Ngày 26/8/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề "Thực trạng, nguyên nhân dẫn đến bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động bị Tòa án cấp trên hủy, sửa - Kinh nghiệm, giải pháp khắc phục" trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Lê Tiến, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) VKSND tối cao; đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao; đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Vụ 15) VKSND tối cao; đại diện Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, đại diện Lãnh đạo cấp phòng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao: Văn phòng, Vụ 9, Vụ 11, Vụ 12, Vụ 15, Cục 2, Thanh tra, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát và Viện trưởng; Phó Viện trưởng phụ trách dân sự, hành chính; Lãnh đạo, công chức Viện nghiệp vụ 3, 4 thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị có đại diện Ban Giám hiệu, Lãnh đạo, giảng viên các khoa, phòng liên quan đến pháp luật dân sự, hành chính. Điểm cầu VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh có các đồng chí Viện trưởng; Phó Viện trưởng phụ trách dân sự, hành chính; Lãnh đạo, công chức Viện nghiệp vụ 3, 4. Điểm cầu VKSND cấp tỉnh có Viện trưởng; Phó Viện trưởng phụ trách dân sự, hành chính; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động. Điểm cầu VKSND cấp huyện có Viện trưởng, Phó Viện trưởng và công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp, đánh giá các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động bị Tòa án xét xử tuyên hủy, sửa trong 04 năm (2018 - 2021). Theo Báo cáo, những năm qua, trong bối cảnh cả nước tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông… đã gia tăng các khiếu kiện hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… mà người có đất bị thu hồi cho rằng việc bồi thường chưa thỏa đáng, giải quyết vấn đề tái định cư không đúng quy định; các tranh chấp kinh doanh thương mại phát sinh từ các hợp đồng mua bán hàng hóa, tín dụng, xây dựng, góp vốn, cổ phiếu, tranh chấp thành viên công ty…; các tranh chấp lao động liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, cho thôi việc...; nhiều vụ, việc có tính chất phức tạp, nhiều đương sự, kéo dài…
Trước tình hình trên, Toà án các cấp đã thụ lý và phối hợp với Viện kiểm sát ngang cấp giải quyết đạt tỷ lệ cao. Nhìn chung các bản án, quyết định của Toà án các cấp cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp bản án, quyết định của Tòa án các cấp có vi phạm nghiêm trọng bị Tòa án cấp trên xét xử tuyên hủy, sửa.
Báo cáo cũng đề cập đến một số vi phạm phổ biến dẫn đến bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động bị Tòa án tuyên hủy sửa. Theo đó, vi phạm thủ tục tố tụng: Gồm các dạng vi phạm trong việc xác định đối tượng, điều kiện, thời hiệu khởi kiện; trong việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; trong việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án; trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; giải quyết không hết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự. Vi phạm về nội dung: Gồm các dạng vi phạm trong việc đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ; trong việc áp dụng pháp luật giải quyết vụ án, vụ việc không đúng; trong việc áp dụng quy định về án phí, lệ phí.
Phần tham luận, đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận, nêu lên thực trạng, nguyên nhân và giải pháp nhằm hạn chế các bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động bị Tòa án cấp trên hủy, sửa; kinh nghiệm phát hiện vi phạm trong công tác kiểm sát vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động. Đồng thời, đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao đã giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong khâu công tác này.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, thời gian qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa đã làm gia tăng khiếu kiện hành chính; các tranh chấp hoạt động kinh doanh thương mại, lao động ngày càng phát sinh nhiều vụ việc phức tạp và theo hướng gia tăng về số lượng. Do đó, việc tổ chức Hội nghị là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, hạn chế việc bản án, quyết định bị hủy, sửa do có trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chỉ đạo, thời gian tới, Lãnh đạo VKSND các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động. Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, nhất là đối với những vụ án phức tạp, khiếu kiện đông người, dư luận xã hội quan tâm.
Vụ 10 VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, đất đai, xử phạt vi phạm hành chính,... để khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành. Tăng cường hơn nữa việc ban hành kiến nghị, kháng nghị cùng cấp, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đủ sức thuyết phục, hiệu quả; đồng thời, rút kinh nghiệm từ các vụ án, vụ việc cụ thể; từ đó, nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để triển khai trong toàn Ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị, sau Hội nghị, mỗi Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động tham dự Hội nghị cần tiếp tục nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch hành động cá nhân để áp dụng hiệu quả nội dung tập huấn vào thực tiễn công tác…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu, nội dung tập huấn cho Hội nghị của Vụ 10 VKSND tối cao. Đồng thời đề nghị, đại biểu tham dự Hội nghị nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị; tiếp tục nghiên cứu tài liệu, nắm bắt đầy đủ các nội dung tại Hội nghị để triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả tại địa phương, đơn vị.