Theo quy đinh của Bộ luật tố tụng dân sự Việt nam (BLTTDS), việc dận sự là “việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức, yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động” (Điều 311 BLTTDS).
TRAO ĐỔI VỀ VƯỚNG MẮC KHI GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ
“YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN“
Nguyễn Thanh Trúc
Phân hiệu Trường đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo quy đinh của Bộ luật tố tụng dân sự Việt nam (BLTTDS), việc dận sự là “việc cá nhân, cơ quan, tổ chức không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của mình hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức, yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động” (Điều 311 BLTTDS).
Như vậy, việc dân sự chính là yêu cầu của một bên, hoặc các bên khi đã có sự thỏa thuận thống nhất và chỉ yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận theo nội dụng của yêu cầu đó. Những việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 311 BLTTDS bao gồm cả việc Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về những điều cần giải quyết trong cuộc hôn nhân thì họ làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận cho họ được thuận tình ly hôn.
Do đặc trưng của việc dân sự là chỉ có yêu cầu chứ không có tranh chấp, nên BLTTDS không quy định trình tự hòa giải trong phần thủ tục giải quyết việc dân sự, khi đã đủ điều kiện theo luật định, Tòa án có trách nhiệm mở phiên họp xét đơn yêu cầu, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của các đương sự và đó chính là vướng mắc trong giải quyết việc Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Điều 88 Luật Hôn nhân - gia đình quy định: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.
Điều 10 BLTTDS quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
Theo các quy định trên, việc giải quyết Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn của các Toà án địa phương có sự không thống nhất. Một số Tòa án địa phương khi giải quyết việc Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn đã tiến hành mở phiên họp xét đơn yêu cầu mà không cần tiến hành thủ tục hòa giải giữa các đương sự, điều này không trái với các quy định tại Chương XX BLTTDS (quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự). Lý do Thẩm phán không cần tiến hành hòa giải là trình tự giải quyết việc dân sự không quy định thủ tục hòa giải, hơn nữa việc dân sự chỉ có yêu cầu chứ không có tranh chấp, do vậy Thẩm phán không có lý do để tiến hành hòa giải.
Thế nhưng ở một số địa phương khác, khi giải quyết việc Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Thẩm phán đã tiến hành thủ tục hòa giải trước khi mở phiên họp xét đơn yêu cầu, căn cứ để hòa giải là các quy định về trách nhiệm hoà giải của Tòa án theo các điều luật đã trích dẫn ở trên đây, xin nêu một vài ví dụ:
Ví dụ 1: Ngày 09-10-2009, Tòa án Quận M. Thành phố H thụ lý việc dân sự Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu của anh Nguyễn Thế Đạo và chị Nguyễn Thị Kiều Phương, ngày 18-11-2009, Thẩm phán thụ lý vụ án tiền hành phiên hòa giải giữa các đương sự về 3 mối quan hệ: quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản chung vợ chồng, kết quả phiên hòa giải là ngày 18-11-2009, các đương sự làm đơn xin rút yêu cầu về con cái và tài sản, chỉ yêu cầu Tòa công nhận cho họ được thuận tình ly hôn. Và Thẩm phán đã mở phiên họp xét đơn yêu cầu, chấp nhận cho anh Đạo và chị Phương được thuận tình ly hôn.
Ví dụ 2: Ngày 06-11-2009, Tòa án Quận M. Thành phố H thụ lý việc dân sự Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo yêu cầu của chị Hồ Thị Kim Chi và anh Nguyễn Khắc Quyền, ngày 15-12-2009 Thẩm phán tiến hành hòa giải nhưng các đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu, ngày 28-12-2009 Thẩm phán mở phiên họp, xét và chấp nhận yêu cầu được công nhận thuận tình ly hôn của các bên.
Theo chúng tôi, căn cứ để tiến hành hòa giải của Tòa án trong giải quyết các việc dân sự như trên là chưa chính xác, bởi luật quy định đã là việc dân sự thì không có tranh chấp và ngược lại, khi các bên đã thống nhất và có chung yêu cầu thì Thẩm phán không có lý do để hòa giải, còn nếu đã tiến hành hòa giải thì việc dân sự đã trở thành vụ án dân sự. Có Thẩm phán cho rằng cần phải hòa giải để đương sự rút đơn trở về đoàn tụ, nên chăng điều này có thể được tiến hành trong phiên họp xét đơn yêu cầu chứ không nên mở phiên hòa giải riêng như một số Thẩm phấn đã tiến hành, để việc dân sự được hiểu đúng nghĩa như pháp luật quy định.
Từ việc thi hành pháp luật của một số Tòa án địa phương như trên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc thực hiện Luật được dễ dàng, thống nhất.