1. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Theo quy định tại khoản 1 Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, tội phạm về ma tuý là một trong các loại tội phạm được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được tiến hành trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật về lĩnh vực âm thanh, hình ảnh, điện tử viễn thông, trình độ của chuyên viên công nghệ thông tin… bí mật thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng bị áp dụng nhằm phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm. Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền có thể quyết định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép ghi nhận hình ảnh với độ phân giải tốt, âm thanh chất lượng và những thông tin, tài liệu khác, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật với đối tượng áp dụng và những người không liên quan.
Trường hợp áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Đối với các vụ án ma túy phạm tội có tổ chức chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn phạm tội và che dấu tội phạm hết sức tinh vi, xảo quyệt, đối tượng phạm tội thường ngoan cố, chống đối đến cùng, thiếu hợp tác với cơ quan tố tụng dẫn tới các biện pháp điều tra tố tụng thông thường không mang lại hiệu quả hay hiệu quả thấp mới được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho phép Cơ quan điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, xác định nhanh chóng, chính xác, toàn diện vụ án, chứng minh tội phạm và người phạm tội, truy nguyên tài sản liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy.
Thẩm quyền, trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Đối với những vụ án ma túy có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp xét thấy cần thiết: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt liên quan đến quyền bí mật đời tư của cá nhân được quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 nên không thể áp dụng tràn lan, do vậy quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung khác của văn bản tố tụng.
Để đảm bảo thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thành lập cơ quan chuyên trách tiến hành các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Cơ quan chuyên trách được biên chế cán bộ kỹ thuật đảm bảo về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại đã được kiểm duyệt để ghi âm, ghi hình bí mật, nghe lén điện thoại bí mật, thu thập dữ liệu điện tử bí mật. Những người có thẩm quyền quyết định và thi hành quyết định bao gồm: Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp quân khu trở lên ra quyết định và Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, những người trong cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật. Khi tiến hành áp dụng biện pháp điều tra theo thủ tục tố tụng đặc biệt phải kiểm soát một cách chặt chẽ để tránh xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp cơ bản của cá nhân, tổ chức.
Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được tiến hành ở gian đoạn điều tra, sau khi khởi tố vụ án, để tránh việc lạm dụng hay áp dụng quá lâu ảnh hưởng tới đời tư của cá nhân, BLTTHS năm 2015 quy định chi tiết về thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là khoảng thời gian tối đa mà pháp luật cho phép để tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thời hạn không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trong trường hợp vụ án phức tạp đòi hỏi cần thời gian để tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ thì có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
Sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Thông tin, tài liệu thu thập được từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt rất rộng liên quan tới bí mật đời tư của cá nhân. Cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành quyết định phải phân tích, đánh giá, chọn lọc những thông tin, tài liệu có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội, truy tìm đồng bọn, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, truy nguyên tài sản từ mua bán trái phép chất ma túy… và sử dụng làm chứng cứ phục vụ việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời. Bộ luật nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.
Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ. Đây là nguồn chứng cứ mới hết sức quan trọng có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm và được sử dụng để giải quyết vụ án.
Để phát huy vai trò kiểm sát trong hoạt động điều tra tố tụng đặc biệt và có cơ sở đánh giá chính xác biện pháp điều tra tố tụng trong giải quyết vụ án còn cần thiết nữa không, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
Hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Trong điều tra vụ án ma túy, quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trong trường hợp không cần thiết phải áp dụng hay có vi phạm trong việc thi hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đối với những vụ án mà Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt khi muốn hủy bỏ phải có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu để Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hủy bỏ.
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp: Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền; có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
2. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong vụ án ma túy
Để kiểm sát biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên phải nắm vững quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (nêu ở mục 1).
Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ nguyên tắc, căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục, thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Chương XVI BLTTHS.
Ghi âm, ghi hình (có âm thanh) bí mật trong quá trình điều tra, truy tố thường được áp dụng đối với các vụ án ma tuý có nguồn gốc từ hoạt động trinh sát, qua tố giác, tin báo, được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm.
Nghe điện thoại bí mật được áp dụng khi xác minh mối liên quan giữa bị can với đối tượng bên ngoài liên quan đến vụ án, xác định số lần phạm tội, số lượng ma túy...
Thu thập bí mật dữ liệu điện tử áp dụng trong các vụ án ma tuý đối tượng bán ma tuý qua internet, tội phạm lưu dữ thông tin về hoạt động phạm tội trên các thiết bị viễn thông.
Các loại thông tin, tài liệu có thể thu thập được khi áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt bao gồm tệp tin hình ảnh, âm thanh và các dữ liệu điện tử khác. Theo quy định, các tài liệu, thông tin được thu thập từ các biện pháp này sẽ được xử lý theo hai hướng:
Một là, các tài liệu, thông tin có liên quan đến vụ án có thể được sử dụng làm chứng cứ trong khởi tố, điều tra, truy tố, và xét xử vụ án hình sự;
Hai là, các tài liệu, thông tin không liên quan đến vụ án phải được tiêu hủy kịp thời.
Nhận được đề nghị phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu gửi kèm văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Sau khi nghiên cứu, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Quá trình giải quyết vụ án phát hiện có căn cứ và xét thấy cần thiết mà Cơ quan điều tra không ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra mà có căn cứ và cần phải áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nhưng Thủ trưởng Cơ quan điều tra không đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định áp dụng thì Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra đang thụ lý, điều tra đề nghị Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định áp dụng; nếu Cơ quan này không thực hiện thì báo cáo, đề xuất Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp yêu cầu Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định.
Việc gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng, kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 226 BLTTHS.
Khi có căn cứ hủy bỏ việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Điều 228 BLTTHS, Kiểm sát viên kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt./.