CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vấn đề lớn, cần nghiên cứu kỹ khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự

20/11/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
(BNCTW) - Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước....

 Một số vấn đề lớn, cần nghiên cứu kỹ khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự

 
 (BNCTW) - Trách nhiệm hình sự của pháp nhân là một vấn đề không mới được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Ở Việt Nam, vấn đề này đã được đặt ra từ khi xây dựng Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999. Trong bối cảnh kinh tế -xã hội hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý các tổ chức kinh tế (pháp nhân) có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 
Thực tiễn hiện nay cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật có tính chất tội phạm của các pháp nhân kinh tế diễn ra phổ biến, ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng. Trong lĩnh vực môi trường, nhiều pháp nhân chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cộng đồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân. Trong lĩnh vực thuế, hành vi trốn thuế bằng nhiều hình thức khác nhau cũng xảy ra phổ biến, gây thiệt hại, giảm thu ngân sách cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại cũng xảy ra phổ biến, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nền kinh tế, tác động xấu đến môi trường sản xuất kinh doanh. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nhiều ngân hàng không tuân thủ nghiêm một số trình tự, thủ tục cho vay, thiếu sự kiểm tra tài chính khách hàng, thẩm định, định giá tài sản thế chấp cao hơn so với thực tế… làm thất thoát tài sản, tăng nợ xấu, khiến cho nhiều cá nhân chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước… 
 Trong khi đó, việc xử lý bằng các chế tài hành chính, dân sự, kinh tế đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với các pháp nhân trên thực tế đôi khi không hiệu quả, không triệt để, không tương xứng với hành vi phạm tội và không đảm bảo tính công bằng cũng như tác dụng phòng ngừa không cao. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động của các tổ chức kinh tế thể hiện rõ nét vai trò của tập thể lãnh đạo, các quyết định quan trọng của pháp nhân thường do tập thể (Hội đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc) đưa ra, trong khi xu hướng các pháp nhân kinh tế thuê người điều hành, quản lý là phổ biến hiện nay. Hành vi của các cá nhân chủ yếu nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân. Vì vậy, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân sẽ không đáp ứng được yêu cầu bức xúc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của các pháp nhân ở nước ta hiện nay.
Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế về pháp luật, tư pháp diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng chống tội phạm như Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng và trước khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), thì việc bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế trong đó có vấn đề về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là hết sức cần thiết.
Với những lý do trên, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phải có biện pháp xử lý nghiêm minh của pháp luật, răn đe và nâng cao ý thức trách nhiệm của pháp nhân. Đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Pháp, Thụy Sỹ); đồng thời, đáp ứng yêu cầu của 40 khuyến nghị về chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Mặc dù vậy, đây là vấn đề khó đối với chính các quốc gia tiên tiến đang áp dụng chế định này, trong khi Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong quy định cũng như xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân trên thực tế. Do đó, khi quy định những vấn đề đối với pháp nhân phạm tội trong BLHS, nhiều vấn đề cần được đưa ra nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo: 
Thứ nhất, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân sẽ làm thay đổi quan niệm về một số chế định trong BLHS hiện hành như: tội phạm, hình phạt, trách nhiệm hình sự và cơ sở của trách nhiệm hình sự, lý luận về lỗi… đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, có nhận thức mới về vấn đề này. Ví dụ: Pháp nhân là một thực thể xã hội, không có cấu trúc sinh học, không có hoạt động tâm lý nên không thể dùng các tiêu chí tâm sinh lý để xác định chủ thể của tội phạm, xác định yếu tố lỗi theo quan điểm truyền thống khi truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân.
Thứ hai, việc bổ sung thêm một loại trách nhiệm pháp lý nữa bên cạnh các chế tài hành chính, dân sự, kinh tế để xử lý các pháp nhân vi phạm có đem lại hiệu quả không, trong khi hệ lụy của việc xử lý có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động ngay tình; có thể gây quá tải công việc cho các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc dẫn đến tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế làm cản trở hoạt động của các doanh nghiệp.
Thứ ba, việc quy định phạm vi trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng cần làm rõ, như: loại pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự; loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự liên đới của người đại diện hợp pháp của pháp nhân, cá nhân và tập thể trong những loại tội mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, có ý kiến cho rằng, chỉ nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế, từ đó tương đồng với loại tội mà pháp nhân có thể bị truy cứu là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, an toàn công cộng, trật tự công cộng, quản lý hành chính và các tội phạm tham nhũng. Tuy nhiên, quy định này còn "vênh" với dự thảo Bộ luật dân sự hiện nay (không quy định về pháp nhân kinh tế); đồng thời, nếu chỉ xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế mà không áp dụng đối với các pháp nhân khác thì sẽ khó bảo đảm sự bình đẳng về quyền giữa các chủ thể có cùng tư cách pháp nhân.
Thứ tư, vấn đề vướng mắc lớn nhất là xác định rõ nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong mối quan hệ với xử lý trách nhiệm hình sự của cá nhân; làm rõ phạm vi giới hạn trách nhiệm hình sự của pháp nhân và cá nhân trong cùng một vụ án theo nguyên tắc "không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm" (khoản 3, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời, cần dự liệu các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự dành cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Nguyễn Phương Thảo
 
Tìm kiếm