Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp...
Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của VKSND tỉnh Đắk Lắk
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền. Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý , tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Trong đó Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác ngày càng hoàn thiện dảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ban hành Luật tổ chức VKSND năm 2014, Luật tố tụng hành chính năm 2010… là cơ sở pháp lý đảm bảo cho VKSND thực hiện chức năng kiểm sát giải quyết án hành chính của Tòa án nhân dân, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.
Thi hành Luật tố tụng hành chính, Nghị quyết số 56 của Quốc hội, các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính:
- Khoản 2 Điều 23 Luật tố tụng hành chính quy định Viện kiểm sát thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát không mang tính ràng buộc, ít phát huy tác dụng, Tòa án thực hiện và trả lời cũng được mà không thực hiện, trả lời cũng không sao. Vì vậy cần bổ sung trách nhiệm của Tòa án sau khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát phải trả lời bằng văn bản trong một thời hạn nhất định kể từ ngày nhận được kiến nghị (do luật quy định).
- Luật chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trường và Kiểm sát viên khi thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp, trong đó không quy định ai là người thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Điều 39 Luật tố tụng hành chính cần bổ sung quy định quyền kiến nghị, yêu cầu của Viện trưởng. Điều 40 cần bổ sung quy định quyền yêu cầu của Kiểm sát viên… tăng quyền và trách nhiệm cho Kiểm sát viên đề họ chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.
- Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng của Tòa án, luật không quy định phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp là chưa đầy đủ, vì như vậy Viện kiểm sát không thể kiểm sát đầy đủ các quyết định của Tòa án, quy định tại Khoản 4 ĐIều 40 Luật tố tụng hành chính.
- Trường hợp không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 3, 4 Điều 67 Luật tố tụng hành chính); không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 Điều 70 Luật tố tụng hành chính), đã được Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC, ngày 01/8/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính quy định phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Tuy nhiên, việc thông báo bằng văn bản gửi cho Viện kiểm sát cần được quy định trong Luật tố tụng hành chính, có như vậy mới tương xứng với quyền kiến nghị của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 70 Luật tố tụng hành chính.
Về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 9 và khoản 2 Điều 87 Luật tố tụng hành chính: Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, việc xác định mức độ vi phạm là rất khó, việc xử lý theo quy định của pháp luật nào luật không quy định cụ thể ?
Khoản 1 Điều 110 Luật tố tụng hành chính quy định: trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời đơn khởi kiện, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, văn bản trả lại đơn khởi kiện mà Tòa án gửi cho Viện kiểm sát thường ghi chung chung không rõ ràng và ghi theo chiều hướng của việc trả lại đơn. Mặt khác, khi Toà án trả lại đơn khởi kiện thì cũng trả toàn bộ tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, vì vậy trong thời hạn 7 ngày làm việc là không đủ thời gian để Viện kiểm sát yêu cầu người khởi kiện cung cấp tài liệu để xem xét, đánh giá việc trả lại đơn khởi kiện có đúng quy định của pháp luật hay không để thực hiện quyền kiến nghị nếu có vi phạm. Trong thực tế vẫn có trường hợp văn bản trả lại đơn khởi kiện Tòa án không gửi cho Viện kiểm sát hoặc trả lại đơn khởi kiện nhưng không có văn bản thì Viện kiểm sát không thể thực hiện việc kiểm sát trả lại đơn khởi kiện.
Kiểm sát việc thụ lý vụ án như thẩm quyền giải quyết vụ án; thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí; ngày thụ lý vụ án; phân công Thẩm phán giải quyết vụ án; yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ; xác minh, thu thập chứng cứ; thông báo về việc thụ lý vụ án và nội dung văn bản thông báo thụ lý vụ án…. (từ Điều 111 đến 114 Luật tố tụng hành chính). Tuy nhiên nếu có vi phạm xảy ra thì luật không quy định cụ thể quyền kiến nghị của Viện kiểm sát, nếu có kiến nghị Viện kiểm sát chỉ căn cứ quy định chung tại Điều 23 Luật tố tụng hành chính.
