CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính giai đoạn sơ thẩm

10/11/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính (VAHC) là một hoạt động tố tụng thường xuyên và có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả tham gia phiên tòa và chất lượng giải quyết VAHC của Kiểm sát viên (KSV).

Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính là quá trình xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ VAHC trong mối quan hệ biện chứng với nhau nhằm xâu chuỗi các tình tiết, sự kiện được ghi nhận trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ, từ đó xác định bản chất của sự việc và đề ra hướng giải quyết vụ án đúng qui định của pháp luật. Trong thực tiễn cho thấy chất lượng nghiên cứu hồ sơ VAHC phụ thuộc vào kỹ năng, phương pháp nghiên cứu hồ sơ của KSV. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án đầy đủ, toàn diện, khách quan trước khi tham gia phiên tòa quyết định chất lượng phát biểu của KSV, đảm bảo nội dung phát biểu của KSV tại phiên tòa chặt chẽ, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và có tính thuyết phục đối với Hội đồng xét xử, nếu việc nghiên cứu hồ sơ VAHC thực hiện qua loa, sơ sài thì KSV dễ bị động, lúng túng khi tham gia phiên tòa, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án không đủ tính thuyết phục; từ đó, dẫn đến chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử VAHC còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của ngành Kiểm sát nhân dân.

Quá trình tham gia kiểm sát việc giải quyết VAHC, hoạt động nghiên cứu hồ sơ là một trong những hoạt động thường xuyên và quan trọng mà mỗi KSV làm khâu công tác này cần trang bị cho mình những kỹ năng nhất định. Thông qua việc nghiên cứu hồ sơ VAHC, KSV xác định được các loại tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; nắm bắt được diễn biến của vụ việc, nội dung các tình tiết và hệ thống chứng cứ của vụ án một cách đầy đủ, bao quát; từ đó, đưa ra những nhận định, đánh giá và xây dựng Tờ trình đề xuất đường lối giải quyết vụ án đối với từng vấn đề của đương sự có yêu cầu Tòa án giải quyết cũng như chuẩn bị tốt cho việc tham gia phiên tòa, góp phần lớn trong việc giải quyết kịp thời, đúng đắn vụ án.

Để đảm bảo đạt được các mục đích nêu trên, việc nghiên cứu hồ sơ VAHC sơ thẩm của KSV cần đáp ứng các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản sau:

Việc nghiên cứu hồ sơ phải được tiến hành khách quan, toàn diện và nhanh chóng trong điều kiện thời gian hạn chế theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Qua đó, KSV phải đảm bảo nắm bắt và hệ thống hóa được các tình tiết, sự kiện và chứng cứ.

Việc nghiên cứu hồ sơ phải tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, theo một trình tự logic nhất định, theo từng vấn đề, đối chiếu, so sánh các chứng cứ, tài liệu và kết hợp với việc tập hợp, đánh giá chứng cứ; nếu phát hiện có mâu thuẫn thì phải làm rõ để có cơ sở chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ và phải đảm bảo yêu cầu hồ sơ được nghiên cứu một cách tổng thể, đầy đủ. Về nguyên tắc, KSV phải đảm bảo nghiên cứu tất cả các vấn đề của các bên thể hiện trong hồ sơ vụ án không bỏ qua bất cứ chứng cứ, tình tiết nào cho dù là những tình tiết, chứng cứ nhỏ nhất. Theo đó, việc nghiên cứu nên bắt đầu từ đơn khởi kiện, lời khai của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng… các biên bản đối chất và nghiên cứu theo thứ tự thời gian. Nghiên cứu hết lời khai của người khởi kiện này, mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của người khởi kiện khác, khi nghiên cứu hết lời khai của người khởi kiện mới chuyển sang nghiên cứu lời khai của người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Quá trình nghiên cứu phải xem xét và đặt các tài liệu, chứng cứ trong mối liên hệ với từng tài liệu, chứng cứ khác.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV cần có bản ghi tóm tắt nội dung từng bút lục. Đối với những hồ sơ có nhiều tài liệu việc ghi tóm tắt này sẽ rất có ích trong việc tổng hợp, đánh giá, đối chiếu khi phát hiện có sự mâu thuẫn và thuận lợi khi cần sử dụng tài liệu tại phiên tòa.

Khi nghiên cứu hồ sơ, KSV cần phải phát hiện những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tố tụng của Tòa án và hoạt động quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan hữu quan khác để kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ; bổ sung người tham gia tố tụng (nếu cần thiết) hoặc xác định căn cứ để kiến nghị khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm hoặc kháng nghị để đảm bảo pháp luật được tuân thủ.

Nghiên cứu hồ sơ VAHC sơ thẩm là một hoạt động nghiệp vụ rất quan trọng của KSV. Mỗi KSV sẽ có những kỹ năng nghiên cứu riêng. Đối với những hồ sơ vụ án có tính chất đơn giản thì có KSV có thể đọc qua là sẽ thấy và nhớ được những tình tiết quan trọng có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Đối với những hồ sơ vụ án phức tạp, nhiều tài liệu chứng cứ đòi hỏi KSV phải có những kỹ năng và phương pháp nghiên cứu riêng.

Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu hồ sơ vụ án và từng loại tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, KSV có thể áp dụng cách thức nghiên cứu khác nhau nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ, phục vụ công tác kiểm sát việc giải quyết VAHC của VKS. Các phương pháp nghiên cứu hồ sơ có thể được KSV áp dụng như:

- Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ theo từng chủ thể trong vụ án;

- Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ theo trình tự tố tụng;

- Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ theo từng vấn đề cần làm rõ trong vụ án.

Trong cùng một vụ án, KSV có thể áp dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động nghiên cứu hồ sơ. Việc áp dụng các biện pháp nghiên cứu hồ sơ mang tính chất tương đối.

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ theo chủ thể trong VAHC được áp dụng phổ biến hoặc có thể kết hợp với phương pháp khác. Khi áp dụng phương pháp nghiên cứu này, KSV phân thành các nhóm tài liệu, chứng cứ: Tài liệu, chứng cứ liên quan đến người khởi kiện; tài liệu chứng cứ liên quan đến người bị kiện; tài liệu, chứng cứ của những người tham gia tố tụng khác; tài liệu là các văn bản tố tụng của Tòa án...

+ Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ liên quan đến người khởi kiện:

Tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện, bản tự khai và các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện. Đối với bất kỳ hồ sơ VAHC nào, tài liệu mà KSV phải nghiên cứu đầu tiên là đơn khởi kiện. Việc nghiên cứu đơn khởi kiện VAHC để xác định được phạm vi giải quyết của Tòa án. Cùng với việc nghiên cứu đơn khởi kiện, thông qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, KSV xác định yêu cầu của người khởi kiện đã đầy đủ và có cơ sở hay không. Từ đó, KSV đưa ra những nhận định, đánh giá ban đầu về quan điểm giải quyết vụ án cụ thể.

+ Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ liên quan đến người bị kiện:

Tài liệu, chứng cứ liên quan đến người bị kiện trong hồ sơ VAHC bao gồm: Quyết định hành chính, văn bản giải trình về hành vi hành chính và các tài liệu, chứng cứ do phía người bị kiện cung cấp (Quyết định hành chính hoặc văn bản giải trình về hành vi hành chính; công văn của người bị kiện hoặc người được người bị kiện ủy quyền tham gia tố tụng trả lời thông báo về việc thụ lý vụ án của Tòa án và giải trình về quan điểm của người bị kiện về yêu cầu khởi kiện; các tài liệu, văn bản thể hiện quá trình giải quyết vụ việc ở các cấp hành chính có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện; các văn bản pháp luật mà người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền lấy làm căn cứ để ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính bị kiện...). Việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của người bị kiện sẽ giúp KSV có cái nhìn đa chiều về vụ việc đang được giải quyết, giúp KSV đánh giá một cách khách quan, toàn diện vụ án.

Khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của người bị kiện trong vụ án có sự phản đối, không đồng ý với yêu cầu của người khởi kiện, KSV lưu ý làm rõ các nội dung như: Căn cứ người bị kiện ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi bị khởi kiện, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi đó, thẩm quyền, thời hạn ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính... Từ đó, KSV đối chiếu với các quy định của pháp luật chuyên ngành để đánh giá quyết định, hành vi bị khởi kiện là có căn cứ hay không?.

+ Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ liên quan đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Tài liệu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong VAHC bao gồm: Bản tự khai hoặc bản tường trình, các giấy tờ chứng minh cho ý kiến hoặc yêu cầu độc lập của họ.

Đương sự trong VAHC gồm người khởi kiện, người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, không phải VAHC nào cũng có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cũng không phải vụ án nào có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có yêu cầu độc lập. Do đó, tùy vào từng hồ sơ vụ án mà KSV có thể chủ động, linh hoạt trong việc nghiên cứu lời khai của chủ thể này. Lời khai có thống nhất với các đương sự khác không?, mối quan hệ của họ với các đương sự khác như thế nào?... Trên cơ sở đó xác định tính chính xác của lời khai.

+ Nghiên cứu lời khai của người làm chứng và các biên bản đối chất (nếu có):

Khi nghiên cứu lời khai của người làm chứng, KSV chú ý về độ tuổi, năng lực, nhận thức, độ chính xác của thông tin, mối quan hệ của người làm chứng với các đương sự trong vụ án; đồng thời, chú ý các điểm người làm chứng khai thống nhất, khai khác hoặc mâu thuẫn với người khởi kiện hoặc người bị kiện.

Xác định được người làm chứng biết được các tình tiết, sự kiện, nội dung của vụ án trong hoàn cảnh nào? (trực tiếp chứng kiến, nghe đương sự đó nói lại, nghe theo lời kể của người khác...). Trên cơ sở đó, KSV xác định tính khách quan, chính xác trong lời khai của người làm chứng.

Sau khi nghiên cứu lời khai của đương sự và người làm chứng, nếu thấy có điểm chưa rõ hoặc mâu thuẫn phải nghiên cứu và xem xét có cần tiến hành lấy lời khai tiếp không? Có cần đối chất không? Nội dung cần đối chất? Và các đối tượng cần đối chất với nhau (giữa người khởi kiện với người làm chứng hay giữa người khởi kiện, người bị kiện với người làm chứng...) để đề nghị Tòa án tiến hành đối chất.

Nếu hồ sơ đã có biên bản đối chất, cần nghiên cứu kỹ các biên bản đối chất và đối chiếu với lời khai của các đương sự, người làm chứng trong hồ sơ với nội dung các biên bản đối chất để từ đó rút ra được việc đối chất đã đúng, đã đủ chưa? Có cần đối chất thêm vấn đề gì?... Trên cơ sở đó, yêu cầu Tòa án tiến hành đối chất làm rõ.

+ Nghiên cứu, đánh giá các văn bản tố tụng trong hồ sơ vụ án:

Để kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản tố tụng do Thẩm phán ban hành trong quá trình giải quyết VAHC, KSV thông qua việc nghiên cứu, đánh giá các văn bản tố tụng có trong hồ sơ nhằm kiểm tra việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán khi ban hành văn bản như: Thông báo thụ lý, giấy triệu tập người tham gia tố tụng, biên bản lấy lời khai, biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại... các quyết định tạm đình chỉ, nhập tách vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử... KSV phải nghiên cứu chi tiết từng văn bản như ngày, tháng, năm ban hành, thẩm quyền ban hành, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền...

Khi nghiên cứu các văn bản nêu trên, KSV phải đối chiếu để xem xét văn bản đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không. Tất cả các vấn đề tố tụng như thời hạn, thời hiệu tố tụng, trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ, hay việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời... đều phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm tố tụng hay không, từ đó kịp thời thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị Tòa án khắc phục.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV đánh giá chứng cứ trong VAHC được chính xác. Muốn đánh giá được chứng cứ thì phải nghiên cứu kỹ toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án một cách khách quan, toàn diện, không bỏ qua tài liệu nào, bởi chỉ một tài liệu bị bỏ qua có thể đã bỏ qua chứng cứ chứng minh cho sai phạm của bản án, quyết định của Tòa án. Trên cơ sở tất cả các chứng cứ trong hồ sơ vụ án, phải tiến hành phân tích, so sánh để tìm ra các mối quan hệ giữa các tình tiết trong vụ án; nhờ đó xác định các thuộc tính của chứng cứ, bảo đảm chứng cứ trong hồ sơ vụ án có đầy đủ các thuộc tính: Tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan.

Thông thường, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện theo tuần tự như trên. Khi nghiên cứu hồ sơ VAHC, KSV cần nắm vững phương pháp nghiên cứu phù hợp đối với từng loại án cụ thể. Tuy nhiên, tùy theo loại vụ án hoặc kỹ năng của mỗi KSV mà có thể áp dụng phương pháp nghiên cứu khác phù hợp hơn nhưng trên cơ sở tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án KSV phải luôn đặt câu hỏi và tìm chứng cứ trong hồ sơ vụ án để trả lời cho câu hỏi đó. Trong thực tế, đối với những vụ án phức tạp, thì việc nghiên cứu tuần tự từng lời khai của đương sự trong hồ sơ vụ án là một phương pháp nghiên cứu hồ sơ hiệu quả.

Hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm giúp KSV nắm được nội dung khởi kiện của đương sự thuộc lĩnh vực nào trong hoạt động quản lý hành chính, việc thụ lý của Tòa án có đúng không. Việc lập hồ sơ vụ án của Thẩm phán cũng như nội dung và hành vi tố tụng của những người tham gia tố tụng có đúng quy định của pháp luật không? Việc nhận hồ sơ và thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên tòa, phiên họp của VKS được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Luật TTHC và Điều 4,5 Thông tư liên tịch số 03/2016.

Khi nghiên cứu hồ sơ VAHC để tham gia phiên tòa sơ thẩm, KSV cần nghiên cứu, làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, kiểm sát việc tuân thủ pháp luật tố tụng của Toà án

- Về đối tượng khởi kiện VAHC: KSV cần kiểm tra, làm rõ đối tượng khởi kiện trong đơn khởi kiện là gì, có phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính hay không?; quyết định hành chính, hành vi hành chính đó có làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hoặc hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay không?. Như vậy, trên cơ sở quy định của pháp luật KSV căn cứ vào khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 Luật TTHC để xác định đối tượng khởi kiện VAHC đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?. Khi đã xác định được đối tượng khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, KSV nghiên cứu tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính đó.

- Về thời hiệu khởi kiện: KSV cần xem xét rõ thời điểm phát sinh quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện VAHC để xác định có còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 Luật TTHC năm 2015 hay không?

- Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án: KSV cần xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND không, TAND cấp nào. Đối chiếu với quy định tại các Điều 30,31,32 Luật TTHC năm 2015, KSV kiểm sát việc Tòa án đã thụ lý vụ án đúng theo quy định chưa?.

- Về tư cách pháp lý của những người tham gia tố tụng: Chủ thể tham gia tố tụng hành chính gồm: Chủ thể là đương sự trong vụ án; chủ thể là người làm chứng, người giám định, người phiên dịch. Cần xác định việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của ai, cần đưa ai vào tham gia tố tụng, tham gia với tư cách gì? Năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng hành chính của những người tham gia tố tụng như thế nào?.

Ngoài ra, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để xác định người bị kiện, KSV lưu ý trường hợp ủy quyền tham gia tố tụng tại Điều 60 Luật TTHC và kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện. Việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng có thể được Tòa án chấp nhận ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết VAHC. Vì vậy, đối với trường hợp kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện, KSV căn cứ vào quy định của Luật TTHC để kiểm sát chặt chẽ việc xác định đúng người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của Tòa án.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV đánh giá việc Tòa án xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đầy đủ và đúng chưa?. Việc xác định sai hoặc thiếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là một trong những vi phạm phổ biến mà Tòa án các cấp hay mắc phải nên KSV cần làm rõ các vấn đề liên quan để xác định tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách chính xác nhất.

Đối với người giám định, người phiên dịch, KSV cần làm rõ họ có thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị đề nghị thay đổi hay không?.

Thứ hai, xem xét nội dung vụ án

Nghiên cứu hồ sơ VAHC qua đó làm rõ nội dung vụ án là cơ sở quan trọng để KSV đề xuất việc chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập, phát biểu ý kiến của VKS về nội dung vụ án tại phiên tòa sơ thẩm. Vì vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để tham gia phiên tòa các KSV cần quan tâm làm rõ, xác định được tính hợp pháp của việc ban hành quyết định hành chính hoặc việc thực hiện hành vi hành chính bị khởi kiện:

- Đối với quyết định hành chính bị khởi kiện, KSV phải nghiên cứu kỹ hình thức và nội dung quyết định, như tiêu đề, tên cơ quan ban hành, ngày, tháng, năm ban hành; xem xét các vấn đề về thời hạn, thời hiệu ban hành, căn cứ ban hành, trình tự, thủ tục ban hành, thẩm quyền ra quyết định, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền và nội dung quyết định hành chính. Khi nghiên cứu phải đồng thời đối chiếu với các quy định của pháp luật để xem xét quyết định hành chính đó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

- Đối với hành vi hành chính bị khởi kiện, KSV phải nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước để xác định hành vi đó thuộc loại hành vi hành động hay không hành động, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện hành vi hành chính bị kiện thuộc về ai; đối với hành vi hành động cần xem xét người bị kiện có thực hiện hành vi hành chính đó hay không, thực hiện như thế nào, đúng thời hạn, trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định hay không; đối với hành vi không hành động thì việc đánh giá tính hợp pháp dựa vào việc người bị kiện có thực hiện đúng quy định pháp luật để từ chối làm nhiệm vụ, công vụ hoặc không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục để làm nhiệm vụ, công vụ mà pháp luật buộc họ phải thực hiện.

