Chiều 27/11, với 90,69% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn...
Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn
Chiều 27/11, với 90,69% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, báo cáo kết quả với Quốc hội khóa XIV.
Tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đưa Hiến pháp, pháp luật vào đời sống. Năm 2016, về cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực thi hành. Tổ chức thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập; gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả các thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học và công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường bất động sản; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật tư, thiết bị, phụ tùng trong nước, giảm dần nhập siêu. Khẩn trương tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành; trong năm 2016, cơ bản hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, phân định rõ hoạt động quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường với thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-6, bảo đảm hội nhập có kết quả.
Ban hành chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, chế biến, ứng dụng khoa học; tăng tỷ lệ vốn đầu tư ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn qua từng năm. Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới để hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Cuối năm 2016, hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ XIV việc sửa đổi, bổ sung Luật quản lý nợ công. Xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn Quốc hội cho phép, từng bước giảm dần nợ công.
Sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, kiểm soát cho được trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tăng cường quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hàng năm phải tạo chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực tế đời sống; Chú trọng, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, phối hợp liên ngành để kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các hành vi sản xuất, buôn bán hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và thực phẩm.
Trong năm 2016, khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác trong danh mục đã được rà soát, thống kê và phê duyệt để đến năm 2020 tiến độ xử lý ô nhiễm hoàn thành theo đúng thời gian đề ra; cương quyết không để xảy ra cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.
Bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào khu vực tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi và di dời ra khỏi nơi thường xuyên bị thiên tai; hoàn thành trồng bù diện tích rừng các dự án thủy điện, thủy lợi vào năm 2016. Tập trung giải quyết cơ bản tình hình di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du.
Sớm quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề, từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới, đạt các chỉ tiêu về đào tạo nghề, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.
Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Triển khai các giải pháp tổng thể, đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ nét về giảm quá tải bệnh viện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính y tế, mở rộng xã hội hóa, khuyến khích đầu tư cho y tế, sử dụng nguồn tài chính y tế hiệu quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, chống oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Thực hiện nghiêm Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và tổng kết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật này; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự; nghiêm túc thực hiện các cơ chế pháp lý về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tham nhũng; thực hiện đầy đủ việc đánh giá tình hình tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương hàng năm. Có giải pháp quyết liệt, hữu hiệu nâng cao trách nhiệm xử lý tin báo tố giác tội phạm, chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông ở tất cả các địa phương...
Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện Nghị quyết; hàng năm báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm về kết quả thực hiện, xác định trách nhiệm có liên quan khi không hoàn thành các yêu cầu của Nghị quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Theo quochoi.vn