Điểm c, Khoản 1 Điều 117; khoản 2 Điều 191 Luật tố tụng hành chính quy định: Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng luật và cả thông tư không quy định Tòa án phải gửi quyết định gia hạn, kéo dài thời hạn cho Viện kiểm sát cùng cấp là gây khó khăn cho công tác kiểm sát.
Khoản 2 Điều 118 quy định: Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án hành chính khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn. Quy định như vậy là không rõ ràng, tùy nghi trong việc thực hiện, có Tòa ra quyết định tiếp tục giải quyết, có Tòa lại ra quyết định đưa vụ án ra xét xử…. vì vậy luật cần quy định khi lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và gửi ngay cho đương sự,Viện kiểm sát, đồng thời trong quyết dịnh phải ghỉ rõ lý do của việc tạm đình chỉ không còn.
Khoản 3 Điều 118 và Khoản 3 Điều 120 Luật tố tụng hành chính quy định quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên luật không quy định Tòa án phải gửi cho hồ sơ cho Viện kiểm sát xem xét trong trường hợp ngày, gây khó khăn trong việc xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát, chỉ khi Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu (quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 03) khi đó Tòa án mới có thể chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát.
Điều 122, 166 Luật tố tụng hành chính không quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và bản án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Tuy nhiên Điều 181 Luật tố tụng hành chính lại quy định Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Quy định như vậy là chưa đầy đủ, còn bất cập, cần bổ sung Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án, quyết định….cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Người tiến hành tố tụng là một trong các chủ thể của tố tụng hành chính, có vai trò quan trọng, mang tính quyết định quá trình giải quyết vụ án, có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân. Nhưng nếu Viện kiểm sát chỉ thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật, không phát biểu về nội dung vụ án và quan điểm về việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có phải là người tiến hành tố tụng hay không? Đây là vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên, luật cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Khoản 2, Điều 165 Luật tố tụng hành chính quy định về bản án sơ thẩm: Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định của Tòa án, phần quyết định. Khoản 1 Điều 182 Luật tố tụng hành chính quy định về kháng nghị của Viện kiểm sát: Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát phải bằng văn bản và có các nội dung chính sau:…kháng nghị phần nào của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó Khoản 4 Điều 202 Luật tố tụng hành chính quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm như sau: Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối vơi quyết định của bản án sơ thẩm bị kháng nghị. Theo các quy định này thì có sự mâu thuẫn, bất cập giữa các điều luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 186 Luật tố tụng hành chính quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người kháng cáo nộp đơn kháng cáo cho Tòa án cấp sơ thẩm, trong trường hợp người kháng cáo được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; người kháng cáo nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong trường hợp người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm…. Trong khi đó Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 03 quy định: việc chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm được thực hiện như sau: sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà Viện kiểm sát xét thấy cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát. Ngay sau khi nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát, Toà án chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu.. Tuy nhiên, đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm nhận bản án sơ thẩm do Viện kiểm sát cấp dưới chuyển lên cũng là sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Khi Viện kiểm sát cấp phúc thẩm có văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ nếu là những vụ án có kháng cáo thì Tòa án sơ thẩm trả lời hồ sơ chuyển cho Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 186 Luật tố tụng hành chính (vì luật có hiệu lực cao hơn thông tư đã trích dẫn ở trên). Vì vậy để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu quả thì thông tư không nên quy định nội dung này, mà Điều 186 Luật tố tụng hành chính cần được sửa đổi, bổ sung khi Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu chuyển hồ sơ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát ngay khi nhận được văn bản yêu cầu, trước khi hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm.
Ở giai đoạn sơ thẩm luật quy định Tòa án gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát, còn ở giai đoạn phúc thẩm Điều 187 Luật tố tụng hành chính không quy định Tòa án phải gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát là gây khó khăn cho công tác kiểm sát, luật cần bổ sung thông báo thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát ở giai đoạn phúc thẩm.
T.T