Năm 2011, công tác Tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều cố gắng, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Cụ thể những vấn đề trọng tâm sau...
Công tác tổ chức cán bộ ngành Kiểm sát
và nội dung cơ bản cần tập trung chỉ đạo thời gian tới
(Tham luận của Vụ Tổ chức cán bộ, tại HN triển khai công tác kiểm sát 2012)
Năm 2011, công tác Tổ chức cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân có nhiều cố gắng, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Cụ thể những vấn đề trọng tâm sau:
1. Xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân
Năm 2011 Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động hướng dẫn Viện kiểm sát nhân dân các địa phương triển khai công tác khảo sát nghiên cứu đề xuất việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo Kết luận số 79-KL/TW, ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, cụ thể: ngoài các tiêu chí về khối lượng công việc; đặc điểm về địa lý, chính trị xã hội; và điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng cán bộ...các Viện kiểm sát nhân dân địa phương còn phải chú ý đến “quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân khu vực với Cơ quan điều tra cấp huyện là hoạt động thường xuyên, phối hợp xử lý nhiều tình huống đột xuất như tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…khác với hoạt động ổn định của Tòa án). Hiện nay các Viện kiểm sát nhân dân địa phương đã có báo cáo và Viện kiểm sát nhân dân đã tập hợp xong.Tuy nhiên, nhiều Viện kiểm sát địa phương đề xuất phương án chưa phù hợp. Nguyên nhân là do các Viện kiểm sát địa phương này chưa quán triệt sâu sắc ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác này theo đúng tinh thần chỉ đạo củalãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, còn thụ động chờ đề xuất của Tòa án mà chưa thấy được đặc thù riêng của Ngành và những khó khăn vướng mắc để báo cáo kịp thời. Năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần đề xuất phương án có tính khả thi cao. Song song việc nghiên cứu đề xuất phương án thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Hội nghị công tác Tổ chức cán bộ tháng 6/2011 tại Tp. Hồ Chí Minh đã xác định: “Cần nghiên cứu xây dựng mô hình đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân một cách hợp lý. Đối với các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử có thể nghiên cứu đề nghị chuyển sang mô hình các “Viện” (ví dụ: Vụ 1 chuyển thành Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế chức vụ...)”. Vụ Tổ chức cán bộ đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao các phương án tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân cho phù hợp hơn với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành(trong đó có việc đổi mới và kiện toàn Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân). Năm 2011 công tác này tiếp tục được tăng cường(thành lập thêm cácđơn vị cấp phòng, bổ sung cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Vụ, cấp phòng).Vụ đã hướng dẫn các Viện kiểm sát nhân dân địa phương về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường cán bộ cho công tác kiểm sát giải quyết án dân sự và án hành chính. Một số địa phương đã thành lập thêm phòng kiểm sát giải quyết án hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại và các việc khác và bổ sung cán bộ cho các đơn vị này. Phối hợp với các cơ sở đào tạo mở 4 khoá bồi dưỡng nghiệp vụ cho gần 600 cán bộ làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính của cácViện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đồng thời khảo sát và đang hoàn chỉnh Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác kiểm sát giải quyết án dân sự và án hành chính để triển khai thực hiện vào đầu năm 2012
2. Công tác tuyển dụng công chức
Trước những khó khăn của công tác tuyển dụng công chức, năm 2011 Vụ Tổ chức đã có nhiều biện pháp đôn đốc các Viện kiểm sát địa phương và tham mưu cho Lãnh đạo Viện một số giải pháp thúc đẩy việc tuyển dụng công chức. Năm 2012 tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng biên chế và số lượng Kiểm sát viên các cấp để đáp ứng nhu cầu cán bộ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhất là để thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung) và Luật tố tụng hành chính. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng sẽ ngày càng lớn và do đó cũng sẽ tạo áp lực cho công tác tuyển dụng ở những nơi khó khăn về nguồn tuyển dụng.
3. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; quy hoạch và luân chuyển cán bộ
Năm 2011, Vụ đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện vềhướng dẫn nhận xét, đánh giá cán bộ; rà soát quy hoạch lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp giai đoạn 2010 – 2015; xây dựng Kế hoạch luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổng kết 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, rút ra những bài học kinh nghiệm để đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
4. Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ
Để khắc phục tình trạng hẫng hụt giữa các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Ngành, Vụ Tổ chức cán bộ đã tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện nhiều giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực; đang hoàn chỉnh Đề án thí điểm tuyển chọn nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ cấp vụ và Viện kiểm sát cấp tỉnh.
5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, phát triển nhân lực
Vụ Tổ chức cán bộ đã tích cực tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức như:
Ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát giai đoạn 2011-2015; ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức mới theo quy định của Chính phủ và yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Ngành.
Tổ chức thực hiện vượt mức Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2011; chỉ đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình, tài liệu, đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời mở các khoá bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính;
Tuyển dụng nguồn nhân lực khoá IV, đưa tổng số đối tượng lớp nguồn lên 94 người; đồng thời đang tích cực đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, ngoại ngữ trong nước, ngoài nước và cử đi thực tế ở Viện kiểm sát địa phương. Trên cơ sở đó phân loại cán bộ, công chức lớp nguồn theo hướng: đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ và chuyên gia đầu ngành; đào tạo lãnh đạo, quản lý.
