CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự

01/04/2020
Cỡ chữ:   Tương phản
Kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa, theo chúng tôi đó là khả năng Kiểm sát viên sử dụng những tri thức của bản thân một cách nhuần nhuyễn, có hiệu quả vào hoạt động tranh tụng tại phiên tòa trên nền những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất định trong hoạt động tranh tụng...

 

Kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa, theo chúng tôi đó là khả năng Kiểm sát viên sử dụng những tri thức của bản thân một cách nhuần nhuyễn, có hiệu quả vào hoạt động tranh tụng tại phiên tòa trên nền những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất định trong hoạt động tranh tụng.

Trong tiến trình cải cách tư pháp, để tăng cường tranh tụng tại phiên tòa nhằm đạt được mục đích của tố tụng hình sự là phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì các bên tham gia tranh tụng tại phiên tòa phải thể hiện được vai trò của mình. Đối với Kiểm sát viên, để thực hiện được vai trò công tố buộc tội bị cáo tại phiên tòa, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có những phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp nhất định. Một trong những kỹ năng hết sức quan trọng đó là kỹ năng giao tiếp trong tranh tụng tại phiên tòa với những người tiến hành tố tụng (như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án); kỹ năng giao tiếp, tiếp xúc với những người tham gia tố tụng (như: người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật sư, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác, người giám định, người phiên dịch, bị cáo,...).

Đại diện Viện kiểm sát luận tội các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án

liên quan đến nhà đất tại 15 Thi Sách - TP HCM (Ảnh: Thành Chung)

Kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa, theo chúng tôi đó là khả năng Kiểm sát viên sử dụng những tri thức của bản thân một cách nhuần nhuyễn, có hiệu quả vào hoạt động tranh tụng tại phiên tòa trên nền những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất định trong hoạt động tranh tụng như: Kỹ năng lắng nghe; Kỹ năng quan sát; Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ; Kỹ năng đặt câu hỏi; Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể; Kỹ năng rà soát lại những cáo buộc của Kiểm sát viên; Kỹ năng đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái; Kỹ năng thuyết phục; Kỹ năng xử lý đối với các tình huống đột xuất, bất thường; Kỹ năng duy trì sự tự tin; Kỹ năng từ chối giao tiếp; Kỹ năng ghi nhớ và bảo đảm sự nhất quán trong trình bày các nội dung đã chuẩn bị từ trước; Kỹ năng thay đổi trạng thái giao tiếp; Kỹ năng ghi nhận những điểm tương đồng; Kỹ năng sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Những kỹ năng này sẽ được chúng tôi đi sâu vào phân tích dưới đây:

Kỹ năng lắng nghe

Tại phiên tòa, sau khi công bố bản cáo trạng, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe Hội đồng xét xử đặt câu hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời chú ý lắng nghe lời trình bày của họ nhằm giúp Kiểm sát viên phát hiện những vấn đề liên quan của vụ án chưa được xét hỏi để khi đến lượt mình xét hỏi, Kiểm sát viên có thể đặt câu hỏi bổ sung một cách chính xác, đầy đủ, giúp cho quá trình điều tra công khai tại phiên tòa được toàn diện.

Lắng nghe bị cáo và những người tham gia tố tụng trình bày tại phiên tòa sẽ giúp Kiểm sát viên thấy được sự khác biệt, thay đổi giữa hồ sơ vụ án đã được thu thập và diễn biến thực tế tại phiên tòa có gì giống nhau và khác nhau để khi luận tội hay tham gia tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên có những nhận định, đánh giá và đề xuất xử lý vụ án được xác thực và toàn diện hơn.

Có lắng nghe tại phiên tòa mới có thể giúp Kiểm sát viên rút ra những chứng cứ thuyết phục, có giá trị cao vì nó được khai thác từ chính nguồn chứng cứ là các lời khai vừa được trình bày tại phiên tòa và tất nhiên, việc luận tội, đề nghị giải quyết vụ án của Kiểm sát viên với Hội đồng xét xử, cũng như việc thực hiện đối đáp tại phiên tòa, mới có kết quả tốt.

Khi tranh luận tại phiên tòa đòi hỏi Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe mới có thể phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc bảo vệ các luận cứ bào chữa của Luật sư, người bào chữa, bị cáo, để đưa ra quan điểm phản bác một cách hiệu quả, thuyết phục được Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe để phát hiện, vạch trần những lời khai gian dối, lời khai đổ lỗi, vu khống... được trình bày tại phiên tòa, góp phần giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác. Thông qua việc chú ý lắng nghe sẽ giúp Kiểm sát viên phát hiện những nội dung mà bị cáo, người tham gia tố tụng trình bày dài dòng, không liên quan đến vụ án để đề xuất với Chủ tọa phiên tòa cắt những lời trình bày này.

Thái độ tích cực lắng nghe của Kiểm sát viên tại phiên tòa là một trong những chỗ dựa tinh thần quan trọng đối với người bị hại, nhân chứng, bị cáo..., tạo cho họ sự tin tưởng vào pháp luật, tin tưởng vào công lý, từ đó trình bày lời khai tại tòa một cách trung thực, thành khẩn, đầy đủ, giúp Kiểm sát viên hiểu rõ bản chất vụ án để đưa ra những đề nghị thấu tình, đạt lý với Hội đồng xét xử.

Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe chủ tọa phiên tòa điều hành phiên tòa thì mới có thể thực hiện những nhiệm vụ của mình một cách chuẩn xác, kịp thời.

Kỹ năng quan sát

Phải có kỹ năng quan sát tốt tại phiên tòa khi tranh tụng mới giúp Kiểm sát viên phát hiện được sự đồng tình của Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa để tiếp tục phát huy hay ngược lại là phát hiện sự phản đối, không đồng tình với Kiểm sát viên để nhanh chóng điều chỉnh cách thức, biện pháp tranh tụng sao cho phù hợp. Có như vậy, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa mới đạt hiệu quả cao.

Phiên tòa xét xử vụ án giết chồng, phân xác ở Bình Dương (Ảnh: Đỗ Trường)

Khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải có kỹ năng quan sát tốt mới có thể phát hiện sự bất thường trên khuôn mặt, cử chỉ, hành động của những người được thẩm vấn tại phiên tòa. Ví dụ như những biểu hiện: khuôn mặt đang từ bình thường chuyển sang tái nhợt, mồ hôi tự dưng túa ra, đảo mắt liên tục để tìm kiếm sự hỗ trợ,... đây là những dấu hiệu thường thấy ở những đối tượng có sự khai báo gian dối, che giấu sự thật. Quan sát phát hiện được những biểu hiện như vậy sẽ giúp Kiểm sát viên có những phương pháp, chiến thuật thích hợp để vạch trần sự khai báo không trung thực của người được thẩm vấn tại phiên tòa.

Sự nhanh nhẹn trong quan sát khi tranh tụng tại phiên tòa giúp Kiểm sát viên dễ phát hiện được những vi phạm của những người tham gia và tiến hành tố tụng để kịp thời đề nghị Chủ tọa phiên tòa có sự chấn chỉnh và xử lý thích hợp, bảo đảm việc tranh tụng trong phiên tòa thật sự khách quan, dân chủ, bình đẳng.

Khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kỹ năng quan sát mới có thể phát hiện được những đối tượng, bị cáo cần phải được cách ly khi tiến hành xét hỏi để đề xuất với Hội đồng xét xử, nhằm tránh sự thông cung, khai báo gian dối của các đối tượng này.

Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ

Tham gia tranh tụng tại phiên tòa, nếu Kiểm sát viên càng giành được nhiều sự đồng tình ủng hộ của Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa thì càng chứng tỏ năng lực của Kiểm sát viên. Muốn vậy, khi giao tiếp, Kiểm sát viên phải có khả năng sử dụng ngôn từ thật sự đơn giản, tự nhiên, trong sáng, lưu loát, dễ hiểu, có cách hành văn rõ ràng, mạch lạc với những câu văn khúc chiết, tường minh, sẽ có khả năng thuyết phục người nghe tốt hơn những trường hợp Kiểm sát viên sử dụng ngôn ngữ có quá nhiều từ địa phương, cách trình bày dài dòng, vòng vo, sử dụng những từ tối nghĩa, câu văn lủng củng, khó hiểu... Cá biệt, có những trường hợp Kiểm sát viên sử dụng lời lẽ đao to, búa lớn hay lời lẽ mang tính mạt sát còn tạo ra sự phản cảm đối với Hội đồng xét xử và người nghe.

Kỹ năng đặt câu hỏi

Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng đối với Kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa. Bởi chỉ khi nào Kiểm sát viên đặt được câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm khi tham gia xét hỏi thì mới có thể nhận được câu trả lời thích đáng, giúp Kiểm sát viên chứng minh được tội phạm và hành vi phạm tội, đề xuất giải quyết tốt những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, đề xuất xử lý vật chứng đầy đủ, chính xác và đề xuất được việc áp dụng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo được công minh.

Khi tham gia tranh luận, đối đáp với bị cáo, luật sư, người bào chữa trong nhiều tình huống, Kiểm sát viên phải biết cách đặt câu hỏi để bác bỏ những luận điểm bào chữa sai trái, không có cơ sở.

Khi đặt câu hỏi trong tranh tụng tại phiên tòa cũng đòi hỏi Kiểm sát viên phải biết nêu câu hỏi có thứ tự, logic, câu hỏi đưa ra phải phù hợp với đối tượng được hỏi, nếu không sẽ không thể thu nhận được thông tin như mong muốn, điều đó đồng nghĩa với việc hiệu quả tham gia tranh tụng không cao.

Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngôn ngữ cơ thể có tác dụng tạo sự uy nghiêm hoặc ngược lại, tạo nên sự mất uy thế của người sử dụng. Đối với Kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa đòi hỏi phải có phong thái ung dung, đàng hoàng, đĩnh đạc, giọng nói truyền cảm, to, rõ, nét mặt nghiêm túc, tươi tắn, ánh mắt nhân từ, vị tha, nụ cười hiền hòa, nhân hậu ... Những ngôn ngữ cơ thể này có thể tạo ra cho Kiểm sát viên uy thế khi tham gia tranh tụng và giao tiếp tại phiên tòa. Ngược lại, nếu Kiểm sát viên có dáng đi liêu xiêu, tác phong thể hiện sự hấp tấp, vội vã, nét mặt toát nên sự lạnh nhạt... sẽ làm mất uy thế của Kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa.

Kiểm sát viên Lê Thị Thu Hà (VKSND tỉnh Sơn La) trả lời quan điểm bào chữa

của Luật sư và các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án Dự án thủy điện Sơn La (Ảnh: CTV)

Những cái gật đầu bày tỏ sự đồng ý của Kiểm sát viên khi nghe bị cáo và những người tham gia phiên tòa trình bày dễ dàng tạo được sự tin tưởng của người trình bày, khuyến khích họ trình bày được đầy đủ hơn, chính xác hơn.

Ánh mắt nhìn nghiêm khắc, khuôn mặt bày tỏ thái độ không đồng tình, giọng nói đanh thép sẽ có tác dụng trong đấu tranh ngăn cản và hạn chế những quan điểm sai trái, những bị cáo và người khai báo gian dối, quanh co, chối tội.

Những cái vung tay hợp lý của Kiểm sát viên trong tranh luận sẽ tạo thêm sự thuyết phục đối với người nghe.

Kỹ năng rà soát lại những cáo buộc của Kiểm sát viên

Thực hiện chức năng buộc tội tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã cáo buộc bị cáo bằng việc công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố của Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, cho dù là cáo trạng hay quyết định truy tố thì đều được xây dựng trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Do nhận thức về vụ án là một quá trình nên tất yếu sẽ có những trường hợp tại phiên tòa phát sinh những tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án. Gặp trường hợp này, đòi hỏi Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện những cáo buộc nào không còn cơ sở khẳng định để tuyên bố rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố cho phù hợp với diễn biến thực tế nhằm phát huy tính dân chủ, bình đẳng trong tranh tụng tại phiên tòa.

Khả năng ghi nhớ và bảo đảm sự nhất quán trong trình bày các nội dung đã chuẩn bị từ trước, rà soát lại những cáo buộc của Kiểm sát viên cũng đồng nghĩa với việc tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát hiện được từng vấn đề cần phải giải quyết của vụ án, đã có những chứng cứ nào chứng minh trong hồ sơ vụ án, những chứng cứ nào mới được bổ sung tại phiên tòa và những chứng cứ nào mất giá trị sử dụng qua điều tra công khai tại phiên tòa, để từ đó giúp Kiểm sát viên tranh luận, đối đáp một cách thuyết phục khi thực hiện tranh tụng tại phiên tòa.

Kỹ năng thuyết phục, động viên

Đây là một kỹ năng quan trọng mà Kiểm sát viên cần có khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa, bởi Kiểm sát viên thường xuyên phải động viên, thuyết phục các bị cáo và người khác trong trường hợp họ chối tội, phản cung hoặc thay đổi lời khai trước đó.

Sự thuyết phục, động viên của Kiểm sát viên sẽ củng cố lòng tin của những người có nghĩa vụ khai báo trước tòa nhưng vì lý do nào đó họ lại không muốn khai báo, hơn nữa, còn tạo ra sự tin tưởng cho những đối tượng khai báo thành khẩn, giúp họ khai báo rõ ràng hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn.

Kỹ năng động viên, thuyết phục của Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa sẽ củng cố lòng tin vào công lý của người bị hại, cũng như thân nhân của họ, một số trường hợp làm giảm bớt sự bức xúc từ phía người bị hại, giúp bị cáo thấy được lỗi lầm của mình để khai báo thành khẩn, tạo ra sự đồng tình, ủng hộ của những người tham dự phiên tòa, củng cố niềm tin nội tâm cho các thành viên Hội đồng xét xử khi phán quyết đối với vụ án.

Kỹ năng đối đáp, phản bác các quan điểm sai trái

Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia đối đáp phải có giọng nói to, khỏe, rõ ràng, dõng dạc, truyền cảm, phát âm ngoại ngữ chuẩn xác và thống nhất, bảo đảm việc đối đáp đầy đủ với từng luận điểm mà luật sư, người bào chữa, bị cáo nêu ra với mục đích bảo vệ cáo trạng.

Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện những luận điểm, quan điểm sai trái của những người tranh tụng với mình để bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết đầy đủ, đúng đắn.

Kỹ năng duy trì sự bình tĩnh xử lý đối với các tình huống đột xuất, bất thường

Quá trình tranh tụng tại phiên tòa sẽ xuất hiện nhiều tình huống đột xuất, bất thường đến với Kiểm sát viên như phát hiện những tình tiết, vấn đề mới tại phiên tòa mà trước đó hồ sơ vụ án chưa thể hiện hoặc tuy có thể hiện nhưng Kiểm sát viên hiểu không đúng, chưa dự liệu hết, hay có sự cổ vũ hoặc phản đối thái quá của những người tham dự phiên tòa lưu động, có sự tấn công, xúc phạm Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên,... Trong những tình huống này, đòi hỏi Kiểm sát viên phải hết sức bình tĩnh, tìm phương án tối ưu đề nghị kịp thời với Hội đồng xét xử, có biện pháp đảm bảo việc tranh tụng được dân chủ, đầy đủ, khách quan và đúng pháp luật.

Kỹ năng từ chối giao tiếp

Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên thường xuyên có sự đối kháng về lý lẽ đối với bị cáo, luật sư, người bào chữa, người bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo... Trong quá trình đấu lý như vậy, có những trường hợp phía đối lập nêu ra những câu hỏi không thuộc phạm vi xem xét của vụ án, đưa ra những yêu cầu một cách quá đáng đối với Kiểm sát viên đang duy trì công tố. Trong tình huống này, Kiểm sát viên cần phát hiện những nội dung không thuộc nghĩa vụ giao tiếp của mình để từ chối giao tiếp, từ chối trả lời câu hỏi, cũng như từ chối tranh luận bảo đảm lịch sự, văn minh.

Khi từ chối giao tiếp theo đề nghị của Chủ tọa phiên tòa như không tham gia việc xét hỏi, không trả lời câu hỏi thì Kiểm sát viên cần trình bày rõ lý do, bảo đảm phù hợp với văn hóa giao tiếp, ứng xử tại phiên tòa.

Kỹ năng thay đổi trạng thái giao tiếp

Tham gia tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải giao tiếp với rất nhiều đối tượng khác nhau như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, bị cáo, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch... Như vậy, khi thay đổi đối tượng giao tiếp khác nhau cũng đòi hỏi Kiểm sát viên phải thay đổi trạng thái giao tiếp cho phù hợp, từ cách đặt câu hỏi, cách trả lời, cách giáo dục, thuyết phục để khai thác thông tin. Có như vậy mới giúp Kiểm sát viên thu được những thông tin cần thiết, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của mình, hơn nữa, có thể thuyết phục các đối tượng này ủng hộ, thừa nhận những quan điểm của Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự.

Kiểm sát viên Lê Thị Tố Quyên (VKSND tỉnh Đắk Nông

 thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại một phiên tòa hình sự

Kỹ năng ghi nhận những điểm tương đồng

Tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên không phải lúc nào cũng là bác bỏ các quan điểm của bên đối tụng mà ngược lại, có nhiều điểm, bên đối tụng với Kiểm sát viên đưa ra phù hợp với nhau, phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, góp phần giải quyết đúng đắn vụ án, khi đó, Kiểm sát viên không được định kiến và phải nhanh nhạy phát hiện ra những điểm, những yếu tố tương đồng, thống nhất với nhau để sử dụng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong tranh tụng.

Kỹ năng sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ

Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, có rất nhiều công cụ, phương tiện, kỹ thuật hỗ trợ Kiểm sát viên thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa, như: máy ghi âm, máy chiếu, máy tính xách tay,... đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kỹ năng sử dụng các thiết bị này, có như vậy mới góp phần hỗ trợ Kiểm sát viên giao tiếp thành công trong tranh tụng tại phiên tòa. Mặt khác, trong tương lai, khi chứng cứ điện tử được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng hình sự thì càng đòi hỏi kỹ năng sử dụng các công cụ, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ của Kiểm sát viên khi tham gia tranh tụng tại phiên tòa.

Như vậy, có thể nói, kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa rất đa dạng, các kỹ năng này có một giá trị rất lớn giúp cho Kiểm sát viên tham gia tranh tụng có hiệu quả. Tuy nhiên, để các kỹ năng được bộc lộ, áp dụng một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên thì Kiểm sát viên phải luôn luôn có ý thức tự rèn luyện. Mặt khác, VKSND các cấp cần triển khai các giải pháp tích cực, góp phần hoàn thiện kỹ năng giao tiếp cho Kiểm sát viên trong tranh tụng tại phiên tòa, như: thường xuyên tổ chức phiên tòa mẫu, phiên tòa rút kinh nghiệm, tổng kết, nhận xét, đánh giá những mặt được và chưa được của việc thực hiện các kỹ năng giao tiếp này, coi đây là một trong các tiêu chí xem xét thi đua, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong việc tiếp tục duy trì mô hình tố tụng thẩm vấn, có tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng.

TS. Nguyễn Đức Hạnh

Nguồn: bvpl.vn

 

 

Tìm kiếm