Ngày 14/4/2022, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương dự và chứng kiến Lễ ký các quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước và VKSND tối cao; Văn phòng Chủ tịch nước và TAND tối cao.
Tham dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; đồng chí Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Tham dự buổi Lễ còn có tập thể lãnh đạo, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao.
Đại biểu VKSND tối cao tham dự buổi Lễ có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và Thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao.
Tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước trình bày Báo cáo kết quả công tác phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao và VKSND tối cao. Theo Báo cáo, thời gian qua, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp cùng TAND tối cao, VKSND tối cao chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ Chủ tịch nước trình Quốc hội khóa XIII, XIV, XV bầu, miễn nhiệm Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia cho ý kiến về các trường hợp được đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán; tiến hành kiểm tra, rà soát hồ sơ, danh sách người được đề nghị bổ nhiệm để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác và Kiểm sát viên VKSND tối cao được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, thời gian qua, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ý kiến trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đối với các trường hợp người bị kết án tử hình có đơn xin ân giảm. Trong công tác đặc xá, đã phối hợp chặt chẽ, tham gia cùng các cơ quan hữu quan đề xuất chủ trương về đặc xá, điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, quy trình, hồ sơ đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; cử cán bộ tham gia các Tổ thẩm định liên ngành thẩm định, xét duyệt hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, chương trình và các điều kiện cần thiết phục vụ Chủ tịch nước đến thăm và làm việc tại TAND tối cao, VKSND tối cao; phục vụ Chủ tịch nước thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp đối với những nội dung liên quan đến TAND và VKSND.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, hiện nay, đã có nhiều thay đổi về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các cơ quan để phục vụ tốt hơn hoạt động của Chủ tịch nước trong lĩnh vực tư pháp. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp đã ký là cấp thiết.
Về phía VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực, chủ động, tham mưu đề xuất, phối hợp chặt chẽ với bộ phận thường trực của Văn phòng Chủ tịch nước, tham gia tích cực vào việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Quy chế, bảo đảm chất lượng về nội dung, đúng tiến độ và được thống nhất trong tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao. Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí mong muốn, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của đồng chí Chủ tịch nước; sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chủ tịch nước và các đơn vị liên quan để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong nhiều nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao và các cơ quan khối nội chính, tư pháp luôn chặt chẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Chủ tịch nước trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công.
Đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại buổi làm việc với lãnh đạo TAND tối cao, VKSND tối cao và một số cơ quan nội chính, tư pháp ngày 14/9/2021, Chủ tịch nước đã giao Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, VKSND tối cao khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi các quy chế phối hợp công tác giữa 03 cơ quan; trong đó, sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm án tử hình nhằm khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ án tử hình hiện nay. Qua nhiều cuộc họp, thảo luận, 03 cơ quan đã thống nhất được nội dung Quy chế phối hợp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của 03 cơ quan trong việc xây dựng Quy chế phối hợp lần này.
Để thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ Chủ tịch nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác tư pháp, nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước, TAND tối cao và VKSND tối cao cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Quy chế phối hợp phải được triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc từ lãnh đạo đến các bộ phận nghiệp vụ, đặc biệt là cán bộ, chuyên viên trực tiếp thực hiện công vệc; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế. Việc thực hiện Quy chế phải đảm bảo đúng nguyên tắc, tuân thủ chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan; đảm bảo tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau; đồng thời, phải đảm bảo bí mật Nhà nước, bí mật công tác.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trên tất cả các lĩnh vực, nội dung; trong đó, chú trọng một số nội dung như: Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình, phối hợp công tác trong việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp,… Phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các Đề án của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và việc triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Các cơ quan cần sớm tổng kết công tác đặc xá năm 2021 và đề xuất chủ trương đặc xá năm 2022 để báo cáo Chủ tịch nước.
Tại buổi Lễ, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao đã đại diện 03 cơ quan ký kết Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với VKSND tối cao và Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Chủ tịch nước với TAND tối cao.