Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế năm 2022 giữa VKSND tối cao và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, từ ngày 29/7 - 31/7/2022, tại Hà Nam, VKSND tối cao phối hợp với UNODC tổ chức Hội thảo tập huấn “Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự về tội phạm sử dụng mạng, máy tính và công nghệ thông tin, truyền thông”. Tiến sĩ Lại Viết Quang, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Nông, Kiểm sát viên VKSND tối cao; đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao; các đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ 7, VKSND tối cao: Đồng chí Phạm Văn An, đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, đồng chí Phan Hải Đăng và một số đồng chí là Lãnh đạo VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam: Đồng chí Trần Thế Kính, đồng chí Phan Văn Minh, đồng chí Nguyễn Quốc Phương; đồng chí Đỗ Thanh Bình, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên; đồng chí Vũ Đức Hòa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hòa Bình; đồng chí Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định.
Học viên tham gia khóa tập huấn có các đồng chí là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Vụ 7 VKSND tối cao và một số VKSND cấp tỉnh; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên thuộc các đơn vị: Vụ 7, Vụ 13 VKSND tối cao, VKSND tỉnh Hà Nam, VKSND tỉnh Hưng Yên, VKSND tỉnh Hòa Bình, VKSND tỉnh Nam Định, VKSND tỉnh Thanh Hóa và VKSND tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại những lợi ích và cơ hội to lớn cho sự phát triển của quốc gia nhưng cũng đặt ra những khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với vấn đề an ninh phi truyền thông và tội phạm sử dụng mạng, máy tính, công nghệ thông tin - truyền thông. Các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ thông tin như một phương tiện để thực hiện các tội phạm truyền thống một cách tinh vi hơn, quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, còn phát sinh nhiều tội phạm mới như: Tội phạm tấn công mạng, tội phạm chiếm đoạt dữ liệu cá nhân… được thực hiện với những tính chất nghiêm trọng như có tổ chức, xuyên quốc gia. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội thảo tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các Kiểm sát viên trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự về tội phạm sử dụng mạng, máy tính và công nghệ thông tin, truyền thống là rất thiết thực.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam tin tưởng, với kiến thức sâu rộng của các giảng viên cùng với tinh thần quyết tâm cao của các học viên, khóa tập huấn sẽ góp phần tích cực nâng cao năng lực cho các cán bộ ngành Kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án có liên quan đến tội phạm mạng, máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông. Từ đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn công tác phòng, chống tội phạm có sử dụng mạng, máy tính, công nghệ thông tin truyền thông.
Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các chuyên gia và giảng viên đã cùng cán bộ, Kiểm sát viên các cấp trao đổi, thảo luận sôi nổi nhằm đưa ra nhiều góc nhìn và phương hướng giải quyết đối với các vụ án khó, phức tạp, sử dụng mạng, máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông để phạm tội. Đồng thời, các học viên cũng chia sẻ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả đối với các vụ án này trong thực tế.