Ví dụ: Khi nghiên cứu về nội dung của một VAHC về khiếu kiện đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: KSV cần xác định căn cứ của quyết định thu hồi đất của UBND, loại đất thu hồi, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư có thể hiện đúng nguồn gốc đất và loại đất không? Việc áp dụng mức bồi thường có đúng loại đất, đúng căn cứ không... Ngoài ra, cũng cần phải căn cứ vào quá trình sử dụng đất, việc kê khai, đăng ký đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó đối chiếu với quy định của pháp luật tại thời điểm phê duyệt phương án xem phương án bồi thường, hỗ trợ đã đúng chưa, nếu chưa thì sẽ đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện và hủy phương án bồi thường, hỗ trợ.

Thứ ba, đánh giá việc giao nộp, xác minh và thu thập chứng cứ

Đánh giá việc giao nộp, xác minh và thu thập chứng cứ là một quá trình nghiên cứu, xem xét, đối chiếu, so sánh giữa các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, xác định tài liệu nào chứa đựng các tình tiết, các sự kiện có thật phản ánh đúng bản chất của vụ án.

Căn cứ quy định tại các điều từ Điều 78 đến Điều 93 Luật TTHC năm 2015, KSV kiểm tra nguồn chứng cứ và khẳng định nguồn chứng cứ cũng như trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ có phù hợp quy định của pháp luật không. Khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ, KSV cần phân loại tài liệu chứng cứ do các chủ thể cung cấp (bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp) hoặc tài liệu và chứng cứ do Toà án thu thập, xác minh.

Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ. Các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ có thể có nội dung đối lập, mâu thuẫn nhau. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV phải xác định được những vấn đề mà đương sự đã thống nhất, không thống nhất được với nhau. Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã đủ làm rõ các tình tiết của vụ án chưa?. Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa bảo đảm cho việc giải quyết vụ án thì KSV báo cáo Lãnh đạo VKS để kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật TTHC năm 2015 và hướng dẫn tại Điều 22 TTLT số 03/2016. Qua kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ nếu phát hiện vi phạm của Tòa án (hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm) thì KSV báo cáo Lãnh đạo Viện xem xét ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án (hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm) khắc phục vi phạm.

Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án là cơ sở để xác định các vấn đề cần tập trung hỏi, làm rõ tại phiên tòa để xây dựng dự thảo đề cương hỏi tại phiên tòa.

Thứ tư, kiểm sát việc chấp hành thời hạn tố tụng

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, KSV kiểm sát việc chấp hành thời hạn tố tụng thông qua việc xét xét thời hạn giải quyết vụ án, việc ban hành và gửi, tống đạt các văn bản tố tụng của Tòa án và đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định vi phạm hay không. KSV phải tiến hành kiểm tra cả về hình thức và nội dung (xem xét ngày, tháng, năm ban hành, thẩm quyền ban hành, căn cứ ban hành, nội dung văn bản, thời hạn gửi văn bản cho Viện kiểm sát...). Nếu có căn cứ xác định Tòa án có vi phạm trong việc chấp hành thời hạn tố tụng thì KSV đề xuất Lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị theo quy định của Luật TTHC năm 2015.

Thứ năm, kiểm sát việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV cần làm rõ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của các đương sự, người tham gia tố tụng khác trong việc thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu độc lập, quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia đối thoại, nghĩa vụ chấp hành giấy triệu tập...

Dựa trên các vi phạm tố tụng của Thẩm phán và những người tham gia tố tụng đã phát hiện trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV chuẩn bị đề cương để tham gia hỏi tại phiên toà, dự thảo văn bản phát biểu ý kiến của VKS tại phiên tòa, xây dựng Tờ trình để báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Viện về việc giải quyết vụ án trước khi tham gia phiên tòa.

Mỗi KSV cần chủ động nghiên cứu, áp dụng một cách hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu hồ sơ VAHC ở giai đoạn sơ thẩm. Bên cạnh đó, để đạt được những kết quả nổi bật trong hoạt động này, yêu cầu đặt ra là cần phải có nhận xét, đánh giá xác thực, khách quan về chất lượng thực tiễn của hoạt động nghiên cứu hồ sơ VAHC sơ thẩm của KSV để tìm ra những ưu điểm, hạn chế. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu hồ sơ VAHC nói riêng, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết VAHC nói chung.

Qua quá trình nghiên cứu, giải quyết thực tiễn hồ sơ VAHC, quan điểm cá nhân của chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành:

- Lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm hơn nữa đến khâu công tác này, chú trọng đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, tạo điều kiện động viên để các KSV thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC nói chung và hoạt động nghiên cứu hồ sơ VAHC nói riêng một cách chất lượng, hiệu quả.

- Cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với VKS cấp dưới như: Kiểm tra việc lập hồ sơ kiểm sát, việc xây dựng Tờ trình báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án...; kịp thời chấn chỉnh và rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót, tồn tại không đáng có.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ KSV làm các khâu công tác này có đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu. Chú trọng công tác tự đào tạo trong VKSND hai cấp. KSV có kinh nghiệm lâu năm có thể hướng dẫn cho các KSV mới được phân công khâu công tác này từ hoạt động kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, nghiên cứu hồ sơ vụ án... để họ có thể làm tốt chức năng, vai trò của mình. 

Thứ ba, điều kiện đảm bảo cho công tác kiểm sát: Cơ sở vật chất phương tiện phục vụ yêu cầu công tác như trang thiết bị công nghệ thông tin của VKS hai cấp thành phố Đà Nẵng được tăng cường nhưng cần nâng cao chất lượng đường truyền, phần mềm ứng dụng đáp ứng yêu cầu công việc.

Thứ tư, trong quan hệ phối hợp công tác:

- Thường xuyên tăng cường công tác phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới thông qua việc trao đổi nghiệp vụ, thỉnh thị xin ý kiến, báo cáo thông tin vi phạm của bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời thực hiện các quyền kiến nghị, kháng nghị.

- Đối với công tác phối hợp giữa VKS, Tòa án cùng cấp thì hai ngành cần kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác như: Thống nhất việc nhận thức, áp dụng pháp luật trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về những quy định của pháp luật; phối hợp với Tòa án tổ chức đối thoại đối với những VAHC phức tạp; trao đổi về thu thập, đánh giá chứng cứ nhất là đối với những VAHC liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai qua các thời kỳ...

- Phòng kiểm sát việc giải quyết các VAHC, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (gọi tắt là Phòng 10) cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo Viện trong việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng VKSND thành phố Đà Nẵng với Ban cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC để góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án được triệt để, chất lượng, hiệu quả.

Thứ năm, VKSND tối cao cần tiếp tục tăng cường công tác giải đáp vướng mắc khó khăn, hướng dẫn và tổng kết rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật để vận dụng, áp dụng pháp luật được thống nhất.

Thứ sáu, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của KSV đối với công tác kiểm sát việc giải quyết các VAHC nói chung và hoạt động nghiên cứu hồ sơ VAHC nói riêng.

- KSV phải thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt các quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực để áp dụng vào từng vụ án chính xác, có căn cứ, đúng quy định cả về pháp luật tố tụng và luật nội dung nhằm đảm bảo quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và đề xuất đường lối giải quyết một cách khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, các KSV cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; phát huy mọi khả năng của mình, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, những kinh nghiệm được đúc rút qua thực tiễn.

- Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV cần cẩn trọng, đọc thật kỹ hồ sơ để kịp thời phát hiện và yêu cầu Tòa án thu thập, bổ sung chứng cứ hoặc tự mình yêu cầu các đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. KSV cần chủ động lập hồ sơ kiểm sát, thực hiện việc trích cứu hồ sơ, đánh số bút lục và sắp xếp hồ sơ vụ án đúng quy trình tại Hướng dẫn số 28 của VKSND tối cao. KSV nên vận dụng việc đánh số bút lục trong Tờ trình giải quyết vụ án để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu trong quá trình nghiên cứu vụ án trước khi tham gia phiên toà và xem xét, đối chiếu các chứng cứ tại phiên toà. Bên cạnh đó, KSV cần dự liệu trước những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và chuẩn bị những tài liệu, chứng cứ để dẫn chiếu./.

Hoài Linh - Trần Thắng - Thu Sương

(vksdanang.gov.vn)
Tìm kiếm