CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn kiểm sát biên bản phiên toà, phiên họp giải quyết vụ án, vụ việc dân sự, vụ án hành chính

30/08/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp theo đúng quy định của pháp luật, vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 31/HD-VKSTC hướng dẫn hoạt động kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, biên bản phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ án hành chính (gọi tắt là biên bản phiên tòa, phiên họp).

Theo đó, kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp nhằm bảo đảm biên bản phiên tòa, phiên họp phản ánh đúng, đầy đủ nội dung, trình tự, thủ tục, diễn biến phiên tòa, phiên họp; phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót của biên bản phiên tòa, phiên họp để yêu cầu, kiến nghị Tòa án khắc phục. Đồng thời, kiểm sát các hành vi, quyết định tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp, đặc biệt trong trường hợp Kiểm sát viên không tham dự được toàn bộ phiên tòa, phiên họp.

Việc kiểm sát biên bản phiên toà, phiên họp cần bảo đảm các yêu cầu:

- Phải được thực hiện ở VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, do Kiểm sát viên đã tham gia phiên tòa, phiên họp (sau đây gọi tắt là Kiểm sát viên) thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm sát.

- Phải được thực hiện ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp và tuân thủ các quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (BLTTDS), khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 (Luật TTHC), Điều 23 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC (TTLT số 02/2016), Điều 23 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC (TTLT số 03/2016) ngày 31/8/2016 và các quy định có liên quan trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Viện trưởng VKSND tối cao.

- Bảo đảm đạt chỉ tiêu 100% trên tổng số phiên tòa, phiên họp dân sự, hành chính Kiểm sát viên đã tham gia theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.

- Khi kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải tuân theo quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

- Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Thẩm phán Chủ tọa, Thư ký trong việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, bảo đảm hoạt động kiểm sát thực chất, hiệu quả. Các Viện kiểm sát chủ trì xây dựng văn bản phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp về kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.

Theo Hướng dẫn, các hoạt động kiểm sát biên bản phiên toà, phiên họp, gồm: Công tác chuẩn bị; tiến hành kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp; kết thúc việc kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp.

Sau khi kết thúc kiểm sát phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên phải lập biên bản kiểm sát theo mẫu ban hành, ghi đầy đủ thông tin và đề nghị Thẩm phán Chủ tọa, Thư ký phiên tòa, phiên họp ký biên bản; đồng thời, báo cáo lãnh đạo Viện về kết quả kiểm sát phiên toà, phiên họp. Trên cơ sở kết quả kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp, kết quả thanh tra, kiểm tra, Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi thẩm quyền tổng hợp và thông báo rút kinh nghiệm về hoạt động kiểm sát biên bản phiên tòa, phiên họp.

TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm