Thực hiện chương trình cải cách tư pháp với chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm …
VKSND Tp. Hải Dương kiến nghị phòng ngừa vi phạm tội phạm
Thực hiện chương trình cải cách tư pháp với chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm …; Nghị quyết 63/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong thời gian qua tình hình an ninh,chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hải Dương, ổn định, tuy nhiên thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự cho thấy tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án có đối tượng phạm tội là người chưa thành niên, còn đang là học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Mục đích, động cơ phạm tội chủ yếu để có tiền ăn chơi và chơi điện tử, sử dụng các quán Internet làm nơi tụ tập thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác các quán kinh doanh Internet, trò chơi điện tử mở cửa hoạt động không tuân thủ pháp luật dẫn đến nhiều học sinh bỏ học vì chơi điện tử. Sau khi xem xét về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Dương nhận thấy có nguyên nhân từ những thiếu sót sơ hở trong công tác quản lý giám sát học sinh của nhà trường và công tác quản lý nhà nước trong hoạt động Internet, trò chơi điện tử trên địa bàn thành phố Hải Dương. Trang tin VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo.
Thời gian, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ án, đều xuất phát từ nguyên nhân cần tiền để chơi điện tử, các đối tượng là học sinh phổ thông đã phạm một số tội như: Cưỡng đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trộm cắp tài sản…
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội của các đối tượng là do cần tiền để chơi điện tử. Trách nhiệm một phần thuộc về các trường THPT Nguyễn Du, THPT Thành Đông, THCS Tứ Minh chưa có các hình thức xử lý nghiêm khắc để hạn chế việc học sinh bỏ giờ đi chơi điện tử nên phát sinh phạm tội. Việc giáo dục, giám sát, quản lý đối với thanh thiếu niên chưa đủ 18 tuổi là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, gia đình và xã hội. Tuy nhiên đối với các em học sinh đang theo học tại các trường học thì nhà trường giữ vai trò chủ yếu trong công tác tuyên truyền, giáo dục đồng thời phải có biện pháp phối hợp với các Ban ngành, gia đình và xã hội quản lý, giám sát học sinh của mình.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước thì Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương chưa sát sao trong việc kiểm tra và chưa có biện pháp xử lý kịp thời đối với các điểm kinh doanh để các điểm kinh doanh mạng Internet hoạt động ngoài giờ quy định và không thực hiện việc vào sổ thống kê chi tiết thông tin về khách hàng để giám sát, quản lý các đối tượng này. Việc quản lý chưa chặt chẽ hoạt động kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử đã tạo kẽ hở làm phát sinh tội phạm, gây mất trật tự trên địa bàn thành phố Hải Dương và khó khăn cho công tác điều tra tội phạm.
Tại mục 4 Điều 35 và mục 8 Điều 36 Nghị định số 73 ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định:
“Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế của địa phương giao Sở thông tin và truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện chủ trì việc cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng và chỉ đạo tổ chức thnh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn”.
Chủ điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng có quyền và nghĩa vụ sau đây: “Không được hoạt động từ 22h00 đêm đến 8h00 sáng hôm sau”
Tại điều 17, điểm 10, điểm b mục 3 Điều 6 Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và dịch vụ trò chơi trực tuyến trên địa bàn tỉnh Hải Dương quy định:
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành chwucs năng tinht trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động Internet, các đại lý Internet và trò chơi trực tuyến tại địa phương; phối hợp và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
Thời gian đóng mở cửa của đại lý Internet và dịch vụ trò chơi trực tuyến từ 8h00 đến 22h00 hàng ngày.
Điều kiện kỹ thuật của đại lý Internet và dịch vụ trò chơi trực tuyến phải có hệ thống các sổ sách: Sổ đăng ký sử dụng dịch vụ trong đó thống kê đầy đủ chi tiết thông tin về khách hàng gồm: họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu, thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, thẻ sinh viên) và thời gian sử dụng dịch vụ.
Việc các trường THPT Nguyễn Du, THPT Thành Đông, THCS Tứ Minh quản lý, giám sát học sinh chưa chặt chẽ; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương chưa tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành kịp thời thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với vi phạm trong hoạt động kinh doanh Internet và trò chơi điện tử trên địa bàn thành phố Hải Dương là một trong những nguyên nhân và điều kiện phát sịnh tội phạm.
Để đảm bảo cho việc chấp hành pháp luật được nghiêm minh và thống nhất, Viện trưởng VKSND Tp Hải Dương Kiến nghị: Yêu cầu Ông Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương thực hiện những nội dung sau:
Thông báo bằng văn bản những thiếu sót sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ Internet trên địa bàn thành phố Hải Dương đến các Ủy ban nhân dân phường (xã) trong thành phố Hải Dương để rút kinh nghiệm chung, đưa ra các biện pháp cụ thể để phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Chỉ đạo các Ban ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ trong hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm để đảm bảo hoạt động kinh doanh dịch vụ Internet và trò chơi điện tử trên địa bàn thành phố đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu Hiệu trưởng các trường THPT Nguyễn Du, THPT Thành Đông, THCS Tứ Minh tổ chức họp rút kinh nghiệm đề ra các biện pháp quản lý, giáo dục, giám sát học sinh, đồng thời phối hợp với các Ban ngành, gia đình tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, định hướng cho học sinh năng cao nhận thức và kiến thức về chấp hành pháp luật./.
TH