày 19/01/2016, Chánh án TAND quận Cầu Giấy có Quyết định số 02/2016/QĐ-CA giải quyết khiếu nại của chị Linh, khẳng định vụ án xin ly hôn của chị đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử, là lỗi chủ quan của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua, thẩm phán Bùi Thị Huê vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu VKSND Tp Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 9, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật Việt Nam số 133 ngày 12/5/2016 có bài: “Do cẩu thả, thiếu trách nhiệm hay chạy theo thành tích?” của tác giả Khoa Nguyên. Nội dung: Cháu Đặng Văn Hạnh, sinh ngày 14/4/2001, học sinh lớp 9, trú tại xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình bị cho là có hành vi trộm cắp vặt, bị Công an xã Tây Ninh đánh, đấm vào mặt, đưa cháu lên làm việc vào buổi tối, khi làm việc không có người giám hộ…
Việc đưa cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng là không đúng quy trình, trái với quy định tại Điều 16, Nghị định 81/2003/NĐ-CP (hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính) và Điều 2, Điều 16, Điều 18… Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Trong khi cháu Hạnh không hề được giáo dục theo quyết định của địa phương thì TAND huyện Tiền Hải vẫn cho rằng cháu Hạnh “đã được giáo dưỡng” nhưng “tiếp tục có hành vi trộm cắp tài sản”, cũng không hề đề cập đến các quy định tại Nghị định 81/2003/NĐ-CP và Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Tòa án còn vội vàng nhận định: hồ sơ đề nghị đưa cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng đã tuân thủ định tại Điều 99, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Vai trò của Tòa án trong vụ việc này thế nào? Chẳng lẽ Tòa không xác minh, không xem xét lời khai của đương sự, không làm rõ các mâu thuẫn, không kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ… chỉ tin tưởng vào hồ sơ của Công an huyện để đẩy cháu Hạnh vào trường giáo dưỡng?
Đã vậy, cả hai cấp Tòa còn không yêu cầu Đoàn luật sư phân công luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho cháu Hạnh tại 2 phiên họp.
Yêu cầu VKSND tỉnh Thái Bình kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 10, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo Tiền Phong số 130 ngày ngày 09/5/2016 có bài: “Dựng nhà xưởng không phép…bị khởi tố” của tác giả Tân Châu. Nội dung: Năm 2006, Ông Lê Đức thiện, sinh năm 1963, trú tại quận Bình Tân, Tp Hồ Chí Minh bị Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị bắt tạm giam 6 năm, nhiều lần đưa ra Tòa xét xử nhưng không thể kết tội. Các cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND Tp Hồ Chí Minh bèn lấy lý do “Chuyển biến tình hình” để đình chỉ điều tra bị can nhằm né tránh trách nhiệm bồi thường oan.
Yêu cầu VKSND Tp Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.