Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm Hiếp dâm trẻ em và các tội phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống loại tội phạm này thời gian qua, vẫn còn những hạn chế, khó khăn vướng mắc cần khắc phục...
Rút kinh nghiệm về xác định độ tuổi người bị hại
Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tình hình tội phạm Hiếp dâm trẻ em và các tội phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống loại tội phạm này thời gian qua, vẫn còn những hạn chế, khó khăn vướng mắc cần khắc phục. Một số vụ án hiếp dâm trẻ em bị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại do nghi ngờ về độ tuổi người bị hại, nhiều tố giác tội phạm hiếp dâm trẻ em không xử lý được hoặc chậm xử lý do liên quan đến việc xác định độ tuổi, giám định AND, do bị hại cùng gia đình từ chối hợp tác, bỏ địa phương đi nơi khác, làm khai sinh trễ hạn không có giấy chứng sinh…
Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hiếp dâm trẻ em, VKSND tỉnh Đồng Tháp có văn bản rút kinh nghiệm và hướng dẫn cấp huyện xử lý loại tội này.
VKSND Khi thụ lý tố giác, tin báo tội phạm về xâm phạm tình dục trẻ em cần chú trọng kiểm sát chặt độ tuổi người bị hại và đối tượng phạm tội, nếu chưa rõ thì phải trưng cầu giám định độ tuổi khi khởi tố. Trường hợp người bị hại làm khai sinh trễ hạn không có giấy chứng sinh, chưa rõ ngày tháng năm sinh nhưng tự nguyện giao cấu tại thời điểm trên, dưới 13 tuổi hoặc gần đủ 16 tuổi cần làm rõ độ tuổi trước khi khởi tố bị can (thu thập khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng sinh, học bạ, các tài liệu khác….). Không để xảy ra trường hợp khởi tố sau phải đình chỉ điều tra vì lý do kết quả giám định không phạm tội.
Lưu ý các trường hợp bị hại có khai sinh trễ hạn không có giấy chứng sinh mà độ tuổi người bị hại từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải trưng cầu giám định độ tuổi người bị hại để xác định tội danh trước khi khởi tố hoặc ra quyết định không khởi tố.
- Chú trọng công tác kiểm sát việc tiếp nhận tin báo, tố giác, tố giác về tội phạm hiếp dâm trẻ em. Phối hợp cùng Cơ quan điều tra khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, xác minh, thu thập chứng cứ đầy đủ nhanh chóng, khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Phân loại, xử lý tố giác, tin báo thận trọng, chính xác, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Những vụ khó khăn, phức tạp phải kịp thời báo ngay về VKSND cấp tinh trước khi khởi tố.
- Tiến hành kiểm sát chặt chẽ việc khám nghiệm hiện trường. Chú ý thu lượm những dấu vết sinh học (lông, tóc, tinh dịch của đối tượng phạm tội), quần áo và đồ vật có liên quan của các bên, tránh trường hợp bỏ sót nguồn chứng cứ vật chất tại hiện trường. Kiểm sát quyết định trưng cầu giám định pháp y về tình dục của người bị hại, kết quả xem xét quần áo, dấu vết trên thân thể của đối tượng phạm tội và của người bị hại. Kịp thời yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung ngay khi thấy có thiếu sót.
- Tôn trọng nguyên tắc: Không dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Chú ý những mâu thuẫn trong lời khai của các đối tượng phạm tội với người bị hại, người làm chứng về số lần phạm tội, thời gian, địa điểm, đặc điểm quần áo của đối tượng và người bị hại mặc, tư thế giao cấu, các hành vi trước, trong và sau giao cấu, vị trí và đồ vật xung quanh nơi giao cấu, vị trí nạn nhân nằm….. Khi có mâu thuẫn cần đề ra biện pháp giải quyết mâu thuẫn trước khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
- Khi tiến hành ghi lời khai đối tượng phạm tội, người bị hại là trẻ em, người chưa thành niên cần có luật sư bảo vệ quyền lợi, người giám hộ theo luật định. Cần có ghi âm, ghi hình khi lấy lời khai của họ trước khi khởi tố nhằm đảm bảo tính vô tư, khách quan trong việc lấy lời khai, tránh trường hợp bị can, bị cáo sau này phản cung, chối tối, khiếu nại lý do bức cung, mớm cung, dùng nhục hình. Viện kiểm sát trực tiếp lấy lời khai người bị tạm giữ, bị hại, nhân chứng hoặc tham gia cùng Cơ quan điều tra ngay từ đầu. Tài liệu kiểm sát điều tra ngay từ đầu phải được đưa vào hồ sơ vụ án.
- Trường hợp người bị hại bị khuyết tật bẩm sinh, cần nhanh chóng trưng cầu người giám định, nếu có biểu hiện tâm thần phải giám định về năng lực hành vi dân sự của họ để ra quyết định chính xác.
- Trước khi phê chuẩn bắt khẩn cấp các trường hợp hiếp dâm trẻ em, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp đối tượng bị bắt để ghi lời khai. Lấy lời khai bị hại để xem xét thái độ khai báo cũng như phản ứng của họ đối với vụ việc. Nội dung dung lấy lời khai liên quan đến sự việc phạm tội phải cụ thể, chi tiết, tránh trường hợp hỏi chung chung, sau này không thể làm nguồn chứng cứ buộc tội.
TT