CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

VKSND tối cao tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 trong Ngành

22/08/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 22/8/2022, Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của VKSND tối cao tổ chức cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công dự và chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
 phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí thành viên Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của VKSND tối cao, gồm: Các đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính (Cục 3); các đồng chí Phó Cục trưởng Cục 3 VKSND tối cao: Mai Văn Út; Đỗ Việt Hùng; Đặng Thị Chúc.

 

Đại biểu tham dự cuộc họp

Đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp tại điểm cầu VKSND tối cao gồm: Các đồng chí Lê Xuân Lộc, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao; Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tối cao; Nguyễn Đức Hùng, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao; Mai Văn Sinh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam; Bàn Văn Thạch, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn; Trần Thế Kính, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam.

Tham dự cuộc họp trực tuyến còn có 23 đơn vị VKSND các tỉnh đang gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính VKSND tối cao trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao, các chủ đầu tư trong toàn Ngành cơ bản đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, 100% chủ đầu tư thành lập, kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do 1 đồng chí Lãnh đạo Viện làm tổ trưởng; đối với các thành viên có phân công trách nhiệm cụ thể cho Lãnh đạo đơn vị để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công. Các chủ đầu tư rà soát, lập kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng theo yêu cầu của VKSND tối cao, tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sát sao đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chủ đầu tư chưa chấp hành chế độ báo cáo theo đúng quy định, nhiều chủ đầu tư báo cáo cam kết tiến độ thực hiện dự án còn sơ sài, không chi tiết và phù hợp với tiến độ và tình hình thực tế của dự án, dẫn đến khó khăn trong tổng hợp báo cáo, đề xuất phương án xử lý. 

Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục 3 trình bày
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đơn vị đã tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân đạt trên 90% ngay từ những tháng đầu năm 2022, như: VKSND các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Giang, Yên Bái, Kiên Giang, Thái Bình. Đã có 5 dự án được VKSND tối cao điều chỉnh bổ sung vốn, 8 dự án đang đề nghị bổ sung vốn; một số đơn vị đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa công trình vào sử dụng trước thời hạn như VKSND các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có tiến độ giải ngân tốt vẫn còn nhiều dự án chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp.

Toàn cảnh cuộc họp

Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, các đơn vị VKSND cấp tỉnh phát biểu ý kiến về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm 2022. Cụ thể: Vướng mắc trong công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư; biến động giá vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng… Các đơn vị cũng cam kết thời gian và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, bổ sung vốn phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.

Đồng chí Bàn Văn Thạch, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn phát biểu ý kiến
về giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị
Đồng chí Nguyễn Đức Hùng, Phó Chánh Văn phòng
VKSND tối cao phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Đồng chí Trần Thế Kính, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam
báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công của VKSND tỉnh Hà Nam

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư, chủ đầu tư dự án triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của VKSND tối cao và chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án đầu tư.

Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch, phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo các đơn vị có liên quan (tư vấn, tổ giúp việc...) hoàn thiện đảm bảo các thủ tục đầu tư đúng quy định của Nhà nước và của Ngành trình cơ quan chuyên môn thẩm định, tránh trường hợp phải trả lại kéo dài thời gian phê duyệt và giải ngân vốn.

Chủ đầu tư trong Ngành, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án chậm tiến độ, đã kéo dài nhiều năm không thực hiện, dự án vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng, các dự án chưa được giao đất rà soát, đánh giá tính khả thi trong việc đầu tư xây dựng dự án, báo cáo rõ thời gian có thể khởi công thực hiện, tránh tình trạng cấp vốn kéo dài nhưng không thể giải ngân. Trường hợp dự án không thể thực hiện, các đơn vị đề xuất điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, cơ quan, ban ngành liên quan, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, giải ngân.

 Xây dựng, rà soát tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hàng tháng về giải ngân đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao trong trường hợp không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết đã đề ra. Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, thanh toán gửi đến cơ quan kiểm soát chi, không để dồn vào cuối năm.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án…

HQ
Tìm kiếm