CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vướng mắc, bất cập về chủ thể theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

22/02/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong quá trình thi hành, BLTTHS năm 2015 bộc lộ những vướng mắc, bất cập khi quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể có trách nhiệm trong việc phòng, chống tội phạm không cụ thể...

 

Trong quá trình thi hành, BLTTHS năm 2015 bộc lộ những vướng mắc, bất cập khi quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể có trách nhiệm trong việc phòng, chống tội phạm không cụ thể, rõ ràng, dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có cách hiểu khác nhau khi thực hiện điều luật.

Đối tượng chịu trách nhiệm hình sự

Điều 9 BLTTHS quy định: “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.

Đối tượng có trách nhiệm trong việc phòng, chống tội phạm

Điều 5 BLTTHS quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó, trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.

Như vậy, BLTTHS quy định đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là cá nhân và pháp nhân, đồng thời quy định trách nhiệm phòng, chống tội phạm là cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Tuy nhiên, Điều 4 BLTTHS không giải thích từ ngữ thế nào là “tổ chức”. Thông thường, từ ngữ pháp lý hay được sử dụng là “tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị nghề nghiệp…”. Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thường gọi là pháp nhân.

Một số vướng mắc, bất cập khi thực hiện quy định của BLTTHS

Trong quá trình thực hiện một số điều luật của BLTTHS, do quy định chưa thống nhất về quyền và nghĩa vụ đối với các chủ thể phạm tội nên khó thực hiện. Mặt khác, BLTTHS quy định trách nhiệm phòng, chống tội phạm là của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân nhưng không giải thích tổ chức là gì nên làm cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có cách hiểu và thực hiện khác nhau; chẳng hạn:

- Điều 2 BLTTHS quy định: “BLTTHS có nhiệm vụ bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.” Thế nhưng, BLTTHS không quy định “không làm oan đối với pháp nhân”, nên nếu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm oan đối với pháp nhân thì có bị xử lý theo quy định của pháp luật hay không?

- Điều 8 BLTTHS quy định: “Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”. Như vậy, đối với pháp nhân, BLTTHS không quy địnhbảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân” thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của pháp nhân hay không?

- Điều 9 BLTTHS quy định: “Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.” Thế nhưng đối với pháp nhân, BLTTHS  không quy định rõ “Bất cứ pháp nhân nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.” Quy định như thế làm cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng sẽ áp dụng BLTTHS không thống nhất, có thể có pháp nhân phạm tội nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật. 

Mặt khác, BLTTHS không giải thích rõ thế nào là “tổ chức”, nên làm cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không hiểu “tổ chức” theo quy định của BLTTHS có bao hàm cả doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… hay không. Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về “tổ chức”, đó là doanh nghiệp công ty…. không phải là tổ chức và quan điểm thứ hai cho rằng doanh nghiệp, công ty là tổ chức, nên khó phân định trách nhiệm phòng, chống tội phạm theo quy định của BLTTHS.

- Điều 13 BLTTHS quy định nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Như vậy, pháp nhân phạm tội không được quy định trong nguyên tắc suy đoán vô tội thì có áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội đối với pháp nhân hay không? Khi không đủ chứng cứ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có được kết luận pháp nhân bị buộc tội không có tội  hay không?

Mặt khác, Điều 14 BLTTHS quy định về không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm: “Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm”. Như vậy, đối với pháp nhân, BLTTHS không quy định như cá nhân (người phạm tội) thì có được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân mà hành vi phạm tội của pháp nhân đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp nhân thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm (có được kết án pháp nhân hai lần vì một tội phạm) hay không?

BLTTHS quy định không rõ ràng như đã nêu trên nên làm cho cơ quan và người tiến hành tố tụng hiểu khác nhau, dẫn đến thực hiện BLTTHS chưa được thống nhất, dễ xảy ra oan sai hay bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội, gây khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm.

Kiến nghị

Qua bài viết này, tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn thi hành các Điều 2, Điều 8, Điều 9, Điều 13, Điều 14 BLTTHS để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hiểu và thực hiện được thống nhất, giải quyết các vướng mắc, bất cập như đã nêu trên, nhằm tránh xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người, pháp nhân phạm tội, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phòng, chống tội phạm theo quy định của BLTTHS.

Thanh Hằng

(biên tập)

 

Tìm kiếm