Qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành kiến nghị gửi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Các vi phạm chủ yếu là...
VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị phòng ngừa
vi phạm, tội phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
Qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành kiến nghị gửi Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Các vi phạm chủ yếu là:
Để lộ tên truy cập, mật khẩu, vi phạm quy chế an toàn bảo mật hệ thống công nghệ thông tin từ đó người phạm tội là nhân viên Ngân hàng lợi dụng làm giả hồ sơ rút tiền như: Nguyễn Kế Huy, nhân viên tiếp thị Ngân hàng Á Đông chi nhánh Đắk Lắk, từ tháng 8/2009 đến tháng 9/2010 đã sử dụng mật khẩu và tên đăng nhập của các Kiểm soát viên Ung Nho Thưởng, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thanh Thủy để duyệt chi 718 hồ sơ do Huy làm giả, chiếm đoạt số tiền 3.374.689.800đ của Ngân hàng Đông Á.
Thiếu trách nhiệm trong quản lý hồ sơ thế chấp, thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay để nhân viên lợi dụng sơ hở lấy hồ sơ thế chấp lập hồ sơ vay mới hoặc đem đi cầm cố lừa đảo; như Võ Thị Hồng Điệp cán bộ tín dụng Chi nhành Ngân hàng nông nghiệp Tân Lập giúp đáo hạn cho các khách hàng: Lê Nguyễn Quang Huy 120.000.000đ, Nguyễn Xuân Lâm 330.000.000đ, Nguyễn Thị Lan 90.000.000đ, Vũ Thị Út 380.000.000đ bằng cách đưa các cá nhân trên vay 920.000.000đ của Nguyễn Phi Hải, ở 54 Trần Phú, Tp. Buôn Ma Thuột, rồi đưa cho Điệp để thanh toán nợ đến hạn và làm thủ tục vay mới. Điệp không nộp tiền thanh toán đến nợ cho khách mà mượn hồ sơ vay vốn có tài sản thế chấp của các khách hàng, lập chứng từ xóa chấp cho hồ sơ của Lê Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Xuân Lâm và Vũ Thị Út, còn hồ sơ của Nguyễn Thị Lan thì làm phụ lục hợp đồng nói dối với Giám đốc Ngân hàng là các khách hàng đã trả hết nợ để Giám đốc tin, ký đề nghị xóa đăng ký thế chấp tài sản và phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản. Điệp lấy tài sản thế chấp (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) ở hồ sơ cũ đưa vào hồ sơ xin vay mới đứng tên đồng chủ sở hữu. Sau khi Ngân hàng giải ngân, các khách hàng đã trả tiền vay cho Nguyễn Phi Hải 920.000.000đ.Như vậy,Võ Thị Hồng Điệp đã chiếm đoạt số tiền 920.000.000đ của chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp Tân Lập.Ngoài ra Điệp còn lấy 08 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 07 bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng do Điệp quản lý không nộp vào kho mà giữ lại sau đó mang ra cầm cố, thế chấp cho các cá nhân bên ngoài để vay tiền, chiếm đoạt của nhiều người với tổng số tiền 23.200.875.000đ.
Thực hiện không đúng các quy định về thẩm định tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, tình hình tài chính, kiểm tra sử dụng vốn vay, như: Đinh Ngọc Trúc làm Giám đốc, kinh doanh bị thua lỗ lớn nhưng vẫn báo cáo tài chính có lãi và sử dụng 05 hợp đồng xuất khẩu ký với Công ty ASALJAZA ở Inđonexia (05 hợp đồng xuất khẩu này không có thật) để ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng phát triển chi nhánh Đắk Lắk- Đắk Nông vay 72 tỷ đồng, thời hạn trả nợ là ngày 18/02/2011. Vay được tiền, doanh nghiệp trả nợ các khoản vay trước đó mà không mua cà phê xuất khẩu theo mục đích vay, dẫn đến nợ 57,746 tỷ đồng tiền gốc và 16,86 tỷ đồng tiền lãi không có khả năng thanh toán. Trúc đã bỏ trốn.
Không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục cho vay, như: Đinh Thị Sáu, Hồ Thị Huệ đã làm giả hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 20 người dân ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana cho vợ chồng Sáu, Huệ và nhờ Đinh Thị Lưu, Phan Đức Thắng, Nguyễn Thị Nhị, Mô Văn Duy, Nguyễn Văn Tài đứng tên. Lợi dụng việc sơ hở thiếu kiểm tra của cán bộ Ngân hàng về thủ tục vay vốn để lừa dối chiếm đoạt Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương chi nhánh Đắk Lắk tổng số tiền là 4.635.493.688 đồng.
Không thực hiện đúng quy định về kiểm tra giám sát vốn vay, như: Doanh nghiệp tư nhân Chung Đào vay 40 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á chi nhánh Đắk Lắk theo 08 hợp đồng vay vốn, tài sản đảm bảo thanh toán là 1800 tấn cà phê nhân xô (Thực tế theo sổ sách của doanh nghiệp thì chỉ cầm cố 1.179 tấn) và nhà xưởng trên diện tích 3.571m2 tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Từ ngày 25/3/2010 đến ngày 05/4/2010 doanh nghiệp Chung Đào đã phá kho lấy toàn bộ cà phê trong kho xuất bán, lấy tiền trả nợ cho người dân gửi cà phê tài kho của doanh nghiệp.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ rõ nguyên nhân cần khắc phục của các sai phạm trên là do cán bộ Ngân hàng thực hiện chưa đúng Quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ bảo mật; kiểm soát, dẫn đến các đối tượng phạm tội nhiều lần, thời gian dài, cùng phương thức, thủ đoạn phạm tội nhưng hệ thống kiểm soát không phát hiện được. Quy định về trình tự, cách thức thẩm định hồ sơ vay, trình tự, cách thức kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay thiếu cụ thể; lãnh đạo Ngân hàng thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát; cán bộ tín dụng thiếu trách nhiệm trong việc thẩm tra hồ sơ vay và kiểm tra việc sử dụng vốn vay; Cán bộ tư lợi nên cố ý làm trái quy định của Ngân hàng trong cho vay làm thất thoát vốn.
Thanh Tâm