Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để xem xét quyết định việc khởi tố vụ án hình sự hay không...
Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Phú Yên
Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm kịp thời phát hiện hành vi phạm tội, từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để xem xét quyết định việc khởi tố vụ án hình sự hay không. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Tại Điều 12, 13 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích của chức năng này, khẳng định Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố ngay từ khi Cơ quan chức năng giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và trong suốt quá trình điều tra.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, ngày 02/8/2013 Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi tắt là Thông tư 06). Việc ban hành Thông tư này có ý nghĩa quan trọng, tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức và áp dụng pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên có nội dung hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó, Thông tư đã tháo gỡ một cách cơ bản những vướng mắc về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong những năm qua Ngành kiểm sát luôn đặt yêu cầu tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra để thực hiện tốt chủ trương “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều ttra”. Ngày 17/10/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (Gọi tắt là Quy chế 422) đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện tốt công tác này.
VKSND tỉnh Phú Yên là đơn vị luôn chú trọng thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác này, coi đây là nội dung đột phá để phấn đấu thực hiện và đạt các chỉ tiêu công tác cao. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng một số kinh nghiệm của VKSND tỉnh Phú Yên nhằm thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố để bạn đọc tham khảo:
Một là Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao một số nhiệm vụ điều tra, đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận tố giác, tin báo, kiểm sát chặt chẽ từ đầu việc tiếp nhận, thụ lý, vào sổ tố giác, tin báo về tội phạm; đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm đã thụ lý đều có Quyết định phân công Kiểm sát viên. Đối với tin báo phức tạp hoặc có vướng mắc, Kiểm sát viên cần kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xử lý.
Hàng tuần, Kiểm sát viên được phân công làm nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải cập nhật, theo dõi việc phân loại của Cơ quan điều tra. Hàng tháng phải tiến hành rà soát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận, đã phân loại xử lý để xác định những việc Cơ quan điều tra đã làm và những việc Cơ quan điều tra chưa làm. Từ đó có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện, hạn chế để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết mà không có lý do chính đáng. Định kỳ, sau khi nhận thông báo tình hình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của đơn vị mình đến Cơ quan điều tra để cùng thống nhất số liệu; nếu phát hiện có trường hợp chưa giải quyết trong thời hạn luật định thì yêu cầu Cơ quan điều tra nêu rõ lý do và hướng giải quyết.
Hai là, thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp, duy trì việc tổ chức giao ban đình kỳ với liên ngành tư pháp cùng cấp, thông qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn giải quyết đối với tin báo, tố giác tội phạm phức tạp. Chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra họp bàn phân loại xử lý tố giác, tin báo tội phạm.
Ba là, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ, nắm chắc tiến độ, kết quả xác minh của Cơ quan điều tra. Kịp thời đề ra yêu cầu xác minh có chất lượng, bám sát các dấu hiệu pháp lý của tội phạm, căn cứ khởi tố vụ án hình sự, những tài liệu, chứng cứ cần thu thập, những vấn đề có tính bắt buộc phải làm rõ khi xác minh loại vụ việc…. Đối với những tin báo, tố giác sắp hết hạn xác minh nhưng thấy chưa rõ cơ sở để xác minh có hay không có tội phạm xảy ra thì yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh để kết thúc việc giải quyết đúng hạn.
Để đảm bảo việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm có căn cứ, đúng pháp luật cần có sự thống nhất đường lối xử lý trong việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy Điều tra viên cần chuyển toàn bộ hồ sơ xác minh cho Kiểm sát viên nghiên cứu, thống nhất trước khi kết luận, trường hợp phức tạp hoặc quan điểm Điều tra viên, Kiểm sát viên không thống nhất phải báo cáo Lãnh đạo họp bàn để xử lý.
Khi xác định có dấu hiệu tội phạm, nếu Cơ quan điều tra không khởi tố, thì Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố để tiến hành điều tra, kiên quyết tránh tình trạng mặc dù đủ dấu hiệu tội phạm nhưng chờ khi nào xác định được đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra đồng thời khởi tố vụ án và khởi tố bị can để tiến hành điều tra làm cho thời hạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm kéo dài, vi phạm thời hạn theo khoản 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự.
Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của Cơ quan điều tra về các trường hợp tố giác, tin báo đã hết hạn giải quyết nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, trong thời hạn 6 ngày làm việc, Kiểm sát viên cùng Điều tra viên nghiên cứu kết quả đã xác minh và báo cáo với lãnh đạo hai cơ quan để cùng thống nhất quan điểm giải quyết (xác định những nội dung cần tiếp tục yêu cầu xác minh, thời hạn xác minh tiếp theo, biện pháp áp dụng cụ thể để giải quyết vụ việc).
Bốn là, phải kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt dộng điều tra trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Kiểm sát viên phải cùng Điều tra viên lập biên bản xác định vi phạm, báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành văn bản kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm.
Năm là, tăng cường công tác quản lý chỉ đạo điều hành trong quá trình kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bố trí Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm chuyên làm công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì ở đó kết quả thực hiện tốt, chất lượng giải quyết án hình sự được nâng cao, hạn chế việc khiếu kiện kéo dài.
Tăng cường kiểm tra công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát huyện, thị xã, thành phố và các phòng nghiệp vụ kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn vướng mắc để nhắc nhở, khắc phục.
Xây dựng mối quan hệ phối hợp tốt với Cơ quan điều tra cùng cấp thông qua Quy chế phối hợp giữa 2 ngành. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Quy chế 422.
Sáu là, Viện kiểm sát phải chủ động trong việc tiếp nhận, nắm bắt, quản lý tố giác, tin báo về tội phạm. Đa dạng hóa về hình thức và nguồn tiếp nhận, không được coi việc nắm bắt thông qua Cơ quan điều tra là duy nhất, chủ động phối hợp với cơ quan Thanh tra, Thuế, Kiểm lâm, quản lý thị trường, Hải quan, qua phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện nghiêm chế độ trực nghiệp vụ, đặt “Hòm thư tố giác tội phạm”; phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các cuộc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… để nắm bắt tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
TH (biên tập)