Tổ chức khảo sát, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với một số cơ sở đào tạo nước ngoài (Australia, Ucraina); quan hệ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 165 thuộc Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Giáo dục và đào tạo; Đại sứ quán úc…để cử cán bộ đào tạo Tiếng Anh, đào tạo sau đại học ở nước ngoài hoặc đào tạo liên kết với nước ngoài (đã đào tạo được 13 thạc sỹ; 36 cán bộ nâng cao trình độ ngoại ngữ nước ngoài, 29 cán bộ nâng cao trình độ ngoại ngữ trong nước thuộc lớp nguồn);
Mở các khoá đào tạo cho cán bộ các lớp học nghiệp vụ ở Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát; đào tạo Tiếng Anh cho lớp nguồn nhân lực khoá III và cán bộ, công chức.
Báo cáo với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Giáo dục về việc đề nghị cho thành lập Học viện kiểm sát trên cơ sở Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát hiện nay; phối hợp với Bộ Công an trong công tác đào tạo, nhất là đào tạo văn bằng hai đại học luật, đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ điều tra và đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ;
Tham mưu cho Lãnh đạo Viện báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung danh mục để Ngành xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Đồng thời tham mưu xây dựng bản Quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ cho việc phát triển nhân lực của Ngành trong giai đoạn mới.
Năm 2012 Vụ Tổ chức sẽ tích cực phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát và phân hiệu Trường tại Tp. Hồ Chí Minhxây dựng hồ sơ, xử lý các vấn đề pháp lý để đề nghị cấp có thẩm quyền cho thành lập Học viện Kiểm sát có chức năng đào tạo cán bộ cho Ngành ở bậc đại học, sau đại học và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát. Đồng thời các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các Viện kiểm sát địa phương cần tập trung triển khai thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2020 đã được Viện trưởng Viện kiêm sát nhân dân tối cao ban hành. Trong đó cần tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ kiểm sát phục vụ cho nhu cầu bổ nhiệm Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp. Khuyến khích Viện kiếm sát các tỉnh, thành phố nơi có nhu cầu cao phối hợp với Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát mở các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát theo cụm cho địa phương đó hoặc phối hợp với các tỉnh lân cận; khuyến khích các Viện kiểm sát cấp tỉnh tự mình hoặc phối hợp với các Trường mở các khoá bồi dưỡng ngắn hạn để tiết kiệm kinh phí, thời gian và tận dụng được kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia làm nghiệp vụ thực tiễn ở các Viện địa phương. Từng bước hình thành các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ theo cụm, bố trí ở các địa phương có lợi thế về cơ sở vật chất, điều kiện đi lại (có nhiều nơi đã có cơ sở vật chất ban đầu của Viện kiểm sát như Thanh Hoá, Nghệ An, Vũng Tàu…). Cùng với Học viện Kiểm sát và các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ được bố trí hợp lý ở các khu vực trong cả nước, tiến tới hình thành hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành.
6. Việc tiếp tục thực hiện Pháp lệnh kiểm sát viên (sửa đổi, bổ sung)
Sau khi Pháp lệnh Kiểm sát viên (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực, Vụ Tổ chức đã tham mưu cho lãnh đạo triển khai thực hiện trong toàn Ngành, kịp thời chuyển đổi ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh và Kiểm sát viên cấp huyện thành Kiểm sát viên trung cấp và sơ cấp. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh còn gặp một số khó khăn như:
Theo Pháp lệnh, tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp nên mặc dù Pháp lệnh quy định tại Viện kiểm sát nhân dân có các ngạch Kiểm sát viên khác nhau nhưng thực tế số lượng Kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp rất ít, chỉ gồm những người chuyển từ các địa phương về trong thời gian gần đây, không thực hiện được việc bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại. Trong khi đó số lượng Kiểm sát viên chỉ có 170 chỉ tiêu, không đủ để bố trí cho nhu cầu thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của các đơn vị. Một số đơn vị tuy không trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác có tính chiến lược của Ngành cũng cần có một tỷ lệ nhất định cán bộ có chức danh Kiểm sát viên ở các ngạch khác nhau để khuyến khích và đào tạo cán bộ cho Ngành (như công tác nhà trường, công tác tổ chức cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học…). Vì vậy, năm 2012 cùng với việc đề nghị tăng biên chế, cần đề nghị tăng chỉ tiêu các ngạch Kiểm sát viên phù hợp với nhu cầu của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế pháp lý để có thể bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp, sơ cấp ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Hiện nay cùng một cấp Kiểm sát có các ngạch Kiểm sát viên khác nhau nhưng chức trách, nhiệm vụ của từng ngạch Kiểm sát viên như thế nào chưa có quy định cụ thể. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp rà soát, nghiên cứu đề xuất lãnh đạo quyết định sửa đổi, bổ sung các quy chế nghiệp vụ cho phù hợp với quy định mới về các ngạch Kiểm sát viên. Đề nghị Lãnh đạo giao cho các đơn vị nghiệp vụ nghiên cứu, đề xuất việc phân định trách nhiệm của từng ngạch Kiểm sát viên trong cùng một cấp Kiểm sát, trên cơ sở đó sửa đổi các quy chế nghiệp vụ phù hợp với quy định của Pháp lệnh.
Thái Hưng - Quốc Hưng