Ngày 17/5/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo về phía VKSND tối cao có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng VKSND tối cao, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, Cục Kế hoạch – Tài chính, VKSND tỉnh Quảng Ninh; cùng tập thể lãnh đạo, công chức Cục Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin VKSND tối cao. Về phía khách mời có đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Tổng hợp TAND tối cao; Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Hội Tin học Việt Nam…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị đã dành thời gian tham dự Hội thảo; VKSND tối cao rất mong lắng nghe được tất cả các ý kiến tâm huyết, khách quan từ các quý vị đại biểu liên quan đến công tác công nghệ thông tin nhằm góp phần định hướng phát triển công nghệ thông tin của Ngành với lộ trình, bước đi cụ thể, bảo đảm tính khả thi.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các dự án công nghệ thông tin, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, có tính liên thông và ứng dụng cao trong toàn bộ hệ thống Viện kiểm sát nhân dân là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021 - 2030 với bước đi, lộ trình, giải pháp phù hợp nhằm xây dựng một hệ thống thông tin ngành Kiểm sát nhân dân hiện đại; trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức hợp lý, đưa công nghệ thông tin trở thành một yếu tố nền tảng trong hệ thống các quy trình nghiệp vụ kiểm sát hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu tác nghiệp nghiệp vụ, xử lý thông tin, cung cấp các thông tin phục vụ quản lý và điều hành.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2030 là quy hoạch công nghệ thông tin đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân, yêu cầu nội dung của quy hoạch phải có tính khái quát, bao trùm, đồng thời đây cũng chính là những nội dung cụ thể phát triển Viện kiểm sát điện tử hướng tới Viện kiểm sát số. Do vậy, quy hoạch này sẽ chọn lọc, kế thừa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, trong đó có cụ thể hóa các nội dung của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ sự cảm ơn về sự tin tưởng, phối hợp hiệu quả giữa VKSND tối cao và Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian qua, đồng thời khẳng định, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, đồng hành cùng VKSND tối cao trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập đến một số nội dung liên quan đến tư duy, phương pháp, định hướng ứng dụng cộng nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
Theo Dự thảo “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; mục tiêu đến năm 2025, cơ bản xây dựng Viện kiểm sát điện tử với đặc trưng là hầu hết các hoạt động, lĩnh vực công tác của Ngành được ứng dụng công nghệ thông tin ở mức cao nhất, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát; đạt thứ hạng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân nằm trong top 10 bộ, ngành (không thuộc khối Chính phủ). Đến năm 2030, trên cơ sở nền tảng Viện kiểm sát điện tử, từng bước chuyển các hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân lên môi trường số; thay đổi cách thức vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ công chức, viên chức của Ngành có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, cần phát triển, trang bị trợ lý ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ cho hoạt động của Kiểm sát viên. Các giám định về âm thanh, hình ảnh khi có nhu cầu được thực hiện tại Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao; đáp ứng 100% các cuộc hỏi cung bị can yêu cầu có hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh. Tại VKSND tối cao và các VKSND cấp tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận một số nội dung, như: Chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025, định hướng đến năm 2030 và định hướng quy hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân; đánh giá thực trạng, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và việc thực hiện đánh giá, xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới; giải pháp số hóa dữ liệu và xây dựng trục tích hợp phục vụ hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân; giải pháp lưu trữ dữ liệu và bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh thông tin mạng; kinh nghiệm xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp…